Tờ báo nổi tiếng của Đức “Người Berlin” (Berliner Zeitung) ngày 30/3 đã dùng những cụm từ “võ sĩ đấm bốc” (Der boxer) và “đấu sĩ Judo” (Der judoka) để mô tả chiến thuật tranh cử của hai ứng cử viên Nicolas Sarkozy và François Hollande.
Tương tự như các tờ báo khác của Đức, tờ Người Berlin dự đoán chức vụ Tổng thống Pháp sẽ là kết quả cuộc đấu giữa hai nhân vật này, với hai phong cách “cương – nhu” hoàn toàn khác biệt. Chủ đề bầu cử Tổng thống ở Pháp cũng là đề tài bình luận sôi nổi của các phóng viên Đức.
Nhà báo Đức Albres Meyer nhận xét: “Trong lần tranh cử này, Tổng thống Sarkozy ít cuốn hút hơn so với năm 2007, điều này có thể là do trong lần bầu cử trước, ông Sarkozy có nhiều khả năng giành chiến thắng hơn, trong khi lần này, hầu hết kết quả của các cuộc thăm dò dư luận đều cho thấy Tổng thống Sarkozy sẽ bị đánh bại trong vòng hai của cuộc bầu cử”.
Phóng viên nước ngoài quây quanh ứng cử viên Đảng xã hội François Hollande.
Đối với ứng cử viên François Hollande, ông Meyer cho rằng các chính sách thuế và xã hội của ứng cử viên này như tăng thuế thêm 75%, quy định độ tuổi về hưu là 60 tuổi... cũng gây ra một số lo ngại và tranh cãi ở Đức. Tuy nhiên, nếu Đảng Xã hội (Pháp) chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống lần này sẽ là sự cổ vũ lớn cho đảng Dân chủ xã hội Đức (SPD) trong cuộc bầu cử Thủ tướng vào tháng 9/2013.
Bên kia bờ Địa Trung Hải, báo chí các nước Bắc Phi đều bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đến cuộc bầu cử Tổng thống Pháp. Đối với các nước Bắc Phi, nước Pháp luôn có một vị trí đặc biệt do những mối liên hệ về lịch sử, gia đình (người Bắc Phi nhập cư vào Pháp đông) và lợi ích về kinh tế (Pháp là đối tác thương mại lớn của các nước này).
Tuy nhiên, người dân các nước Bắc Phi cũng bày tỏ sự lo ngại đối với những chủ đề liên quan đến vấn đề nhập cư và Hồi giáo cực đoan trong cương lĩnh tranh cử của các ứng cử viên Thổng thống Pháp.
Anh Mouras Célami, phóng viên của tờ Nhật báo Tunisia cho biết: “Thực tế chúng tôi đã quá quen với việc này. Từ hơn một thập kỷ nay, mỗi lần các cuộc bầu cử Pháp đến gần, chúng tôi hiểu rằng vấn đề nhập cư lại là một chủ đề được đưa ra để vận động tranh cử. Nhưng chúng tôi biết rằng việc này chỉ nhằm mục đích tranh cử và người Tunisia chúng tôi chấp nhận một mức chuẩn về nhập cư, nếu phải có, trong mối quan hệ chiến lược Tunisia – Pháp”.
Báo chí nước ngoài phân tích về cuộc bầu cử
Khác với báo chí các nước Bắc Phi, báo chí Israel và các nước Trung Đông bắt đầu quan tâm đến cuộc bầu cử Tổng thống Pháp sau khi xảy ra các vụ thảm sát ở Toulouse và Montauban ở miền Nam nước Pháp – vụ việc có thể nói là mang nhiều yếu tố tôn giáo và xung đột liên quan đến khu vực này.
Báo chí các nước Trung Đông đã có nhiều đánh giá về phản ứng của các nhà chức trách Pháp, của chính giới và người dân Israel và các nước trong khu vực về cuộc bầu cử Tổng thống Pháp.
Trên tất cả, báo chí Israel và các nước Trung Đông đều hướng sự quan tâm của mình đến cuộc bầu cử Tổng thống Pháp trước hết là do ảnh hưởng của cuộc bầu cử này đối với tiến trình hòa bình và việc giải quyết các vấn đề nóng ở khu vực, thể hiện qua cương lĩnh tranh cử của các ửng cử viên.
Báo chí nước ngoài phân tích về cuộc bầu cử.
Tuy nhiên, các bài báo cũng toát lên rằng, người dân Trung Đông ý thức được vai trò của Pháp tại khu vực không đủ để “gây lo ngại” hay tạo dựng được những kỳ vọng cho hòa bình khu vực dù kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống Pháp có diễn biến thế nào.
Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, khác với những lần trước, cuộc bầu cử Tổng thống của Pháp và Mỹ năm nay có một điểm chung đặc biệt, đó là sau 24 năm, hai nước mới cùng tổ chức bầu cử Tổng thống. (Năm 1988, Pháp tổ chức bầu cử Tổng thống với chiến thắng của ông François Mitterrand và Mỹ tổ chức bầu cử Tổng thống với chiến thắng của ông Georges Bush cha).
Do vậy, mặc dù tỏ ra ít quan tâm đến cuộc bầu cử Tổng thống Pháp và tập trung diễn biến của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ - nhất là cuộc đua tranh giành vị trí ứng cử viên của Đảng Cộng hòa, nhưng báo chí Mỹ vẫn có nhiều bài viết về cuộc bầu cử Tổng thống Pháp.
Trong bài xã luận với tựa đề “Nicolas Le Pen” ngày 13/3 vừa qua, tờ báo bảo thủ nổi tiếng Wall Street Journal đã sử dụng cách ghép tên của Tổng thống Pháp với họ của ứng cử viên cực hữu Marine Le Pen để chỉ trích đường lối chạy theo xu hướng cực hữu của ông Sarkozy, “những cú tấn công của ông Sarkozy vào vấn đề nhập cư là những cố gắng nhằm tranh thủ cử tri của bà Marine Le Pen”.
Sau đó một ngày (ngày 14/3), tờ The New York Times, trong bài xã luận “Sarkozy trên con đường xấu” (Sarkozy on the Low Road), cũng lên tiếng phê phán việc vị Tổng thống - ứng cử viên này của Pháp, vì bị bỏ lại phía sau trong các thăm dò thăm dò dư luận, nên đã sẵn sàng làm bất cứ điều gì, kể cả việc mạo hiểm với các tư tưởng cực hữu.
Ấn bản châu Âu của tuần báo Mỹ Time, số ra cuối tháng 3, cũng đăng trên trang bìa chân dung đen trắng của ông Sarkozy và một câu hỏi bằng tiếng Pháp “Adieu?”.
Tờ báo này cho biết thành tích kinh tế nghèo nàn là nguyên do cốt lõi làm khiến uy tín của ông Sarkozy sụt giảm, và trong cuộc bầu cử sắp tới hoặc ông Sarkozy sẽ được tái cử đầy bất ngờ, hoặc sẽ chịu tỳ vết về mặt chính trị. Trong khi đó, Tạp chí Kinh tế (The Economics) số ra tháng 3 vừa qua cũng đưa hình ảnh hai ứng cử viên chính của cuộc bầu cử Tổng thống Pháp một cách đầy khiêu khích trên trang bìa, với nội dung bài báo nhắc sự chối bỏ của người Pháp đối với các vấn đề kinh tế và bình luận “dù ứng cử viên nào thắng cử thì người Pháp – những người vốn chỉ quan tâm đến việc đi pic-ních sẽ phải nhanh chóng quay lại với thực tế đầy khó khăn”.