Đồng phục của Vietnam Airlines dính nghi án nhái

Khi mẫu áo dài đồng phục mới của Vietnam Airlines được tung ra đã có ý kiến cho rằng mẫu áo dài này "nhái" phần cổ của trong các thiết kế của Lê Thanh Phương.

Anh có thể cho biết mẫu thiết kế áo dài cách tân phần cổ của mình ra đời từ ý tưởng nào, cách đây bao lâu?

- Đây là thành quả của sự lao động, tìm tòi và nghiên cứu bằng cả lòng yêu thương, trân trọng chiếc áo dài Việt Nam, nó ghi dấu ấn trong sự nghiệp làm nghề của tôi. Nó được tôi thiết kế từ những năm 2001. Hồng Ánh từng mặc áo dày này làm mẫu chụp cho tạp chí Heritage của Vietnam Airlines.

Và kiểu cổ V (tim dựng) gần như đã ghi dấu ấn là sự cách tân áo dài của Lê Thanh Phương, được chụp đăng tải trên nhiều báo giấy thời bấy giờ.

Thiết kế cách tân cổ áo dài của tim dựng của NTK Lê Thanh Phương nhiều năm trước.

Anh vừa mới chia sẻ sự đau sót và bức xúc về thiết kế áo dài đồng phục với của hãng hàng không quốc gia Việt Nam copy mẫu thiết kế áo dài cổ chữ V của anh. Anh có thể chỉ ra sự giống nhau giữa hai thiết kế?

- Tôi luôn suy nghĩ làm cách nào để người sử dụng trang phục áo dài của tôi thấy thoải mái và dễ chịu - cũng như với ý nghĩ chỉ có tìm đến thương hiệu Lê Thanh Phương mới sở hữu được chúng.Không bức xúc và đau xót nhưng buồn vì trong thâm tâm nó là dấu ấn của mình. Đương nhiên nhìn thấy một sản phẩm tương tự, nói không buồn là không thật, tôi không nói chị Minh Hạnh copy nhưng chuyện giống nhau giữa hai thiết kế nên để cho công chúng thẩm định, sẽ khách quan hơn là tôi.

NTK Lê Thanh Phương và Minh Hạnh.

Những chi tiết cổ và tay áo trong đồng phục của Hãng hàng không quốc gia được cách điệu mạnh tạo đường nét của đôi cánh tự do nhấn mạnh chữ V với ý nghĩa chữ Việt. Anh có thể nói cụ thể và chi tiết về cổ áo trong thiết kế áo dài của mình có?

- Với tôi, ý nghĩa đầu tiên trong thiết kế trang phục được đưa lên hàng đầu là đẹp và tiện dụng, mang tính mỹ thuật cao. Kiểu cổ V dựng (theo cách tôi gọi tên) sẽ phù hợp với người có cấu tạo cổ ngắn (không thon dài) đường xẻ tạo thị giác giúp cho người mặc có chiếc cổ dài hơn khi mặc chúng. Ngoài vấn đề ý nghĩa đẹp ra, tôi chưa nghĩ đến chữ V là chữ cái đầu trong chữ Việt Nam!

Trước đây, anh từng phát hiện ra những chiếc áo dài cách tân khác cũng có thiết kế phần cổ tương tự như thiết kế của mình hay chưa? Anh đã có động thái như thế nào?
- Có nhìn thấy một vài lần do học trò hay những tiệm may làm theo, Phương có cảm giác vừa vui vừa buồn. Phản ứng sẽ là bông đùa vài câu trên Facebook. Vì chỉ một mẫu được sao chép từ báo chí hay google, so với nhiều mẫu đã tạo nên dấu mốc cho áo dài Lê Thanh Phương, đó chỉ là chuyện vui!

Đồng phục mới của Vietnam Airlines.

Phần cổ chỉ là một trong những điểm nhấn và nổi bật trong thiết kế áo dài, và sự giống nhau ở phần cổ là rất nhỏ khi nhận định và khẳng định là sao chéo, ăn cắp. Anh nghĩ gì về ý kiến này?

- Với áo dài của tôi, phần cổ luôn được tôi chú ý nhiều nhất theo quan điểm sáng tạo của riêng mình. Vì sao qua hơn 50-60 năm rồi áo dài cổ thuyền Trần Lệ Xuân vẫn còn được gọi tên? Còn trong sáng tạo đôi khi có những sự trùng lắp ý tưởng nhưng có mức độ thôi và đây là điều tôi trăn trở.

Đưa ra những thông tin về việc sao chép này, anh có lo ngại về ảnh hưởng mối quan hệ với NTK Minh Hạnh, người từng dìu dắt anh?

- Cả tôi và chị Minh Hạnh đều là những người làm việc chuyên nghiệp, có tâm và có trách nhiệm. Tôi nghĩ, không chỉ tôi, chị Hạnh cũng muốn mọi chuyện được rõ ràng, minh bạch, nhất là trong một sự kiện mang tầm vóc quốc gia. Chị Hạnh sẽ không trách vì cũng chỉ sống đúng theo những tiêu chí được chị chỉ dạy trong những ngày đầu làm nghề.

Anh có ý định sẽ liên hệ với NTK Minh Hạnh để tìm hiểu cụ thể sự việc này hay sẽ có hành động nào tiếp theo?

- Tới giờ phút này, tôi vẫn tin và tôn trọng chị Minh Hạnh. Cái tôi cần chỉ là được giải tỏa những băn khoăn trong lòng. Nếu nói chuyện với chị thì chẳng khác nào tôi có suy nghĩ không đúng về chị. Nhưng thật sự cần thiết để mọi chuyện được rõ ràng, tôi sẵn lòng.

Từ trước tới nay, anh đã có những biện pháp nào để bảo vệ sản phẩm sáng tạo của mình, đăng ký bảo hộ chẳng hạn?

- Với tôi, công chúng là một sự bảo hộ rõ ràng và công tâm nhất. Như tôi đã nói ở trên vấn đề bảo hộ về sở hữu trí tuệ là một vấn đề nan giải không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới. Điều tôi nói không phải để tố ai hay PR cho bản thân nhưng đó là trách nhiệm cần phải làm đối với nghề cũng như những người đã ủng hộ để có một Lê Thanh Phương hôm nay.