Người dân bị mất cắp bức xúc đã có những hành động tự phát thái quá, còn những kẻ trộm chó thì ngày càng manh động, sẵn sàng chống trả quyết liệt, không ngần ngại gây án khi bị dồn vào đường cùng.
Có ý kiến cho rằng quy định của pháp luật hiện nay chưa đủ nghiêm khắc để răn đe những kẻ trộm chó. Soi chiếu vào quy định của Bộ luật Hình sự thì người có hành vi trộm cắp tài sản của người khác có giá trị từ 2 triệu đồng trở lên là bị xử lý hình sự; hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng từng bị xử lý hành chính về hành vi này cũng bị chuyển sang xử lý hình sự.
Dân gian có câu “chó cùng dứt giậu” để nói về việc khi bị dồn vào đường cùng, con người ta sẽ trở nên vô cùng manh động, nguy hiểm. Thực tế cho thấy những kẻ trộm chó trước khi ra tay đều hiểu rất rõ rằng, nếu chọc giận người dân thì sẽ nhận phải hậu quả lớn từ sự căm phẫn đó. Và cái giá nhiều khi là chính mạng sống của bản thân. Cái án đó đáng sợ hơn nhiều so với án của luật pháp.
Thế nhưng tình trạng trộm chó vẫn không ngừng gia tăng, không chỉ ở các làng quê, mà ngay cả giữa phố phường nhộn nhịp. Vừa do lợi nhuận từ việc trộm chó đem lại là không hề nhỏ, vừa do “miếng mồi” nhiều khi quá ngon ăn.
Nhưng nguy hiểm hơn, để tự bảo vệ mình, những kẻ trộm chó ngoài bộ đồ nghề, còn trang bị thêm những vũ khí nguy hiểm như dùi cui điện, súng tự chế, đao, kiếm để sẵn sàng chống trả khi bị đuổi bắt.
Lời giải cho vấn nạn này đang làm đau đầu nhà chức trách. Nhưng trong khi chờ pháp luật được điều chỉnh để bảo vệ người dân và tài sản của họ một cách có hiệu quả, chính mỗi người dân nên tự nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của mình trong những sự việc tương tự. Việc chấp hành quy định của pháp luật cũng đồng nghĩa với việc không dồn các đối tượng trộm chó vào bước đường cùng và từ đó cũng sẽ phần nào hạn chế được những hậu quả khó lường.
Về phía cơ quan chức năng, lực lượng công an cần phát huy tính chủ động hơn nữa trong công tác phòng ngừa ngăn chặn loại tội phạm mới này. Thực tế ở những nơi liên tục xảy ra nạn trộm chó, có thể khẳng định cơ quan chức năng ở đó hoạt động kém hiệu quả dẫn đến việc người dân mất niềm tin và tự xử lý thay vì để luật pháp xử lý.
Tính chủ động ở đây là khi người dân trình báo mất con gà, con chó… không phải cứ vào cuộc điều tra mới là làm đúng trách nhiệm. Điều cần phải làm trước tiên là xây dựng một thế trận an ninh toàn dân, huy động tất cả cùng tham gia bảo vệ an ninh trật tự một cách tự giác và thường xuyên. Khi công tác phòng ngừa tốt, người dân cảnh giác cao thì kẻ xấu khó có cơ hội ra tay. Người dân không hề thiếu ý thức hay sự nhiệt tình để tham gia bảo vệ an ninh chung.