7 trường ĐH, CĐ bị dừng tuyển sinh hoàn toàn trong năm 2012 gồm: ĐH Hùng Vương TP. HCM, ĐH Đông Đô, ĐH Văn Hiến, CĐ Công nghệ Thông tin TP. HCM, CĐ Kỹ thuật - Công nghệ Bách khoa, Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Hà Nội và Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Sài Gòn. Ngoài ra có 20 ngành học của nhiều trường ĐH, CĐ trên cả nước cũng bị dừng tuyển sinh trong năm nay.
Đau… nhưng phải làm!
Lý do đình chỉ tuyển sinh chủ yếu là do các trường chưa thực hiện đúng điều kiện cam kết thành lập trường; chưa có giảng viên có trình độ tiến sĩ và thạc sĩ đúng ngành theo quy định; tỷ lệ sinh viên trên giảng viên quá cao... Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa, việc kiểm tra, thanh tra của Bộ đối với các trường ĐH, CĐ là việc làm thường xuyên để thực hiện chức năng quản lý của Nhà nước.
“Chúng tôi xác định kiểm tra để chấn chỉnh, để uốn nắn. Bên cạnh đó là hướng dẫn giúp đỡ cho trường chứ không phải xử phạt tất cả”, bà Nghĩa nói.
Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Hà Nội bị đình chỉ tuyển sinh năm 2012. (Ảnh minh họa)
Đồng quan điểm, ông Bùi Văn Ga, thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cũng cho hay: “Sau khi cân nhắc mức độ vi phạm, chúng tôi đã có quyết định dừng tuyển sinh đối với những trường vi phạm nặng. Còn những trường khác cũng thiếu sót như tỉ lệ giảng viên trên SV hay thiếu số giảng viên có trình độ Th.S, TS, nhưng ở mức độ nhẹ hơn thì chúng tôi có công văn cảnh báo và yêu cầu các trường khắc phục. Phải dừng tuyển sinh với các trường, “đau” lắm chứ nhưng vẫn phải làm, vì có thế mới có thể chấn chỉnh, nâng cao chất lượng giáo dục”.
Không công bằng?
Việc Bộ GD-ĐT quyết định dừng tuyển sinh hoàn toàn với 7 Trường ĐH, CĐ và 20 ngành đào tạo của các trường được đánh giá là đúng đắn nhưng chưa… quyết liệt, thậm chí là không công bằng cho các trường. Ông Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ phó Vụ Giáo dục ĐH, nhận định: “Khi đã đặt ra tiêu chí, nếu trường nào không đạt thì phải xử lý hết. Nhưng Bộ chỉ đánh vài trường, còn lại lờ đi, như thế là không công bằng. Thực tế, với các tiêu chí Bộ đưa ra thì hầu hết các trường ĐH đều không thể đáp ứng được”.
Lý giải về nhận định này, ông Khuyến cho rằng: Bộ đưa các tiêu chí về quy định và điều kiện của các trường rất cao, không hợp lý. Thậm chí nó cao hơn rất nhiều so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới quy định. Ví dụ, Bộ GD-ĐT quy định: Một trường ĐH muốn mở ngành ĐH và muốn tự quyết định chương trình đào tạo của ngành đó thì ngành này phải có ít nhất 5 tiến sĩ (trong đó có 1 TSKH hoặc ít nhất GS hay PGS). Đó là tiêu chí cực cao. Trong khi đó, hiện nay ở Thái Lan (nền giáo dục của họ vượt chúng ta vài thập niên) chỉ quy định trường ĐH muốn mở ngành đào tạo nào thì ngành đó có 3 giảng viên cơ hữu có kinh nghiệm (trong đó tối thiểu có 1 người có trình độ thạc sĩ). “Việc đặt ra các tiêu chí nghe ra thì hợp lý, nhưng tiêu chí đó lại cao quá, ở “trên trời”, thì không hợp lý”, ông Khuyến nói.
Ở một góc độ khác, GS.TS Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội các Trường ĐH, CĐ ngoài công lập, lại cho rằng: “Đa số các trường bị dừng tuyển sinh đều là các trường ngoài công lập, trong khi đó các trường công lập lại được “du di”. Nếu đã là tiêu chí thì phải có sự thanh, kiểm tra công bằng, trường nào không đảm bảo phải xử nghiêm túc thì không ai người ta thắc mắc. Ngoài ra, hiện nay các trường ĐH đang mở ra ồ ạt. Thế nên Bộ phải thẩm định trước các trường ĐH, CĐ có đầy đủ đất đai, trường học, phòng ốc, trang thiết bị… rồi mới cấp phép thay vì cấp phép trên giấy, rồi một thời gian sau đi thẩm định!”.
(Còn nữa)