Đớn đau hơn nữa khi biết đứa con khi sinh ra lại không bình thường.
Ngôi nhà cấp 4 của chị Nguyễn Thị Phượng nằm lọt thỏm giữa xóm Tây, thôn Thanh Thần, (Thanh Oai, Hà Nội), xung quanh là ngổn ngang những củi, bột và cả vỏ hành, nguyên liệu để làm hàng ăn buổi sáng. Đã mấy năm nay, 4 con người trong ngôi nhà ấy tồn tại nương nhờ vào gánh bánh cuốn của người mẹ già nơi góc chợ quê.
Cuộc tình nơi đất khách
Cuộc sống của người dân cái làng này cả đời chỉ khát khao thoát khỏi cảnh nghèo. Chị Phượng cũng không ngoại lệ. Nghe hàng xóm kháo nhau, mấy người làng bên đi nước ngoài ầm ầm, dăm ba năm là có tiền để xây nhà, làm cửa. Chị và cả nhà đều nghĩ rằng đó là cơ hội đổi đời. Vậy là, chị vay tiền xuất ngoại.
Tháng 3/2003 chị bắt đầu sang Nga xuất khẩu lao động cho một công ty may. Nhưng đặt chân tới Nga 3 tháng chị rơi vào cảnh thất nghiệp. Công ty phá sản hay đồng lương không tương xứng hoặc vì nguyên nhân nào khác thì chị không nói rõ. Chỉ biết sau đó chị lao đao, cùng cực ở đất khách quê người. Trong lúc ấy, chị gặp một người đàn ông ngoài 50 cùng quê gốc Hà Tây. 35 tuổi, chị xao xuyến với mối tình đầu. Chị coi đó là định mệnh của cuộc đời mình. Chị bỗng yêu, bỗng muốn dâng cuộc đời của mình cho người đàn ông ấy mà không chút mảy may suy nghĩ. Chị có bầu. Lúc ấy, hai người mới bàn nhau về nước để tính chuyện trăm năm.
Năm 2006, chị bụng mang dạ chửa một mình về nước, còn anh sẽ hoàn tất thủ tục về sau. Về nước được 2 tháng thì chị trở dạ rồi đẻ non, khi đứa con mới được 7 tháng tuổi. Đứa trẻ sinh ra không bình thường, chân tay co rúm, cũng chẳng có ngón để xòe rộng. Người đàn ông từng thề nguyện ở trời Tây thấy thế thì rũ áo đi thẳng. Chị sụp đổ. Chị cay đắng. Đôi lúc, chị cũng từng có ý nghĩ chối bỏ chính đứa con mà mình mang nặng đẻ đau. Nhưng lương tâm của người mẹ mách bảo chị không làm điều ấy.
Đứa con tật nguyền không ngón tay, ngón chân
Chị nhớ lại, sinh xong 3 ngày không ai cho chị gặp mặt con. Cô em gái chỉ đến lấy sữa của chị rồi lặng lẽ mang đi. Chị gặng hỏi nhưng mọi người chỉ bảo, con yếu nên cần cách ly với mẹ. Tã lót, quần áo trước ngày vượt cạn, chị đã cẩn thận đi xin quanh làng để mong con lấy hơi, chóng lớn. Nhưng khi nghe cô em gái hỏi, có bộ quần áo mới nào của con không? Chị sinh nghi.
Chị nằng nặc đòi gặp mặt con xem có chuyện gì. Không ai cho chị gặp, chị tự mò đến phòng đặt con thì mới vỡ nhẽ, mọi người đang chuẩn bị mọi thứ để lo hậu sự cho đứa bé. Chị choáng váng, chân tay run rẩy mọi thứ tưởng chừng như nhòe đi trước mắt. Chồng không, con bỏ con đi mất. Chị sà vào ôm con. Nhưng như phép màu, từ lúc ấy đứa trẻ đang tím ngắt bỗng tự dưng hồng hào dần trở lại. Tất cả các bác sĩ đều ngạc nhiên, bất ngờ.
Những tháng ngày nuôi con chị không kể nhưng tôi biết nó là một kì tích. Con trai chị, bé Nguyễn Thành Trung năm nay lên 6 tuổi. Người ta gọi nó là đứa trẻ không bình thường. Bọn trẻ kêu con chị là thằng khoèo, thằng cụt, thằng ẩm ương để lấy cớ chọc ghẹo, xua đuổi. Con về lại thút thít nói với mẹ: “Mẹ ơi, con không đi học nữa đâu, các anh chị hay tụt quần rồi nhốt con vào lớp, con sợ lắm”.
Có những khoảng thời gian chị tưởng con sẽ bị thần kinh. Trung hay nói nhảm, hay sợ sệt, cả trong mơ cũng òa khóc, xin mẹ không phải đến trường. Chị nước mắt giàn giụa lại tất tả đến lớp của con, gặp đứa trẻ nào cũng như van lạy: “Mong các cháu thương em, đừng bắt nạt em mà tội nghiệp”.
Hai mẹ con chị Phượng
Thằng bé sinh ra mấy ngày toàn thân thâm tím tưởng như không sống nổi. Hàng xóm, láng giềng lại mạnh miệng, dèm pha nghĩ ra đủ thứ chuyện. Người thông cảm thì chậc lưỡi thương cho số kiếp của chị. Kẻ ác mồm, ác miệng thì lại bảo “đúng là loại đàn bà mất nết, đã chửa hoang lại còn sinh ra đứa quái thai”.
Chị nhớ lại ngày đưa con từ viện về nhà mà nước mắt lại giàn giụa: “Khổ lắm, hôm đưa bé Trung về hàng xóm cứ xúm lại xem xét như sinh vật lạ. Họ đồn nhau, thằng bé chân tay đầy lông như lông khỉ rồi biết bao điều ra tiếng vào”.
Có những lúc chị tự dằn vặt chính bản thân, sao mà nhẹ dạ cả tin, sao mà dại dột để giờ oằn lưng gánh chịu nỗi nhục nhã, đắng cay này. Chị từng nghĩ mình chẳng thể sống tiếp nhưng nhìn đứa con thơ ngô nghê, bập bẹ trong tiếng gọi “Mẹ” chị lại có thêm nghị lực sống tiếp. Dẫu biết rằng, mình đã mắc sai lầm lớn đó là yêu lầm người, là vụng dại nhưng chưa bao giờ chị cảm thấy hối hận vì giữ đứa con ở lại bên mình.
Móng tay, móng chân con cứ một tuần không cắt là nó lại tím đen, chọc vào thịt mưng mủ, đau nhức. Chị lại thức đến đêm, chờ con ngủ say cặm cụi, tỉ mẩn khẽ bấm từng tí một. Chị vừa làm cha, vừa giữ thiên chức làm mẹ lại kiêm luôn vai trò bác sĩ. Những công việc như thay băng, cắt chỉ, chăm sóc vết thương chị thuộc lòng hết.
Sáu năm trời ròng rã, nhưng đã bốn lần chị bồng bế con đi xin trợ giúp để phẫu thuật. Tay con không xòe ra nổi cũng chẳng có ngón. Chị cẩn thận xiên dây và buộc bút vào vở cho con. Mỗi quyển chị xiên một cái. Tay con lóng ngóng, nhiều hôm đi học về, mực bút choe choét cả mặt mày. Chị bảo: “Con người ta được 9, 10 mà con mình được 6 là hạnh phúc lắm rồi”.
Khát khao lớn lao nhất đối với chị lúc này là đôi tay con được xòe rộng, đôi chân con được duỗi ra như biết bao đứa trẻ bình thường khác. Dẫu tia hy vọng ấy mong manh nhưng tâm niệm lúc nào cũng hiện hữu. Mỗi khi đứa bé khóc thét lên vì bất lực không tì nổi quyển vở, chị vẫn ước ao, vẫn giá mà có thể đổi cả mạng sống của mình để con được lành lặn. Chị vẫn tin sẽ có phép nhiệm màu nào đó có thể làm được điều kỳ diệu ấy. Với chị, con là cuốn nhật ký sống mà có lẽ cả cuộc đời chị dành tâm huyết để viết nên.
Từ lúc chúng tôi đến, thấy người lạ thằng bé cứ nép mình sau mẹ, thỉnh thoảng lại ngọng nghịu, nhát gừng: “Mẹ ơi, con muốn xòe tay”. Chị lại giàn giụa nước mắt: “Cứ thế này cũng được, xòe ra con sẽ đau lắm”. “Nhưng xòe ra vẫn thích hơn mẹ ạ”. Mỗi lần con thèm khát như thế, tim chị như đang bị ngàn vết dao cứa đớn đau. Lo cho con, chị lại mắc chứng hen suyễn, thêm cả viêm phổi, ốm đau quặt quẹo. Gương mặt người đàn bà khắc khổ nàychật chội những nếp nhăn , đôi mắt trõm sâu và trông già đi trước tuổi.
Gánh nặng nợ nần
Niềm vui trong ngày chị bước chân lên sân bay sang xứ người lớn bao nhiêu thì ngày trở về bất hạnh lại ập xuống chị nhiều bấy nhiêu. Ông Nguyễn Văn Tiến, bố chị là bộ đội phục viên nhưng gần 6 năm nay bệnh khớp, gan, viêm cột sống đã khiến cơ thể bác tàn tạ. 3 tháng trước trên đường đón Trung, hai ông cháu tránh xe tải, phanh gấp nên ngã giờ lại nằm liệt giường.
Trong căn nhà cấp 4 xập xệ, mùi tanh tưởi của người nằm lâu một chỗ lẫn với mùi gián mọt, dính trên chiếc màn buông hờ, làm cho không khí trong nhà càng nặng nề, u ám.
“Gánh nặng cơm áo gạo tiền cứ tưởng được vơi dần khi Phượng được ra nước ngoài làm, ai dè mới đi được có vài năm con lại về và xảy ra cơ sự như thế này”-bà Đào, mẹ chị Phượng ngấn nước mắt chia sẻ. Cuộc sống của gia đình 4 miệng ăn giờ chỉ trông mong vào gánh bánh cuốn bán rong ở đầu chợ.
Tiền lãi, tiền vay hồi chị sang Nga giờ vẫn còn đọng, lãi mẹ đẻ lãi con. Vừa lo lắng cho sự tồn tại của cả nhà, hai người đàn bà khắc khổ này vừa phải oằn lưng gánh nợ nần. Trời lạnh, chị Phượng ho rũ nhưng vẫn ngồi thốc trước quạt để bóc hành kịp hàng cho mẻ bánh cuốn. Hơi cay bốc lên cay xè mắt, chị đứng dậy rúm ró, nói khó với một người đến đòi nợ: “Bác cho nhà cháu khất đến trưa ngày mai, sáng nay mẹ cháu vừa mua cho bố cháu ít thuốc, hết sạch tiền rồi. Bác chiếu cố giúp nhà cháu với ạ”.
Hoàn cảnh éo le của chị Nguyễn Thị Phượng rất cần những tấm lòng hảo tâm giúp đỡ để gia đình vượt qua khó khăn trước mắt. Mọi đóng góp, ủng hộ của quý độc giả xin gửi trực tiếp về địa chỉ: Chị Nguyễn Thị Phượng, xóm Tây, thôn Thanh Thần, huyện Thanh Oai-Tp. Hà Nội Số điện thoại: 0167.521.3429 |