Chuyên gia nói về vấn đề này. Hầu hết các ý kiến đều tỏ rõ sự bất bình về hành vi nuôi lợn bằng “thuốc” tăng trọng này.
“Cần dấu trên thịt à, khó gì đâu!”
Chị Nguyễn Thị Dương (đường K1, phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ: “Gần nhà tôi có khá nhiều quầy bán thịt lợn bên đường. Nhiều lần tôi là vị khách đầu tiên ra mua thịt. Lúc đó, người bán thịt mới bắt đầu xẻ miếng ra bán nhưng chưa bao giờ nhìn thấy dấu kiểm dịch. Gia đình cũng không thuộc diện dư giả cho việc chi tiêu sinh hoạt nên nhiều khi mua thịt bằng kinh nghiệm và niềm tin là chính. Nhưng khi đọc bài “Loạn “thuốc” vỗ lợn tăng 30- 40kg/tháng” thì tôi thấy sợ, nhìn thấy thịt lợn chợ là rùng mình".
Thực tế quan sát của chúng tôi tại các chợ trên địa bàn Hà Nội cũng cho thấy, thịt lợn được bán trong các chợ như Thành Công, Cầu Giấy, Nghĩa Tân… đều thấy có dấu xanh kiểm dịch nhưng khá nhòe. Chị Lê Thị Hà (khu tập thể Bắc Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Dù có dấu xanh kiểm dịch được đóng trên thịt lợn nhưng tôi cũng không tin tưởng lắm vì ngay cả khi mua đúng vào miếng thịt có dấu, có căng mắt ra tôi cũng không đọc được chính xác dòng chữ đó là gì. Nhìn con dấu kiểm dịch nhòe nhoẹt và mất nét chẳng khác gì dấu triện củ khoai. Nhớ có lần đoàn kiểm tra đến chợ Nghĩa Tân thì có rất nhiều quầy thịt bên ngoài nghỉ bán hàng(?)”.
Người tiêu dùng khó có thể phân biệt được thịt lợn sạch, bẩn khi đã bị xẻ thành
những miếng nhỏ. Ảnh: Chí Cường
Đến một quầy thịt trên đường Hoàng Công Chất (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội), chúng tôi hỏi chị bán thịt sao không thấy dấu kiểm dịch, chị chủ quầy cười lớn: “Em cần dấu à, có khó gì đâu. Đi mua hàng ở chợ thì nên tin người bán, đừng tin dấu, bôi tí mực tím, mực xanh là có dấu ngay ấy mà”(?).
Tuy nhiên, những người có kinh nghiệm đi chợ lại tỏ ra khá bình tĩnh khi đón nhận thông tin lợn nuôi tăng trọng tới 40kg/tháng. Bà Trần Thị Hòa (Khu tập thể Văn Công, quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Tôi tin vào khả năng chọn thịt của mình sẽ an toàn cho cả nhà. Trước tiên, tôi căn cứ vào màu thịt, độ dầy của mỡ và độ dẻo, đàn hồi của thịt. Sau đó phải sấn thử vào tảng thịt to, nếu sâu bên trong thấy có máu và thịt lại bầm thì đó là lợn có vấn đề. Với suy nghĩ của tôi thì nếu cán bộ đi kiểm tra mà chỉ nhìn bằng mắt thì không thể chuẩn xác bằng chị em nội trợ”.
Khó quản việc nuôi lợn bằng chất cấm
Ông Chu Xuân Kiên, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội chia sẻ: “Rất khó quản việc nuôi lợn bằng chất cấm. Trước đây, chúng tôi đã đề nghị cấm nhập khẩu loại chất cấm dùng trong chăn nuôi nhưng không được chấp thuận vì loại chất đó cấm trong chăn nuôi, nhưng vẫn được dùng trong chế tạo công nghiệp nên nó vẫn được bán trên thị trường. Ngay cả khi người dân dùng chất cấm cũng rất khó quản vì họ có thể cất giấu, đóng kín cửa khi pha cho lợn ăn. Có đoàn kiểm tra cũng không thể nào biết được. Trong khi đó, quyền của ngành Quản lý thị trường cũng có hạn nên rất khó làm quyết liệt, dù đó là điều mà chúng tôi trăn trở”.
Cũng theo ông Kiên thì cách tốt nhất vẫn là tuyên truyền, thức tỉnh người dân, trao quyền cho các hộ chăn nuôi tự giám sát lẫn nhau. Nhưng điều này toàn hoàn phụ thuộc vào ý thức của mỗi người, không phải ai cũng tự giác.
Nhận diện thịt chuẩn là cách bảo vệ sức khỏe tốt nhất
Theo PGS.TS Trịnh Lê Hùng, Khoa Hoá học, ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội), nếu không kiểm tra xét nghiệm thì rất khó phân biệt được thịt sạch - bẩn. Cách phát hiện lợn bẩn bằng mắt thường dễ nhất là khi con lợn mổ sẵn chưa xẻ miếng thì đùi to, vai u, có rất nhiều thịt nạc và màu sắc đỏ tươi bất thường. Vì nuôi lợn bằng chất cấm tăng trọng clenbuterol cơ của lợn phát triển rất mạnh. Nếu thịt lợn đã xẻ ra người tiêu dùng cùng rất khó nhận biết.
“Cách phát hiện chính xác bằng mắt thường chỉ khi nấu thịt lợn lên thấy có những biểu hiện lạ như: Thịt ra nhiều nước, miếng thịt bị teo lại do dùng nhiều chất tăng trọng khiến lợn bị tích nước nhiều hơn; Thịt có độ săn chắc kém, vị thịt không đậm và ít có hương vị thơm tự nhiên; Khi nấu sôi thịt bốc mùi lạ, người tiêu dùng nên kiên quyết đổ bỏ, không nên tiếc kẻo rước bệnh vào thân. Nếu thường xuyên ăn phải thịt lợn nuôi tăng trọng này sẽ khiến bị rối loạn nhịp tim, tổn thương tế bào cơ tim, tăng huyết áp và có thể gây đột biến tế bào, phát triển các khối u ác tính”, PGS.TS Trịnh Lê Hùng khuyến cáo.
“Đây là hành động quá độc ác”
“Thịt lợn là món ăn chính của nhiều gia đình, việc nuôi lợn bằng chất cấm chỉ để thu lợi nhanh là hành động quá độc ác. Đây là lỗi của nơi sản xuất ra loại chất cấm này, lỗi của gian thương, biết độc, biết bị cấm mà vẫn bán cho người chăn nuôi. Và tệ hơn nữa là người chăn nuôi biết thịt lợn của mình nuôi theo cách đó sẽ không đảm bảo mà vẫn làm. Điều này, ảnh hưởng đến sức khỏe của toàn xã hội. Tôi được biết Bộ Y tế đã có dự thảo về vấn đề xử phạt thực phẩm không đảm bảo chất lượng và điều này cần phải làm mạnh tay và quyết liệt cho dân được dùng thực phẩm sạch, tốt cho sức khỏe”.
Ông Phạm Thanh Bình, số 17 ngách 5/40 Hoàng Quốc Việt, Hà Nội
“Trẻ em dậy thì sớm có phải ăn nhầm thịt nuôi tăng trọng?”
“Cơ quan chức năng cần vào cuộc để xử lý nghiêm những hành động chăn nuôi sai trái này. Điều này ảnh hưởng đến giống nòi Việt, chất lượng dân số. Ăn những loại thực phẩm nhiễm độc này sẽ ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng đến sức khỏe như các chuyên gia đã cảnh báo. Điều tôi băn khoăn là không biết có phải vì ăn phải những loại thịt nuôi tăng trọng kiểu này mà bây giờ nhiều trẻ em bị dậy thì sớm hay không?”.
Chị Nguyễn Huế (Gia Lâm, Hà Nội )
“Tôi mất niềm tin ở thịt lợn chợ”
“Từ lâu tôi đã mất niềm tin ở thịt lợn chợ, ngay cả siêu thị cũng không thể đặt niềm tin trọn vẹn. Vì đã có khá nhiều siêu thị lớn bị cơ quan chức năng vạch mặt vì bán thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Khoảng hơn một năm nay, tôi đã rủ mấy nhà hàng xóm, cứ khoảng nửa tháng đến 20 ngày lại đến trang trại của người nhà mua một con lợn về thịt rồi chia nhau. Thịt lợn kho, rán, không hề chảy nước, miếng thịt ăn rất thơm, ngon, đúng vị”.
Chị Nguyễn Thu Hà, (xã Thụy Anh, huyện Thái Thụy, Thái Bình)