Công an huyện Đức Hòa (tỉnh Long An) cho biết, đã có 15 người chết khi đến “điều trị” tại một khu vườn ở ấp Tân Hội, xã Đức Lập Thượng. Điều đáng nói, dù số người chết tăng dần tại đây nhưng chủ vườn vẫn tổ chức “kỷ niệm 10 năm thành lập vườn”. Khi chính quyền địa phương ngăn chặn kịp thời thì chủ vườn chuyển sang “lễ mừng thọ” cho mẹ già… 71 tuổi.
Theo quan sát của chúng tôi, sáng 6/3 tại khu vườn có khoảng 200 người tụ tập. Trong số này, có khoảng 20 người bị bệnh tâm thần, cứ đi đi lại lại với khuôn mặt ngẩn ngơ, thỉnh thoảng lắc đầu liên tục như phê thuốc lắc. Khoảng chục cụ già gầy trơ xương, nằm co ro trên nền gạch. Một số trẻ em bị hội chứng Down, ánh mắt lờ đờ cũng nằm trên nền gạch, được cha mẹ dùng quạt giấy để quạt mát…
Băng-rôn của chính quyền địa phương khuyến cáo người dân
“Khu vườn chết chóc”
Theo bà Nguyễn Thị Tuyết (Chủ tịch UBND huyện Đức Hòa), đêm 2/3, khoảng 350 người trong và ngoài tỉnh ngồi khắp khu vườn dự lễ kỷ niệm. Chính quyền địa phương xác định việc tổ chức trên là không đúng quy định của Nhà nước nên đã đề nghị dừng buổi lễ lại.
Thay vì chấp hành, bà Hồng chuyển sang lễ giỗ của đứa em. Kiểm tra lại hồ sơ, lực lượng chức năng phát hiện, ngày giỗ này vào giữa tháng 5. Bí đường, bà Hồng tuyên bố đây là lễ mừng thọ 70 tuổi cho mẹ là bà Nguyễn Thị Ngoan. UBND xã Đức Lập Thượng cho biết bà Ngoan bước sang tuổi 71 từ lâu nhưng bà Hồng vẫn kiên quyết tổ chức lễ mừng thọ. Đêm văn nghệ có nhiều tiết mục “tự chế” ca ngợi khả năng chữa bệnh của khu vườn.
Kể từ 10 năm qua, nhiều bệnh nhân đã tụ tập về khu vườn này, cao điểm có tới 500 - 700 người hội tụ. Cùng với đó là 15 người xấu số đã tử vong tại đây. Người chết gần đây nhất vào tháng 2/2013 là ông Lê Quang Tr. (SN 1967, ngụ thôn Hòa Bình, xã Nghĩa Hòa, huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi).
Ông Tr. được Bệnh viện Chợ Rẫy xác định bị bệnh ung thư gan đa ổ và giãn tĩnh mạch thực quản thời kỳ cuối, không còn khả năng điều trị. Gia đình đưa ông đến “khu vườn kỳ lạ” để chữa bệnh bằng hình thức uống nước giếng, hít khí trời, nằm lấy hơi đất. Nhưng mới nằm được hơn một ngày thì chủ khu vườn phát hiện sức khỏe ông đã yếu nên yêu cầu gia đình đưa ra khỏi khu vườn. Sau khi ra ngoài thuê phòng trọ được 1 ngày thì ông Tr. tử vong.
Rất nhiều trường hợp được cho rằng đã khỏi bệnh khi được nằm tại khu vườn này thực tế đã chết. Trước ông Tr., có 14 người tử vong sau khi “điều trị” tại đây. Năm 2012, người dân sinh sống quanh “khu vườn kỳ lạ” còn đồn rằng ông Trương Văn Q. (SN 1949, ngụ phường Phú Khương, TP.Bến Tre, tỉnh Bến Tre) bị bệnh ung thư, được đưa đến khu vườn này chữa trị và ông đã được chủ khu vườn trị hết bệnh. Tuy nhiên, trên thực tế, ông Q. đã chết tại khu vườn này.
Con trai ông Q. kể, những người đang “điều trị” tại đây kêu ông Q. cứ “nằm đất, uống nước lã” để hấp thu được “từ trường” và “năng lượng” siêu nhiên. Được hơn 10 ngày, bệnh của ông Q. càng nặng hơn nên được đưa vào trong nhà của chủ vườn và chết ngay sau đó.
Phao tin đồn nhảm để trục lợi
Chủ nhân của khu vườn này là ông Nguyễn Văn Sống và bà Võ Thị Ngoan. Hầu hết các bệnh nhân chúng tôi tiếp xúc đều cho biết họ trị bệnh bằng niềm tin. Đó là chưa kể, họ còn được “cô” Nguyễn Thị Kim Hồng, con gái chủ nhà tự xưng là… “thiên sứ giáng phàm”, giúp cầu nguyện. Nếu thành tâm mọi căn bệnh sẽ khỏi dù là bệnh nan y, y học đã bó tay.
Theo hồ sơ của công an, trước khi về đây, năm 2002, bà Nguyễn Thị Kim Hồng đã lập ra một khu vườn như thế ở Tân Biên (Tây Ninh). Khi chính quyền địa phương ngăn cấm không cho phép hoạt động, bà Hồng trở về khu nhà của cha mẹ ở Đức Hòa, Long An.
Tháng 6/2003, bà Hồng phải nhận bản án 1 năm tù giam vì tội đã để xảy ra một số trường hợp bệnh nhân tử vong vì cách chữa trị mê tín, dị đoan. Để dẹp khu vườn, Hội đồng liên ngành do Bộ Y tế chủ trì đã có những nghiên cứu thẩm định hết sức khoa học để chứng minh đây là khu vườn không có gì đặc biệt và không có khả năng chữa bệnh.
Nhiều người dân ở Long An cho biết khu vườn kỳ lạ không thu tiền bệnh nhân nhưng những dịch vụ ăn theo khu vườn này là “cỗ máy chém”, sẵn sàng “cứa cổ” những người điều trị tại đây. Sáng 6/3/2013, nhóm phóng viên tìm đến khu vườn kỳ lạ để tận mục sở thị. Ngoài đường lớn, chính quyền địa phương giăng băng-rôn khuyến cáo người dân không tụ tập tại vườn.
Bất chấp khuyến cáo, khách xa cả ngàn cây số vẫn nườm nượp kéo về. Khi chúng tôi vừa rẽ vào con đường nhỏ dẫn tới khu vườn thì gặp ngay chướng ngại vật là một cái giỏ úp gà nằm chình ình giữa đường, bên trên là một tấm ni-lông màu trắng. Một thanh niên gầy còm bước ra bảo: “Mấy ông muốn đi tiếp thì nộp 50.000 đồng”. Hỏi tiền gì, người này trả lời tỉnh bơ: “Ông Đinh La Thăng thu phí đường bộ, còn tụi tui thu phí đường giao thông nông thôn. Mấy ông cứ nộp tiền rồi vào thoải mái, còn không nộp thì đậu xe bên ngoài, hư hao mất mát ráng chịu”. Sau khi nhận 50.000 đồng, người này mới giở giỏ úp gà cho xe đi.
Vào khoảng 100 mét bên trong, chúng tôi thấy hàng loạt biển báo giao thông do người dân “tự chế” cắm xung quanh khuôn viên vườn, nào là biển cấm rẽ trái, rồi biển cấm quay đầu, biển cấm dừng cấm đậu được vẽ nguệch ngoạc bằng nước sơn.
Khi xe vừa dừng lại, một phụ nữ lại đòi thu 100.000 đồng. Khi chúng tôi trình bày vừa nộp 50.000 đồng ngoài cổng, người này nói: “Ngoài đó họ thu phí giao thông, còn trong này thu phí giữ xe. Anh đậu 5 phút hay 1 ngày đều phải nộp 100.000 đồng, đậu 2 ngày thì tiền gấp đôi…”. Thấy chúng tôi lưỡng lự chưa xuống xe, người phụ nữ đổi giọng: “Ở đây không giữ xe chùa. Mấy ông sợ tốn tiền thì ra ruộng mà đậu, xe bị bể kiếng, mất gương thì ráng mà chịu”. Chúng tôi đành bấm bụng chi thêm 100.000 đồng để vào vườn.
Thấy có khách mới, một số người đang ngồi thiền ngước lên nhìn. Một người phụ nữ nói giọng miền Bắc cho biết, chị vào đây “điều trị” đã được 3 tuần, hoàn toàn không tốn đồng nào từ chủ vườn. Tuy nhiên, các khoản phải chi cho nhà trọ, ăn uống, đi lại thì tốn kinh khủng.
“Tôi ở Hà Tây cũ, vào đây 3 tuần, tính luôn chi phí đi lại tốn gần 20 triệu đồng rồi. Ban ngày cứ nằm xuống nền gạch, khỏe thì ngồi thiền để hứng năng lượng. Bệnh nhân sau khi đăng ký danh sách mỗi ngày sẽ nhận được 3 bình “nước thánh” vào 6 giờ sáng, 12 giờ trưa và 6 giờ chiều” - người phụ nữ nói.
Nhiều người bệnh tử vong Bà Nguyễn Thị S. (ngụ xã Hòa Khánh Đông, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) bị bệnh lở loét, đã đến khu vườn trị bệnh nhưng không hết, sau đó mất tại nhà. Tương tự, bà Phan Thị U. (ngụ tỉnh Long An) bị bệnh đái tháo đường và tai biến mạch máu não, đến khu vườn để trị bệnh nhưng sau đó cũng tử vong. |