Vài ngày sau khi HLV Phan Thanh Hùng ký hợp đồng dẫn dắt đội tuyển bóng đá Việt Nam thì ông cùng CLB Hà Nội T&T (có sáu cầu thủ được gọi lên đội tuyển) đá trận chung kết Cúp Quốc gia với Sài Gòn XT. Sau trận đấu đấy, ông Hùng rất buồn vì mình chỉ đạo một đằng, cầu thủ đá một nẻo. Đặc biệt hơn là ông Hùng không bao giờ chỉ đạo cầu thủ đá láo, đá bạo lực thế mà các học trò ông trong đó có những tuyển thủ quốc gia cứ “phang” đối phương thẳng thừng rồi gây hấn với vẻ mặt hùng hổ.
Trận đấu đấy, thầy trò HLV Phan Thanh Hùng mất rất nhiều từ cúp vàng đến phong cách, lối chơi và đặc biệt là từ một đội bóng có cá tính, nổi tiếng chơi đẹp và chơi kỹ thuật, Hà Nội T&T bị khán giả cả nước lên án.
Cùng quan điểm với tôi, những nhà chuyên môn và các HLV cũng cho đấy là hiện tượng bất thường của bóng đá Việt Nam trong một trận chung kết mà trước đó Hà Nội T&T được đánh giá là “kèo trên”.
Hà Nội T&T đã thua từ trong tư tưởng qua cái cách cầu thủ phá đấu pháp, phá chỉ đạo của HLV để đưa trận đấu sang ngã rẽ khác và đội “kèo trên” đã thua dễ. Tuy nhiên, trong cách thua dễ đấy, các cầu thủ Hà Nội T&T lại cố đẩy trận đấu sang màu sắc bạo lực như muốn xác định là “chúng tôi “máu” lắm, lăn xả lắm và chịu va chạm lắm khiến có nhiều thẻ phạt và bị đuổi ra sân nhưng vẫn thua”.
Tôi tin trong sự bất thường đấy HLV Phan Thanh Hùng biết và các quan chức ngồi trên khán đài cũng biết. Nó cũng giống trận chung kết giải VĐQG 1996 mà đội CA TP.HCM thua từ tư tưởng nhưng vẫn kéo trận đấu đến cảnh giận dữ rồi vây đánh, đổ tội trọng tài. Chỉ có điều là không ai muốn hoặc dám nói ra điều bất thường đấy nên mọi thứ chỉ dừng lại ở chỗ đội khách đá láo và một số cầu thủ lên đội tuyển hung hăng, bạo lực có hành vi xấu, phản cảm.
Mối nguy hiểm của bóng đá Việt Nam là đội tuyển tập trung trong hoàn cảnh đấy và không ai dám nhìn thẳng vào thứ virus có thể sẽ “ăn” vào cơ thể đội tuyển. Như AFF Cup 2010 hay SEA Games 26 đội tuyển và U-23 từng bị đặt rất nhiều dấu hỏi trong các trận đấu “tự dưng chơi dưới sức mình” hay “tự dưng mất phong độ”.
Thế nên chuyện mà giới truyền thông đề cập nhiều qua việc đề nghị những người có trách nhiệm nên ngăn những cầu thủ có hành vi bạo lực và phản cảm lên đội tuyển chỉ là một phần rất nhỏ.
Ở CLB, với một nhúm nhỏ các cầu thủ tham gia đội tuyển khoác áo Hà Nội T&T, ông Phan Thanh Hùng đã lắc đầu vì cách chơi lẫn cách thua trong trận chung kết Cúp Quốc gia thì liệu virus ấy lên đội tuyển có lây lan không?
HLV Phan Thanh Hùng bất lực trước cách thua của Hà Nội T&T liệu có ngăn được virus ở đội tuyển?
Ai cũng thấy ở SEA Games 26, đội U-23 Việt Nam thua vì nhiều cầu thủ chơi theo ý mình chứ không phải họ đá theo hướng dẫn của HLV Goetz mà đội thua.
Ai cũng thấy ở AFF Cup 2010 và SEA Games 26 có những trận kết quả của đội tuyển Việt Nam và U-23 nghịch kèo với nhà cái rất đậm.
Và để giải quyết sự việc, mọi người lại sa thải HLV rồi đóng cửa bảo nhau.
Không ai đủ dũng cảm để “bắt bệnh” đội tuyển và đến thời điểm tập trung cho một chiến dịch mới chuẩn bị AFF Cup, cũng không ai dám “bắt bệnh” để ngăn virus độc.
Sau một trận chung kết nhiều “màu” và nhiều “mùi”, lại đến đợt tập trung như bao lần đến hẹn lại lên với một cơ thể không khỏe.
Lại thầy lo lo như những lần trước qua các suy nghĩ và chương trình hành động theo kiểu tập trung rồi bơm tiền, thưởng nhiều là sạch virus.
19 ngày đi hai nước, đá ba trận Đây là đợt tập trung thứ ba trong năm 2012 của tuyển nhưng là đợt đầu của chiến dịch AFF Cup 2012. Đợt tập trung kéo dài 19 ngày (từ ngày 4 đến 23-9) thầy trò HLV Phan Thanh Hùng lần lượt có ba trận giao hữu tại Malaysia (9-9), Indonesia (15-9) với hai đội tuyển nước này rồi về Hà Nội gặp lại Indonesia. Đây là đợt tập trung thứ ba trong năm 2012 của tuyển nhưng là đợt đầu của chiến dịch AFF Cup 2012. Đợt tập trung kéo dài 19 ngày (từ ngày 4 đến 23-9) thầy trò HLV Phan Thanh Hùng lần lượt có ba trận giao hữu tại Malaysia (9-9), Indonesia (15-9) với hai đội tuyển nước này rồi về Hà Nội gặp lại Indonesia. |