Đừng để “Giờ Trái Đất” chỉ như một… ngày Tết môi trường!

Chúng ta cần biến sự kiện đặc biệt này từ chiều rộng chuyển dần sang chiều sâu và làm cho ý thức tiết kiệm, sử dụng mọi nguồn lực một cách hiệu quả và tiết kiệm nhất, gìn giữ môi trường bớt ô nhiễm mới thực sự là mục đích của phong trào.

Chúng ta lại cùng toàn thế giới tổ chức sự kiện “Giờ Trái Đất”. Đã 4 năm nay “Giờ Trái Đất” không còn là điều gì xa lạ đối với chúng ta, nhất là người dân ở các thành phố lớn.

Sự kiện này, như chúng ta đã biết, được sinh ra tại Sydney Australia hồi 19g30 ngày 31/3/2007. Tham gia “ca sinh nở” này có tới… 2100 doanh nghiệp và 2,2 triệu người tình nguyện.

“Giờ Trái Đất” được "sinh ra" ở Sydney, Australia. Ảnh: Internet

Đó là kết quả 3 năm làm việc hết mình của Quỹ Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) Australia và Công ty tổ chức sự kiện Leo Burnett Sydney.

Sở dĩ vậy vì mặc dầu vấn đề môi trường đã được cảnh báo từ lâu nhưng năm 2004, các số liệu báo cáo khoa học cho thấy mối hiểm họa do biến đổi khí hậu đã tới mức trầm trọng. Việc giảm lượng khí thải để cải thiện tình hình trở nên một vấn đề cấp bách.

Ý tưởng chủ đạo và thực tế triển khai

Nhận thức rõ ràng rằng lối cũ bao giờ cũng mòn, 2 tổ chức trên chụm đầu bàn bạc tìm kiếm một phương sách mới để lôi cuốn mọi người tham gia phong trào bảo vệ môi trường.

Họ muốn chiến dịch vận động này phải sao để con người có thể nhận biết được hiểm họa nhưng không làm người ta sợ hãi. Ngược lại là phải biết hy vọng và hành động. Mặt khác phong trào còn phải tạo cho mọi người nhận thấy trách nhiệm cá nhân của mình đối với tương lai của hành tinh và mỗi người đều có khả năng thực hiện ý định đó.

Năm 2005, hai tổ chức này bắt đầu triển khai ý tưởng tổ chức việc tắt điện trên qui mô lớn với tên gọi ban đầu là “The Big Flick” hàm ý là một “Cú tắt bật lớn”. Nhưng tên gọi đó, qua thực tế triển khai cho thấy chưa làm cho mọi người nhận biết đầy đủ ý nghĩa của việc làm nên họ đổi lại thành “Giờ Trái Đất”. Có lẽ 60 phút đắm mình trong bóng tối sẽ làm người ta suy nghĩ và hành động vì Trái Đất nhiều hơn .

Kế hoạch của họ được tập đoàn truyền thông hàng đầu của Australia là Fairfax đồng ý cộng tác và thị trưởng Sydney chấp nhận hỗ trợ. Phải nói rằng vai trò của Fairfax ở đây là rất lớn. Báo, đài của tập đoàn này nhất loạt không đưa những tin tức bất lợi đối với phong trào. Điều này cũng cho thấy thêm rằng ngay báo chí, khi muốn tạo được sức mạnh cũng có phải “định hướng” thống nhất.

Năm 2008, ngay cả màn hình của trang tìm kiếm Google cũng là một màu đen với dòng chữ: "Chúng tôi đã tắt bớt ánh sáng và giờ đến lượt bạn". (Ảnh: Wikipedia)

Sự hưởng ứng vượt quá mong đợi

Chiến dịch được mở màn hồi 19h30 ngày 31/3/2007 tại Sydney với 2100 trụ sở doanh nghiệp và 2,2 triệu người tình nguyện nhất loạt tắt bớt tất cả các ngọn đèn không cần thiết. Đơn giản vậy thôi mà cơ quan quản lý điện lực địa phương "EnergyAustralia", sau đó có cho thấy điện năng tiêu thụ do sự kiện này giảm được 10,2%. Tờ Herald Sun tính ra rằng điều đó tương đương với việc giảm được 48.613 chiếc xe chạy trên đường, làm giảm được 24,86 tấn khí "Cacbon điôxít" CO2 cho trái đất...v.v…

Kết quả bước đầu đó động viên mọi người thêm tin tưởng và hăng hái. Thế là họ hẹn nhau cứ đến ngày thứ bẩy cuối cùng của tháng 3 hàng năm lại rủ nhau cùng …tắt điện! Tất nhiên giờ giấc có điều chỉnh chút ít cho phù hợp

Năm 2008, tuy ban đầu kế hoạch cũng vẫn chỉ vạch riêng cho Australia. Ba mươi mốt thành phố nữa xin chính thức tham dự, 182 thành phố hứa hỗ trợ…. Nhưng không ngờ khi phát động, thành phố Toronto của Canada lại xin nhập cuộc. Liền sau đó, 400 tỉnh thành phố khác của 35 nước trên toàn thế giới cũng đã nhanh chóng hưởng ứng phong trào này. Đặc biệt, Chicago tuy trước đó đã có một chương trình “Tắt điện” riêng tổ chức vào tháng 10 hàng năm thì nay cũng đồng ý dịch về ngày 29/3 năm ấy cho... vui vẻ. Thế là “Giờ Trái Đất” thành một sự kiện toàn cầu!

Việt Nam cũng tích cực hưởng ứng sự kiện này. (Ảnh: Internet)

Việt Nam bắt đầu tham gia từ 2009

Năm nàysố người tham gia trên toàn cầu thật đáng kinh ngạc: 2100 thành phố thuộc 96 quốc gia cam kết thực hiện với 1 tỷ người tham gia. Trong đó có 4 thành phố lớn của Việt Nam là Hà Nội, Tp Hồ Chí Minh , Cần Thơ và Nha Trang.

Điều này nói lên rằng biến đổi khí hậu đã trở thành một vấn đề được mọi người quan tâm. Trong “Giờ Trái Đất” đó, bất kể người nào từ 1 đứa trẻ đến người đứng đầu các xí nghiệp, đến các chính trị gia…, đều “có quyền và sức mạnh để bằng hành động cụ thể của mình cải thiện cuộc sống trên Trái Đất”!

Năm sau ngay từ đầu tháng 3, cả nước ta cũng đã có 20 thành phố bắt tay chuẩn bị cho sự kiện này. Tối 27/3/2010, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết còn tham dự nghi thức tắt điện tại khách sạn Inter Continental Westlake Hà Nội cùng các nhà lãnh đạo thành phố và WWF v.v….

Tính lại thì trong chương trình Giờ Trái Đất từ 2009 đến 2011, riêng Thành phố Hà Nội cũng đã tiết kiệm được 293.326 kWh năm sau lớn hơn năm trước, riêng 2011, tiết kiệm được 162.000 kWh …

Từ đó đến nay “Giờ Trái Đất” đã trở nên quen thuộc với chúng ta. Nhiều hoạt động trong nhà ngoài trời đã được tổ chức. Không khí lãng mạn của những tối điện đèn, cạnh ngọn nến lung linh hay bên ngọn lửa trại bập bùng và các tiết mục văn nghệ sôi động đã hấp dẫn không ít bạn trẻ. Tuy nhiên cũng đã có nhà báo lo ngại rằng không trong giờ đó xe cộ rầm rập chạy về địa điểm tập trung thì… năng lượng tiêu hao và lượng khí thải thoát ra là bao nhiêu?

Vậy phải chăng từng bước chúng ta cũng cần “canh tác” sự kiện này từ chiều rộng chuyển dần sang chiều sâu và làm cho ý thức tiết kiệm, sử dụng mọi nguồn lực một cách hiệu quả và tiết kiệm nhất, gìn giữ môi trường bớt ô nhiễm mới thực sự là mục đích của phong trào.

Các xí nghiệp Viễn thông, một ngành mà mọi công cụ đều tiêu thụ điện năng, nếu dịp này đưa ra được dự kiến kế hoạch tiết kiệm điện hàng năm của mình để phấn đấu thì quả thực cũng là một việc làm đầy ý nghĩa!