Dựng tóc gáy ở “làng tử thần”

Cái vẻ huyền bí của Vĩnh Sơn có lẽ do đặc trưng của nghề mang lại. Hàng ngàn “ông” rắn hổ cuộn mình trong những ngăn chuồng bê tông.

làng rắn lớn nhất miền Bắc (xã Vĩnh Sơn, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc), có lẽ, đứa trẻ cũng lớn lên cùng với tiếng phì phò rùng rợn của loài bò sát có tên trong danh sách tử thần. Cho nên, dù là loài “đẻ trứng vàng”, nó vẫn là nỗi lo lắng, ám ảnh cuộc sống của người dân nơi đây.

Vào hang “ông hổ”

“Ở đây nhà nào cũng nuôi rắn, chú hỏi nhà nào?”. Bà K. - một chủ hộ nuôi rắn, vừa buộc đầu bao hơn 10kg cóc (thức ăn nuôi rắn), vừa trả lời nhát gừng câu hỏi có vẻ ngờ nghệch của tôi.

Còn ông Nguyễn Văn Quyết thì khẳng định: “Cả xã có hơn 1.000 hộ thì có tới 80% hộ nuôivà kinh doanh rắn”.

   

Chuồng nuôi rắn ở làng nuôi rắn lớn nhất miền Bắc.

Vào Vĩnh Sơn dễ dàng nhận thấy vẻ yên tĩnh đến “ghê sợ”, mặc dù xã chỉ cách trung tâm Vĩnh Tường 2km và trung tâm thương lái Thổ Tang chưa đầy cây số.

Cái vẻ huyền bí của Vĩnh Sơn có lẽ do đặc trưng của nghề mang lại. Hàng ngàn “ông” rắn hổ cuộn mình trong những ngăn chuồng bê tông, yên phận với 3 năm tuổi đời để tích luỹ năng lượng và “trả ơn” bằng bạc triệu cho những người chủ đã tận tuỵ chăm sóc mình.

Khi được hỏi về lịch sử của nghề rùng rợn này, các hộ nuôi đều lắc đầu: không biết có từ bao giờ, chỉ biết đó là nghề truyền thống cha ông để lại. Đời nọ tiếp đời kia và đã có hàng ngàn đời rắn hổ định cư ở đây...

Tôi líu ríu theo chân ông Quyết vào thăm “động” rắn. Nghe tiếng dữ về loài rắn này đã lâu, tôi đã lên sẵn cho mình một phương án đề phòng nếu chẳng may có “ông” nào cao hứng… nghển cổ.

Song vẻ bình tĩnh của ông chủ rắn đã phần nào làm tôi vững dạ. “Cơ ngơi” của ông Quyết gồm 600 chuồng, hầu hết đã đến tuổi thu hoạch.

Trại nuôi rắn được xây cất ngay trong vườn sau nhà, người và rắn cùng chung sống. Điều này dễ hiểu bởi diện tích đất nuôi rắn không cần nhiều, chỉ cần vài chục m2 là có thể xây hàng trăm chuồng nhốt.

Chuồng hình chữ nhật, chiều dài ước chừng 0.5m, cao 0.4m, rộng 0.3m, nằm sát nhau và được cất trên nền gạch cao, có hệ thống lỗ thông hơi ở gầm, nắp đậy là những miếng lưới sắt hoặc gỗ ghép. Trên là mái che lợp lá cọ, để hở tứ bề. Đây là mô hình chuồng nuôi chung của toàn xã.

Trước đây, dân nuôi cất chuồng kiểu bán tự do, có “buồng kín” cho rắn ngủ và “sân chơi” cho rắn phơi nắng.

Chuồng nuôi phải đảm bảo những yêu cầu rất khắt khe: thông thoáng, đủ độ ẩm nhưng không được ướt, không kín quá mà cũng không hở quá...

Rắn là loài động vật hoang dã rất khó tính về chỗ ăn, chỗ ở. Nếu không đúng môi trường, rắn rất dễ bị chết hoặc mắc bệnh giun, bệnh sưng phổi...

Trên mái lợp lá cọ, xác rắn lột ngổn ngang. Thậm chí trên lối đi cũng có vài ba xác rắn còn nhem nhép ướt. Tự nhiên tôi rùng mình, gai ốc nổi khắp người. Chiếc nắp lồng bật mở. Bị ánh sáng hắt vào đột ngột và chiếc kẹp sắt đánh động, một đầu rắn ngóc lên cao, chiếc mang bành ra to gấp ba lần thân, đầu rắn nhỏ thó, đôi mắt lồi thao láo.Miệng rắn há rộng nhìn rõ cuống họng đỏ lòm, cái lưỡi dài thụt thò, thụt thò...
làng tử thần, rắn hổ, Vĩnh Sơn, làng nghề...

Thức ăn nuôi rắn hổ là cóc, nhái, và… cả rắn nước. Cảnh tượng một người nuôi rắn dùng kéo xắt thành từng miếng nhỏ, cho vào đĩa nhựa và thả xuống chuồng nuôi rắn.

Đây là “ông hổ” 3 năm tuổi đời,trọng lượng lên đến 2.5-3.0 kg. Các ngăn chuồng kế bên, những tiếng“phì...phì...” bắt đầu trỗi dậy.

Tôi không dám tưởng tượng nếu cùng một lúc cả ngàn con rắn hổ đều nhất loạt ngóc dậy thì sẽ như thế nào?

Kế bên là hai bãi cỏ rợp cũng được che mái lá. Nhấc chiếc lá cọ lên, ông Quyết chỉ cho tôi xem một ổ trứng chừng vài chục quả, mỗi quả to bằng trứng chim câu. Ba, bốn chú rắn nhỏ mới vài ngày tuổi thấy động, theo bản năng đều nhất loạt ngóc cổ dậy và trườn nhanh lẩn vào đám cỏ ướt.

Chỉ 3-4 tháng sau khi nở, rắn con sẽ được đưa vào chuồng để “vỗ béo”, bắt đầu một cuộc sống giam cầm bị kiểm soát 24/24, không còn được tự do sống đời hoang dã.

Dựng tóc gáy nghe chuyện về“làng tử thần”

Ông Quyết xắn ống quần, ống tay áo chỉ cho tôi xem những vết rắn cắn bây giờ đã thành sẹo. Dân Vĩnh Sơn không ai trong nghề mà không lãnh vài cú tợp của ông hổ. Đã chấp nhận cái nghề này thì cũng đành mang lấy cái nghiệp.

Lợi nhuận từ rắn rất cao nhưng mạng sống của con người được đem ra thử thách hàng ngày, hàng giờ, riết rồi cũng quen.

Năm 2003, xã Vĩnh Sơn có hai trường hợp tử vong vì rắn cắn, còn chuyện đưa đi cấp cứu ở đây đã thành cơm bữa. Các hộ nuôi rắn cũng có bài thuốc gia truyền để lại, nhưng thoát được cái chết cũng do duyên số cả.

Đấy là chuyện rắn cắn. Còn nuôi được con rắn đến khi trưởng thành cũng lắm gian nan. Ông Lộc- chồng bà Khen tâm sự: “Nói thật với các anh, chúng tôi chăm sóc con rắn còn vất vả hơn chăm con, phải nâng niu từng tí một. Chuồng nào rắn bỏ ăn hay có dấu hiệu mắc bệnh là lo lắng đến độ mất ăn mất ngủ. Cả một đống tiền, sểnh ra là đổ sông đổ bể”.

Khu ấp nở tự nhiên trong góc vườn nhà ông Quyết.

Đối với các hộ làm ăn chân chính, việc chăm sóc một con rắn từ lúc rắn giống cho tới khi khai thác rắn trưởng thành, đó là cả một quá trình đầy gian nan vất vả, đánh đổi nguy hiểm bằng mạng sống của chính mình. Thế nhưng, không phải cứ đến đất rắn là mua được “thuốc quý”.

Người thanh niên tên T. mở quán ngay ngã ba vào huyện Yên Lạc, thấy chúng tôi còn chưa hết bàng hoàng sau khi ra khỏi “đất rắn”, hay chuyện đã “tiết lộ” không ít những góc khuất của nghề. Anh cũng là dân Vĩnh Sơn “chính hiệu”, cũng đang thả 100 rắn trong chuồng.

Theo cách nói của anh, tài sản của dân Vĩnh Sơn được tính theo đầu rắn. Các đại gia rắn có trong tay từ trên 600 đến hơn ngàn con, đó là những người “dốc” sạch túi để theo canh bạc cùng rắn.

Những hộ ít vốn, nuôi cầm chừng vài trăm, thậm chí vài chục rắn, như là một cái “sổ tiết kiệm”.

Bể rắn nước nuôi làm thức ăn cho rắn hổ mang.

Lớn nhất Vĩnh Sơn hiện nay là hộ ông Tí Hợi, không chỉ nuôi trên ngàn đầu rắn, ông còn là “đầu nậu” thu gom để xuất khẩu.

Bên cạnh bán rắn giống, rắn thịt, Vĩnh Sơn cũng “bao” luôn... rượu rắn! Những bình rượu tam xà, ngũ xà hay độc xà (con rắn hổ nặng chừng trên 3ký, cuộn tròn chật cứng chiếc bình lớn, đầu ngóc cao, miệng banh rộng ngậm củ sâm to bổ chảng), giá lên tới chục triệu.

Nhưng, nếu muốn chắc chắn 100% chất lượng, khách mua phải mục sở thị từ đầu đến cuối quá trình chọn rắn trong chuồng, làm rắn, ngâm hóa chất tẩy rửa, ngâm nước rượu đầu để rắn hết chất tanh... mới có thể không phải lo nghĩ đến số tiền tương đương mình bỏ ra.
làng tử thần, rắn hổ, Vĩnh Sơn, làng nghề...

Sản phẩm của làng rắn Vĩnh Sơn, ngoài việc xuất khẩu và đưa vào làm… thực đơn.

Thông tin của anh chủ quán nước nơi ngã ba Yên Lạc, thì phần lớn, những bình rắn đã làm sẵn là rắn… chết, rắn bị bệnh.

Các chủ rắn mua với giá rẻ rồi “hợp thức hóa” thành rắn sống. Có trường hợp, rõ ràng là con rắn sống 100% đích thị khách chỉ tay trong chuồng chọn, thế nhưng, qua người làm rắn, nó lại là thân xác của một con rắn... chết!

Số là, biết tâm lý sợ hãi của khách, anh “đồ tể rắn” cầm đuôi con rắn chết, kéo ra ngoài, quay thật nhanh rồi bất ngờ đập xuống đất. Khi khách chưa hết bàng hoàng thì cái đầu rắn chết đã giập nát be bét máu.

“Nghề nào mánh nấy” thôi anh, cũng là tận dụng để thu hồi số vốn bỏ ra, chứ cứ “phẳng lì” thì làm sao trụ nổi với nó”.

Đấy là chưa nói tới việc, phải “đi đêm về hôm” để gom rắn tự nhiên từ các vùng miền núi phía Bắc, Tây Nghệ An... về làm rắn giống.

“Bây giờ, anh mang trong người 20kg rắn hổ không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, đủ để anh vào “bóc lịch”. – T. kể chuyện.