Dương Chí Dũng khai người ‘mật báo’; cấp thẻ hành nghề biểu diễn nóng nhất tuần qua

Nhiều tình tiết mới xuất hiện hậu phiên xử bị cáo Dương Chí Dũng, Cục Nghệ thuật biểu diễn cấp thẻ hành nghề cho nghệ sỹ nóng nhất tuần từ 6 - 12/1.

1. Dương Chí Dũng khai tên người ‘mật báo’ tin khởi tố

Tại phiên tòa xét xử Dương Tự Trọng (nguyên Phó giám đốc Công an Hải Phòng, nguyên Cục phó Cảnh sát quản lý hành chính, Bộ Công an) về hành vi tổ chức cho anh trai Dương Chí Dũng (cựu Cục trưởng Hàng hải) trốn ra nước ngoài vào ngày 7/1, ông Dũng, người đã lĩnh án tử hình trong vụ tiêu cực xảy ra tại Vinalines, bị đưa đến tòa với tư cách người làm chứng.

Anh em ông Dương Chí Dũng và Dương Tự Trọng

Phiên tòa bất ngờ "nóng" lên khi nhân chứng Dương Chí Dũng khai về cuộc điện thoại mật báo tin bị khởi tố. Ông Dũng khai trưa ngày 17/5/2012 gọi điện cho Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Quý Ngọ. Chiều cùng ngày, ông Dũng đến gần nhà ông Ngọ và sau đó được hẹn tối đến. Khoảng 18h, ông Dũng nhận được điện thoại của vị thứ trưởng nói quyết định khởi tố, bắt tạm giam đã được phê chuẩn. "Ông Ngọ bảo tôi rằng chú tránh đi một thời gian", ông Dũng khai.

Chiều 8/1, sau hai ngày xét xử các bị cáo trong vụ án tổ chức đưa Dương Chí Dũng trốn đi nước ngoài, TAND TP Hà Nội cũng đã quyết định khởi tố vụ án “cố ý làm lộ bí mật nhà nước”.

Ngày 10/1, Tòa án nhân dân TP Hà Nội cho biết đã chuyển quyết định khởi tố vụ án hình sự cố ý làm lộ bí mật nhà nước sang Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội.

2. Cấp thẻ hành nghề cho nghệ sỹ biểu diễn

Theo đó, việc cấp thẻ hành nghề diễn ra đơn giản cho tất cả cá nhân tham gia lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, không cần đến hội đồng nghệ thuật thẩm định. Tuy nhiên, khâu hậu kiểm với công tác thanh tra, kiểm tra xử phạt sẽ được làm rất chặt chẽ. Hiện tại, thông tư hướng dẫn việc thực hiện cấp thẻ hành nghề, chế tài xử phạt với các trường hợp vi phạm sẽ hoàn thành.

Nếu có gia đình bảo lãnh, hai sao 'nhí' dưới 15 tuổi này vẫn được biểu diễn

Nếu đề án được thông qua thì đến năm 2016 sẽ hoàn thành việc cấp thẻ hành nghề cho gần 10.000 nghệ sĩ, người mẫu trong cả nước. Theo đề án này, kể cả những nhạc sĩ nhưng có biểu diễn ở các sân khấu thì vẫn phải làm hồ sơ xin cấp thẻ hành nghề.

Tuy nhiên, một đối tượng biểu diễn mới xuất hiện không nằm trong khung điều chỉnh của đề án cấp thẻ hành nghề là các ca sĩ nhí bước ra từ các cuộc thi tìm kiếm tài năng âm nhạc. Theo khẳng định của Cục Nghệ thuật biểu diễn, đề án áp dụng đối với các nghệ sĩ Việt Nam đang hoạt động nghệ thuật trên lãnh thổ Việt Nam.

3. Chế tạo pháo nổ, 4 sinh viên thiệt mạng trong nhà trọ

Vụ việc xảy ra vào khoảng 14h30 chiều ngày 11/1, tại căn nhà trọ trong hẻm ở quận 10 (TPHCM). Theo đó, ngay khi phát hiện hỏa hoạn tại số nhà 243/29/5 đường Lý Thường Kiệt, nhiều người đã mang thiết bị chữa cháy đến dập lửa nhưng không được, liền báo cho cơ quan chức năng. Sau 30 phút dập lửa, lực lượng chức năng phát hiện ít nhất 4 người đã thiệt mạng do ngạt khói.

Công an khám nghiệm hiện trường vụ cháy nổ

Các nạn nhân gồm Nguyễn Quốc Lợi (20 tuổi), Ngô Quang Thiện (19 tuổi), Đoàn Trọng Hữu (22 tuổi) và Nguyễn Hoàng Nhân (21 tuổi). Tất cả đều là sinh viên trường Đại học Bách Khoa đang ở trọ tại nơi xảy ra cháy.

Đại diện Sở PCCC TPHCM cho biết dựa trên những thông tin tại hiện trường và lời kể của một sinh viên ở chung phòng trọ với các sinh viên bị nạn, bước đầu Sở nhận định nguyên nhân ban đầu gây cháy, nổ có thể là do sinh viên Đoàn Văn Hiếu (23 tuổi, quê quán Cư Jút, tỉnh Đắk Nông) cách đây 2 ngày đã mua một số hóa chất lưu huỳnh, magie… từ chợ Kim Biên về để chế tạo pháo với mục đích khi về quê ăn Tết sẽ đốt.

4. Táo tợn bắt cóc trẻ sơ sinh 1 ngày tuổi trong bệnh viện

Khoảng 8h ngày 9/1, một phụ nữ giả dạng người thân của bệnh nhân “nằm vùng” hơn nửa ngày tại phòng Sau sanh khoa Sản Bệnh viện Quận 7 (TP.HCM) đã bắt cóc một bé trai sơ sinh 1 ngày tuổi.

Chị N.T.M.T, mẹ của bé trai bị bắt cóc cho biết, 14h ngày 8/1, chị T. vào Bệnh viện quận 7 để nằm chờ sanh. Đến 15h10, chị T. sinh hạ một bé trai nặng 3,2kg. Khoảng 17h cùng ngày, chị T. và con trai được chuyển vào phòng Sau sanh để theo dõi.

Khi chị T. đi vệ sinh để con nằm ở giường, khoảng ít phút sau quay trở ra thì đứa bé đã biến mất. Bảo vệ bệnh viện cho biết có một phụ nữ ôm một đứa bé thuê ông Hồ Văn Hồng (39 tuổi, tạm trú tại xã Phú Xuân, H.Nhà Bè, TP.HCM) chạy xe ôm trước cổng bệnh viện chở đi đường Nguyễn Thị Thập, hướng về đường Nguyễn Hữu Thọ.

Hiện cơ quan công an vẫn đang ráo riết truy tìm tung tích người phụ nữ đã bắt cóc cháu bé.

Chân dung sơ bộ của người phụ nữ nghi là "mẹ mìn" bắt cóc trẻ em được hoạ sĩ phác hoạ qua lời kể của người mẹ mất con

5. Quốc tế: Trung Quốc bị chỉ trích mạnh mẽ vì chiếm Hoàng Sa

Vụ việc xoay quanh sự kiện Trung Quốc thiết lập ‘Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ)’. Theo đó, trong khi một số học giả cảnh báo việc Trung Quốc thiết lập ADIZ bao trùm quần đảo Senkaku/Điếu Ngư sẽ ảnh hưởng đến cân bằng chiến lược tại châu Á về lâu dài, nhiều ý kiến khác đã chỉ trích hành động tấn công và chiếm đóng của Trung Quốc trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam (năm 1974), một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa (năm 1988), bãi Vành Khăn (năm 1994) và bãi Cỏ Rong. Các học giả cũng chỉ trích quy định bắt tàu cá nước ngoài phải xin phép trên biển Đông mà Trung Quốc mới ban hành.

Các ý kiến cho rằng để giải quyết tranh chấp chủ quyền tại biển Đông, các bên liên quan phải tuân thủ Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), tìm kiếm giải pháp hòa bình dựa trên Tuyên bố về Cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) và hướng tới Bộ Quy tắc Ứng xử của các bên ở biển Đông (COC).

Song song đó, họ kêu gọi các bên kiềm chế, nhất là không đưa người lên ở tại các quần đảo chưa có cư dân. Đáp lại, phía Trung Quốc cũng nhanh chóng chí trích Mỹ can thiệp. Tân Hoa Xã đăng bài bình luận kêu gọi “các nước xung quanh biển Đông phải nhìn thấu chiến lược, thủ đoạn cũng như tham vọng thao túng các vấn đề ở châu Á để duy trì thế độc tôn của Washington và quay về với con đường hội đàm trực tiếp thân thiện”.