Làng cụ già đánh bạc
Khó để tìm được một nơi nào ở Việt Nam có các cụ ông, cụ bà “gần đất xa trời” đam mê bài bạc giống như tại ấp 4, thị trấn Lộc Ninh, huyện Lộc Ninh, Bình Phước. Những ngày rong ruổi ở vùng đất miệt vườn Tây Nam tổ quốc, chúng tôi đã nghe và tận thấy những “chiến tích” cờ bạc mà chỉ có ở địa bàn này do các cụ ông, cụ bà lập nên.
Anh bạn đồng nghiệp đi cùng đùa vui rằng: “Nếu xét về kỷ lục Guinness, thì có lẽ trong cuốn sách lưu trữ những người có khả năng đặc biệt, các cụ ông, cụ bà tuổi 80-90 ngụ ấp 4 sẽ được vinh danh với kỷ lục: Những người già nhất vẫn ngày đêm tham gia sát phạt, lập sòng”.
Thật ra đó cũng chỉ là “kỷ lục” vui nói chuyện quanh quẩn bên ấm nước chè, chứ chẳng mấy ai lại phơi mặt cái xấu bài bạc ấy ra cho thiên hạ cười. Ấy vậy mà, mới đây, trong chiến dịch truy quét tệ nạn của công an huyện Lộc Ninh, các điều tra viên đã bóc gỡ được một ổ đánh bạc “xưa nay hiếm”, và thuộc dạng “đặc biệt” nhất Việt Nam.
Chiều ngày 7/9, công an huyện bất ngờ kiểm tra nhà bà H. T. Th (72 tuổi), bắt quả tang tại đây có 10 người đang đánh bài tứ sắc ăn tiền. Tại hiện trường, công an thu giữ 11,6 triệu đồng, 4 bộ bài tứ sắc, 5 xe máy các loại. Điều đặc biệt nhất của sòng bạc này chính là các cụ tham gia sòng bài tuy tuổi đã ngấp nghé chầu giời nhưng vẫn còn máu mê… sát phạt, như: bà N.T.T (90 tuổi), bà N.T.G (83 tuổi), ông N.H.H (70 tuổi), bà N.T.L (65 tuổi), bà N.T.N (60 tuổi)… Tất cả cùng ngụ thị trấn Lộc Ninh. Ngay sau đó, do những người chơi đánh bài đều đã khá cao tuổi nên Công an huyện Lộc Ninh đã cho gia đình bảo lãnh về nhà để chờ xử lý.
Một cán bộ điều tra cho hay, khi đột nhập vào kiểm tra sòng bạc, các điều tra viên bất ngờ vì trên chiếu bạc, toàn các cụ già tuổi bậc ông, bà của mình, tay vẫn cầm bài, dưới chân kẹp tiền, miệng hô lớn sát phạt. Đến khi lập biên bản, lấy lời khai, các cụ đều đồng loạt đổ lỗi dẫn đến sự "hư hỏng" của bản thân là do… trời mưa. Theo lời các cụ, mấy hôm nay trời mưa dầm dề liên tục, con cháu bận đi làm ăn, buồn quá nên các cụ họp lại với nhau, ngồi “bó chiếu”, lập sòng cho đỡ… cô đơn tuổi già.
“Niềm vui nho nhỏ” của các cụ là những đồng tiền mệnh giá thấp nhất cũng từ 10 ngàn đồng cho đến 500 ngàn đồng. Dù đã già, nhưng đã chơi là phải máu, cho đám con cháu nó “học tập”, các cụ đánh úp từng ván ăn thua chẳng kém cạnh những con bạc khát nước là bao. Những tiếng cãi nhau chí chóe, tiếng văng tục, chửi thề được các cụ ông, cụ bà ngồi quanh chiếu tuôn ra ào ào. Đám con cháu vây quanh, cứ thế hoan hô, cổ vũ nhiệt tình. Bao nhiêu tiền tiết kiệm, tích cóp dành cho tuổi già, hay tiền con cháu biếu, mừng thọ lần lượt được các cụ vét túi ném sạch vào sòng bạc ăn thua đủ. Cứ thế, nhờ trời mưa mà sòng bạc của bà Th., cũng đã “góp phần” giúp nhiều cụ ông, cụ bà cháy túi. Trước khi bị công an xóa xổ, sòng bạc tại gia này cũng tồn tại được cả một thời gian dài dài.
Hình ảnh người dân đánh bài sát phạt ngay bên vệ đường, trên đường vào ấp 4
Một người xe ôm ở ngay đầu dốc của con lộ, trên đường đưa chúng tôi vào khu vực “sòng bạc ấp 4” kể lại câu chuyện đầy nước mắt cách đây mấy năm xảy ra tại địa bàn này. Theo lời ông, đợt đó có cũng có các cụ, răng móm mém, tóc bạc phơ tụ tập tham gia sát phạt với nhau nảy lửa. Ban đầu chỉ đánh nhỏ lẻ 10-20 ngàn đồng cho…vui. Được một lúc sau, có một cụ ông tuổi ngoài 80 thua kèo nhiều quá, năn nỉ các con bạc còn lại tăng số tiền sát phạt, cố gỡ gạc chút đỉnh.
Vốn là bạn lâu năm có cùng đam mê trên giới bạc, mấy cụ bà gật đầu đồng ý. Nào ngờ, càng say máu, cụ ông càng thua đau. Đến khi số tiền tích cóp cuối cùng của các cụ dành cho tuổi xế chiều cũng nướng nốt, cụ ông ngồi khóc thút thít như trẻ con, năn nỉ ỉ ôi các bà cho xin mỗi người mấy trăm. Nể tình, các cụ bà cũng “hồi quả” cho gần 1 triệu đồng, coi như cho trả lộc.
Mọi chuyện vẫn chưa dừng lại ở đây, bởi sau đó, cụ ông này còn phát hiện ra rằng, cụ bà ở nhà cũng đam mê sát phạt chẳng kém. Vì thế, có khi cả hai cụ đều xin xỏ tiền con cháu, tìm đến nhà của các sòng bạc cao tuổi trong ấp tham gia. Câu chuyện nửa thực nửa hư này dân ấp 4 đều biết nhưng chẳng mấy ai thèm buồn nhắc lại. Bởi có một thực tế là ở đây, sự việc này “chuyện thường tình như ở huyện” rồi.
Trong ấp 4, nhắc đến bà N. “lèo”, ngoài 70 tuổi người dân đều nắm rõ “chiến tích” của cụ bà này. Mức độ “nổi tiếng” và mức độ chịu chơi của bà N “lèo” đã được đồn thổi khắp nơi. Người ta đồ rằng, gần 6 năm nay, cụ bà “rảnh rỗi sinh nông nổi” nên tụ tập các con bạc trong xóm lại ngồi chơi tại gia. Ban đầu chỉ là chơi kiểu bài tứ sắc ăn tiền mấy ngàn đồng đổ lại. Lâu dần, độ kích thích lên cao, các cụ ông cụ bà tìm đến đây ngày một nhiều, chơi với mức độ lớn hơn.
Hằng ngày, tại sòng bạc của bà N.“lèo” có ít nhất hơn chục cụ ông, cụ bà tóc bạc tụ tập tham gia. Các con bạc khi đến đây đều được phục vụ sẵn đồ ăn, uống, bật đèn chơi thâu đêm suốt sáng, chừng nào mệt quá thì mới rời khỏi cuộc chơi. Đám thanh niên trong làng nhìn vào cụ bà với vẻ đầy kính nể. Vì thế, mới có chuyện, dân ấp 4 đặt cho tên gọi “Sòng bạc tại gia của cụ bà nổi tiếng nhất Lộc Ninh”.
Không chỉ có cụ bà N. “lèo”, ở ấp 4, chúng tôi tìm hiểu được biết có rất nhiều sòng bạc của những người cao tuổi khác ngày đêm tụ tập chơi sát phạt tại nhà như trường hợp bà H.; ông T “già” hay cụ V “sụ”… đều nổi tiếng ở trong ấp.
“Đáng lẽ họ đã có tuổi cần phải làm gương cho con cháu noi theo nhưng ở ấp 4 do không có công ăn việc làm, người già, thanh niên ngoài thời gian vào rẫy cao su hoặc đi làm mướn, họ đều dành hết thời gian vào sòng bạc. Đám con trẻ bây giờ họ cũng chẳng màng đến chuyện đèn sách, chỉ có cơ hội là tụ tập nhau lại ngay” - một người dân cạnh ấp 4 kể.
Đột nhập “ấp casino”
Ấp 4, thị trấn huyện Lộc Ninh có khoảng 300 hộ dân, từ lâu là điểm tệ nạn cờ bạc lớn nhất của huyện. Một điều rất dễ nhận thấy nhất ở nơi đây chính từ già, tới trẻ đều có thú vui sát phạt đến cuồng loạn. Ngay con đường dẫn vào ấp 4, bên vệ đường, dù giữa ban ngày nhưng chúng tôi cũng bắt gặp cảnh mấy thanh niên lớn tuổi có, trẻ con cũng có ngồi lập sòng, đánh bài ăn tiền, bất chấp có hàng trăm người qua lại.
Người đàn ông tên K. “lé”, cười lớn khi vừa thắng được ván bài, thấy tôi tò mò, chèn giọng: “Chú em có làm tí với tụi anh cho vui không. Nếu không thì biến đi chỗ khác chơi coi, đứng đó chi cho vướng chân, ngứa mắt”. Gã xe ôm dẫn đường lập tức nói khẽ: “Thôi, đi chỗ khác nghen chú, dây dưa chi với tụi này. Mình không đánh lại được đâu, tụi nó là “ma bài” đó. Ngày nào cũng chạy xe ôm qua lối này, tôi chẳng thấy tụi nó tụ tập ở đây chơi”.
Con đường dẫn vào khu vực ấp 4, luôn có các "chim lợn" theo dõi
Theo lời kể của một trinh sát hình sự, hiện nay các casino bên Campuchia hoạt động rất cầm chừng và ế khách. Cao điểm nhất là năm 2010, mỗi ngày có gần 1.000 người qua ba cửa khẩu của tỉnh Bình Phước là Hoa Lư, Hoàng Diệu và Tà Vát đánh bạc. Số liệu của công an tỉnh Bình Phước từ đầu năm 2012 đến nay đã phát hiện gần 100 trường hợp người dân sang Campuchia đánh bạc. Số đối tượng này bị công an yêu cầu quay trở lại Việt Nam chụp hình, lấy dấu vân tay, viết cam kết không được tái phạm. Công an còn gửi thông báo về các địa phương yêu cầu quản lý và xử lý các đối tượng trên. |
Lòng vòng vào con đường ấp 4, tôi dừng chân ngay cạnh chùa Trúc Lâm, lúc này cùng giữa trưa, trong quán nước vẫn có hơn chục người nam, nữ, gương mặt bặm trợn ngồi tụ tập chơi cờ, chơi bài. Vừa ngồi xuống ghế, tôi giả vờ hỏi tìm người quen, lập tức đám người kia vội tản ra, bỏ đi hết. Sau đó, một số người dữ dằn lại gần hỏi dò tìm nhà ai, tên gì rồi hất hàm: “Ở đây không tiếp người lạ”.
Sự cảnh giác cao độ này cũng lan dần sang ngay cả bà chủ quán nước. Gã xe ôm bảo, khi tôi vừa xuất hiện tại đây thì lập tức đã có “chim lợn” theo dõi và cảnh báo trước, họ nghi ngờ chúng tôi là công an “chìm” vào điều tra nên mới có thái độ cảnh giác, đề phòng. Theo lời gã, trước đây, xung quanh quán nước này chính là ổ tệ nạn bài bạc lớn nhất ấp 4. Bình thường, trước khi sòng bạc của các cụ ông, cụ bà chưa bị triệt xóa ngày 7/9 vừa rồi thì muốn tìm sòng bạc ở đây quá đơn giản.
“Người dân lì đòn lắm, họ đánh bạc ngay bên vệ đường. Mỗi khi công an vào truy quét lập tức họ tản ra, bỏ chạy. Công an rút lui thì họ trở lại chơi tiếp. Cả tuần nay, dân ấp 4 sợ công an đang làm căng nên né tránh không dám liều lĩnh. Họ chỉ lập sòng ngay tại nhà, tổ chức kín đáo và quy củ hơn. Ở đây có 4-5 con đường dẫn vào ấp, hầu hết đã đều được cảnh giới. Người lạ chỉ cần xuất hiện là họ biết và báo tin ngay cho các điểm sòng bạc biết” - một chị bán nước trong khu vực ấp 4 vẫn chưa hết hậm hực kể lại.
Chị bảo, gia đình tìm cũng tan cửa nát nhà vì có chồng đam mê bài bạc hơn mê vợ nên bao nhiêu tiền trong gia đình, đều gom hết nướng vào thú chơi đỏ đen. “Chồng chơi đã đành, đứa con trai đầu học tập theo bố cũng rủ bạn chơi bài ăn tiền. Nhiều lần tôi quỳ xin, khóc lóc nhưng đâu vẫn hoàn đó. Giờ thì chấp nhận buông xuôi tất cả rồi”.
Theo lời gã xe ôm đưa tôi vào khu vực ấp 4, thì ngày nào dân nơi đây cũng tụ tập đánh bài ngay bên vệ đường, đánh sát phạt công khai
Cách đây mấy năm, ở ấp 4 này, mỗi ngày có hàng chục con bạc từ huyện Bình Long, Bù Đốp, Chơn Thành… (Bình Phước) kéo về đây tham gia đỏ đen. Nhiều con bạc đã tìm đến đây đều trở về với hai bàn tay trắng, vì đa số xét về kinh nghiệm chơi bài, dù có là kiểu nào đi chăng nữa thì dân ấp 4 cũng ăn đứt.
Ở đây các mánh khóe “lát bài” hay các thủ thuật tinh vi khác đều được dân truyền nghề cho nhau. Họ chỉ áp dụng khi có con bạc nơi khác tìm rủi vận may, còn lại, nếu không có con bạc lạ thì dân trong ấp lại tụ tập ngồi chơi sát phạt với nhau.
Công an huyện Lộc Ninh đã nhiều lần tiến hành truy quét, triệt xóa ổ bài bạc này nhưng tình chỉ lắng xuống được thơi gian ngắn, rồi lại tiếp tục tái diễn như cũ. Thậm chí, dân ấp 4 còn nổi tiếng đến bên tận… Campuchia.
“Lộc Ninh chỉ cách biên giới Campuchia 25km nên các con bạc ở đây thường qua sòng bạc bên kia biên giới. Nhiều người đi nhưng chủ yếu là đều bị lột sạch, ít ai trở về dám khoe khoang thắng lớn. Ở trong ấp 4, có nhiều trường hợp thua bạc, phải bán nhà, vợ chồng, con cái ly tán. Có trường hợp mấy năm trước còn tự tử vì thua bài”.