Quy trình thử nghiệm của nó vô cùng kỹ càng, cẩn trọng, tỉ mỉ, huy động nhiều ngành khoa học cùng tham gia. Sau khi thử nghiệm trên động vật chán chê, theo dõi chán chê rồi mới dùng hạn chế ở người để theo dõi tiếp trước khi cho phép sản xuất đại trà. Còn ở ta, với rất nhiều người, toàn bộ cái quy trình dài dằng dặc đó được đơn giản tối đa chỉ bằng duy nhất một động tác là cho vào miệng, nuốt xuống dạ dày và “lắng nghe cơ thể mình” nếu may mắn còn có cơ hội.
Khi câu chuyện mất mạng vì “biệt dược” ở Tây Nguyên rộ lên trên các phương tiện thông tin đại chúng, dư luận mới nhảy bổ vào phê phán sự liều lĩnh do thiếu hiểu biết của người chết, mà không mấy ai nghĩ chính xã hội đã khuyến khích hành vi đó từ rất lâu rồi. Cách nay 30 năm, tại một công trường xây dựng lớn của cả nước thời điểm ấy, có một nhân vật bỗng dưng cực kỳ nổi tiếng cũng nhờ hành động liều lĩnh. Chả là công trường cần gấp một số thiết bị vào loại siêu trọng. Muốn đưa vào chân công trình thì xe chở, loại xe có trọng tải lớn, phải qua một cây cầu bê tông cỡ nhỏ. Tải trọng tổng cộng của xe và thiết bị gấp vài lần tải trọng thiết kế tối đa của cây cầu. Các kỹ sư đề nghị tìm phương án khác vì vẫn có cơ hội cho điều đó. Nhưng như thế sẽ phải mất thêm thời gian, có nguy cơ ảnh hưởng thành tích. Tranh cãi nổ ra. Nhân vật mà chúng tôi vừa nhắc đến tại thời điểm đó là một vị lãnh đạo cỡ công ty, đề nghị cứ “làm đại” đi, nếu cầu sập thì ông xin chịu trách nhiệm! Để chứng tỏ cái “trách nhiệm” đó của mình, ông sẽ đứng dưới gầm cầu khi xe chở thiết bị đi qua. Tức là ông lấy tính mạng mình ra chứng minh…cầu không thể sập! Mọi chuyện sau đó may mắn diễn ra tốt đẹp, mặc dù không chỉ những lái xe, mà hàng trăm nhà chuyên môn, những người chỉ có kiến thức mà không có quyền, đều bị một phen thót tim! Nhưng họ đã thua…sự liều mạng. Dư luận lập tức tung hô rầm rộ việc làm được cho là quả cảm của ông lãnh đạo kia (Tên ông xuất hiện trên nhiều báo và cả một vài cuốn sách), đồng nghĩa với việc các kỹ sư bị coi khinh là những người thiếu bản lĩnh!.
Hành vi vừa nêu rõ ràng là có chất của…người hùng! Nếu nó xảy ra trong điều kiện chiến tranh, không có sự lựa chọn mà cần khích lệ binh sĩ như là phương án tốt nhất, thì chẳng còn gì phải bàn cãi. Nhưng trong điều kiện có mọi sự lựa chọn, thì hành vi phản kỹ thuật, phản lý trí đó chắc chắn là do dốt nát! Chẳng hạn nếu hôm đó chiếc cầu bị sập (ngay cả với xác suất một trên một ngàn), khiến hàng chục người bỏ mạng thì sẽ thế nào? Ông lãnh đạo kia lấy tư cách gì để thế chấp vay mượn mạng sống của hàng chục người khác?
Nhưng cho kẹo cũng không ai dám nói thẳng ra như vậy. Và nghiễm nhiên loại hành vi kiểu đó được khích lệ, được tưởng thưởng trong xã hội của chúng ta, ngang với hành vi anh hùng! Nó đẻ ra một thứ tư duy còn nguy hiểm và tai hại gấp bội: Đề cao sự liều mạng vô căn cứ, đánh đồng nó với tinh thần yêu nước, phẩm hạnh và trách nhiệm cao?
Lẽ dĩ nhiên, về ý nghĩa, mục đích và giá trị thực của hành động thì việc đứng dưới gầm chiếc cầu yếu để bác bỏ các cảnh báo kỹ thuật, khác xa với việc chết vì “biệt dược” vừa xảy ra ở Nam Ban, Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng. Một đằng dù sao vẫn còn vì công việc chung, còn một đằng chỉ thuần tuý vì cái dạ dày. Nhưng bản chất của vấn đề thì hoàn toàn giống nhau: Cùng có chung cội nguồn “điếc không sợ súng”. Nó còn phản ánh một thói quen xấu của người Việt là tính qua loa, đại khái, tào lao, bất chấp các quy luật. Bản tính này thực ra vẫn đang ngày ngày chi phối dày đặc trong đời sống. Mặc cho những cảnh báo về sự nguy hiểm của vi rút H5N1, mặc cho ti vi chiếu không biết mệt hình ảnh những bệnh nhân đen thui chết do bệnh nhiễm khuẩn cầu lợn, nhiễm sán dây…người ta vẫn nhồm nhoàm ăn những bát tiết canh sống xít, ngay bên cạnh những cống rãnh hôi thối đầy lông gà lông vịt và phân lợn. Thậm chí họ còn “chúng khẩu” bài bác những cảnh báo khoa học kia một cách thích thú. Khi một người cắt ngang đầu xe ô tô lúc nó đang chạy, khi ai đó vượt qua rào chắn tầu hoả, khi hàng chục người chèo lên những con đò đã chật kín, mấp mé nước mà không hề có áo phao, khi nhân viên ngân hàng làm đẹp hồ sơ thế chấp để cho vay và vì thế mà sinh nợ xấu, khi một giám đốc bé tí dám lĩnh lương khủng…chính là vì họ được cổ vũ ngầm của cộng đồng về thói liều lĩnh, thói quen tào lao vô nguyên tắc, một sự cổ vũ vô thức nhưng không hề vô căn!
Song có lẽ thói quen tào lao của người Việt thể hiện rõ nhất trong việc ăn uống và dùng thuốc chữa bệnh. Trước khi xảy ra án mạng do uống loại rượu ngâm thứ cây được đồn đại là biệt dược như vừa nêu, có vô số những vụ ngộ độc vì nuốt mật cá trắm, mật cóc…Hình như bất cứ thứ gì tin là bổ béo, tác dụng kéo dài tuổi thọ, kéo dài đời sống tình dục; hoặc cứ thấy ghi thuốc bổ, rượu bổ, nước tăng lực, khỏi cần biết nó được đảm bảo bằng cái gì…người Việt đều háo hức đưa ngay vào miệng, không cần quan tâm tác dụng thực của nó có thể giết người.
Nếu căn cứ trên cái thực tế đó thì thấy hoá ra người Việt cũng ham sống đấy chứ, ham sống đến nỗi bất chấp việc có thể phải đổi chính mạng sống, trái ngược hoàn toàn với phỏng đoán căn cứ trên sự liều lĩnh! Những nghịch lý này phản ánh điều gì, cần có sự nghiên cứu công phu, duy khoa học và bằng tinh thần nghiêm túc. Với cá nhân tôi, thì đó là hậu quả của một xã hội thiếu vắng quá lâu các chuẩn mực. Vì thiếu chuẩn mực, với tư cách là vật hoa tiêu hướng dẫn, cái neo định vị các giá trị cho cộng đồng, nên người ta sẵn sàng bịa ra chuẩn mực cho riêng mình hoặc theo ý mình. Và thế là từ việc thiếu chuẩn mực, chúng ta bị đẩy đến chỗ loạn chuẩn mực. Tình trạng này mới thực sự nguy hiểm, không chỉ cho riêng lĩnh vực nào. “Cởi” để thành sao, nói dối để thành sao, “diễn” để thành sao, chạy vạy chí chết để vào hội nọ hội kia, mua giải thưởng này giải thưởng khác chỉ với mục tiêu phải có cái danh hão...chính là những biểu hiện sinh động của tình trạng loạn chuẩn mực. Tiến trình tất yếu của nó chính là phi chuẩn mực. Phi chuẩn mực nên người ta phải dùng đến Scandal (bê bối) cho mọi khởi đầu thành công, cho mọi sự nổi tiếng. Phi chuẩn đến nỗi một người nào đó đánh cháu nội đến trọng thương chỉ vì nó làm mất mấy cái vật chứng ghi nhận thứ danh hão huyền mà không biết đó là hành vi đáng phỉ nhổ. Cũng vì phi chuẩn nên trong một chương trình quảng cáo trên phương tiện thông tin lớn với mục đích nêu bật sự tuyệt vời của gói bảo hiểm nào đó, mới có cái nội dung hồn nhiên thế này: Khi chưa mua bảo hiểm, người mẹ luôn dặn con đi đường phải cẩn thận. Còn sau khi đã mua bảo hiểm, cũng chính bà mẹ đó bảo với con bằng thứ giọng vô cùng âu yếm “Mẹ mua bảo hiểm thân thể cho con rồi, thế là từ nay con thoải mái ra đường mà không lo gì nữa cả ”.
Theo lẽ tự nhiên và theo chuẩn mực đạo đức tối thiểu, không bà mẹ nào lại đi dặn con những điều “ngu xuẩn” và vô tâm như vậy. Nhưng vì không có ngay cả cái chuẩn tối thiểu đó, mà những lời nói ấy của một bà mẹ, lại được chấp nhận bình thường! Bình thường đến nỗi giờ này nó vẫn thoải mái ra rả nói vào tai mọi người mỗi ngày.
Không biết từ bao giờ người Việt lấy tên của một loài chuột: Chuột bạch, để chỉ chung cho vật nào đó bị đem ra dùng làm vật hy sinh. Họ dựa trên một căn cứ có thật là chuột bạch thường được các nhà khoa học dùng làm con vật để họ tiến hành các thử nghiệm y khoa. Ngoài những đặc điểm sinh học đặc biệt mà các biểu hiện sinh lý, lâm sàng sau thí nghiệm có thể suy luận sang con người theo kiểu “tương đương”, ngoài những tập quán sống, tập quán sinh hoạt phù hợp cho công việc, điều kiện tiên quyết để chuột bạch được lựa chọn chính vì nó là CON VẬT.
Điều tưởng như đơn giản đến mức nhắc lại sẽ thành buồn cười, buồn cười gấp ngàn lần câu “Biết rồi khổ lắm, nói mãi” này, hoá ra lại vẫn còn nhiều người Việt mình chưa biết. Đáng tiếc và xấu hổ lắm thay!