Những vụ tai nạn khi dùng điện thoại đang sạc pin, mà gần đây nhất là vụ một bé trai 13 tuổi, ở Quảng Ngãi tử vong, là hồi chuông cảnh báo về sự an toàn của các thiết bị sạc với trẻ em.
Và, chỉ đến khi những bi kịch ấy xảy ra người tiêu dùng Việt mới cảnh tỉnh và nhận thức rõ về mối nguy hiểm của hành động này.
Chị Ngô Thị Liên (24 tuổi, ở xã Nam Lĩnh, huyện Nam Đàn) được phát hiện tử vong khi sử dụng điện thoại đang cắm sạc pin tại nhà. Bố nạn nhân phát hiện sau khi trở về và thấy con dâu nằm bất động trong phòng. Chiếc điện thoại đang cắm sạc pin vẫn còn ở trên cổ chị Liên. Ông Vỵ (bố chồng chị Liên) cầm vào bị điện giật và nhanh chóng ném chiếc điện thoại ra xa nên không bị thương.
Theo khám nghiệm hiện trường, trên cổ và ngực nạn nhân có vết cháy màu đen. Khám nghiệm cảnh sát thu giữ một dây sạc iPhone đã bị đứt phần cắm vào điện thoại, một củ sạc nhưng không phải của điện thoại iPhone. Kiểm tra tại chỗ, công an phát hiện dòng điện sạc pin ở đầu cắm vào điện thoại (đã bị đứt) là 220V. Từ đó, khi vừa sử dụng điện thoại vừa cắm điện, sạc pin này bị rò rỉ khiến nạn nhân bị giật và tử vong.
Cha mẹ hãy cẩn thận khi con tiếp xác với sạc điện thoại. Ảnh minh họa
Các chuyên gia cho biết, cho biết người sử dụng điện thoại di động bị điện giật chủ yếu liên quan đến thiết bị sạc pin. Nguyên nhân trực tiếp là do khi sạc bị truyền điện ra vỏ hoặc viền của thiết bị di động, nhất là các loại điện thoại có vỏ kim loại, chất dẫn điện tốt. Khi người sử dụng tiếp xúc với phần kim loại của thiết bị, điện truyền qua người và khép mạch xuống đất, gây điện giật.
Bình thường, thiết bị sạc điện thoại được cấu tạo có đầu vào 220V, đầu ra 5V. Nếu đúng theo tiêu chuẩn, điện áp đầu ra rất thấp, tức 5V, không thể gây tổn thương cho người sử dụng như bỏng hay chết người.
Tuy nhiên, khi thiết bị không đảm bảo yêu cầu an toàn cách ly nguồn điện hoặc bị hư hỏng phần cách điện bên trong, phần đầu ra có thể sẽ được nối thông điện với phần đầu vào. Tức điện áp đầu ra sẽ chính là điện áp nguồn 220V thay vì 5V.
Tháng 10/2015, tại TP.HCM cũng xảy ra một vụ tai nạn thương tâm do sạc điện thoại di động. Nạn nhân là bé Lê Minh Thông (13 tuổi, quê Quảng Ngãi, tạm trú Q.Bình Tân) bị tử vong khi sử dụng ĐTDĐ lúc đang sạc pin trực tiếp với nguồn điện để chơi game.
Theo đó, bé Thông nằm chơi trên gác gỗ của căn nhà trọ thì thấy chiếc ĐTDĐ của người thân đang sạc pin để trên giường. Tò mò, bé cầm lên bấm chơi thì bị điện giật bất tỉnh, mặc dù được người nhà đưa vào bệnh viện cấp cứu nhưng bé đã tử vong.
Hiện nay các gia đình sử dụng khá nhiều các thiết bị sạc, từ điện thoại di động cho đến máy tính bảng, máy tính xách tay... Đặc biệt các thiết bị sạc thường xuyên ở trong tầm của trẻ, như ở trên giường, bàn, nơi trẻ vui chơi. Thậm chí có bố mẹ còn để trẻ chơi với điện thoại đang sạc hoặc nhờ con trẻ sạc hộ hoặc rút hộ điện thoại.
Nhiều trường hợp cha mẹ sạc điện thoại xong không rút sạc ra, trẻ đang tập bò, mới biết đi có thể cho bất cứ thứ gì vào miệng, và vô tình cái sạc vẫn đang cắm vào ổ điện sẽ gây nguy hiểm cho trẻ.
Trẻ em cũng rất hiếu động, tay chân lúc nào cũng ra mồ hôi, bẩn, người dính nước. Khả năng xử lý tình huống của trẻ cũng không như người lớn nên dễ xảy ra tai nạn hơn nhiều.
Rất nhiều các ông bố bà mẹ đều mang trên mình những thói quen cực nguy hiểm khi dùng sạc điện thoại như vừa sạc vừa dùng điện thoại, vừa sạc vừa nghe điện thoại hay không rút dây sạc ra khỏi ổ điện khi đã sạc xong…Những hành động này tưởng chừng như không gây nguy hại gì mà còn giúp bố mẹ tiện lợi hơn khi sử dụng vì không cần phải chờ điện thoại sạc xong mới dùng được hay không cần phải cắm sạc vào ổ lại mỗi khi cần sạc nhưng nó lại là nguyên nhân vô tình gây ra cái chết của trẻ.
Vì vậy, đề phòng tai nạn đáng tiếc xảy ra, các bậc phụ huynh hãy sạc điện thoại một cách có ý thức, luôn đặt sự an toàn của con lên hàng đầu.