Động đất ở Quảng Nam, người dân kể gì?

Ông Trần Xuân Bình (62 tuổi) kể lại: Vào khoảng 20h50 ngày 3/9, cả nhà đang ngồi xem tivi, bỗng nghe rung chuyển rất mạnh, kéo dài trong 2 phút.

Ngày 4/9, theo báo cáo của UBND huyện Bắc Trà My gửi UBND tỉnh Quảng Nam, các đợt rung chấn xảy ra tại địa phương này đêm 3/9 là có cường độ mạnh nhất từ trước đến nay, lên tới 4,2 độ richter.

Báo cáo này cho rằng, hiện tượng rung chấn động đất đã từng xuất hiện trên địa bàn huyện từ tháng 11/2011 đến hết tháng 2/2012. Theo các ngành chức năng, đây là những rung chấn động đất nhẹ (dưới 3,5 độ richter). Tối ngày 3/9, trên địa bàn huyện lại xảy ra hiện tượng rung chấn động đất.

Theo ghi nhận, từ khoảng 19h đến 22h30 xảy ra khoảng 5 đợt rung chấn làm rung lắc nhà cửa trong bán kính hơn 50km ở 2 huyện Bắc Trà My và Tiên Phước. Trong đó, đợt rung chấn lúc 20h47 phút và đợt lúc 22h20 phút có cường độ mạnh hơn tất cả các đợt rung chấn đã xảy ra trước đây.

Ngay sau sự việc, UBND huyện đã tổ chức khảo sát, nắm tình hình một số khu vực tại thị trấn Trà My, xã Trà Đốc, vùng công trình Thủy điện Sông Tranh 2 nhưng chưa phát hiện thiệt hại gì đáng kể. Tuy nhiên, đa số nhân dân khu vực thị trấn Trà My, các xã Trà Đốc, Trà Bui, Trà Tân, Trà Sơn và một số xã lân cận rất hoang mang lo sợ.

Trao đổi với phóng viên, ông Đặng Phong - Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My bày tỏ lo lắng: Với những đợt rung chấn động đất trước đây, Viện Địa chất và Viện Vật lý địa cầu từng kết luận đây là hiện tượng động đất thuộc dạng động đất kích thích vết đứt gãy Bắc và Tây Bắc dưới lòng hồ chứa nước Thủy điện Sông Tranh 2 và khu vực suối nước nóng.

Hiện tượng này là bình thường, một thời gian sẽ hết. Tuy nhiên, hiện tượng này vẫn tái diễn, làm cho người dân địa phương, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số vô cùng lo lắng.

“Chúng tôi lo ngại rằng, vì lo sợ nơi ở thiếu an toàn, cuộc sống không ổn định, đồng bào sẽ di dân đến vùng khác dẫn đến nhiều hệ lụy, nhất là nạn phá rừng” - ông Phong nói.

Ngày 4/9, ông Nguyễn Thanh Quang - Giám đốc Sở NNPTNT Quảng Nam kiêm Phó Ban Phòng chống lụt, bão Quảng Nam đã đề nghị Ban Quản lý dự án Thủy điện 3 (Tập đoàn Điện lực Việt Nam) kịp thời báo cáo UBND tỉnh, Ban chỉ huy PCLB Quảng Nam về tình hình an toàn đập Thủy điện Sông Tranh 2 do ảnh hưởng của các trận động đất trên.

Trong ngày hôm qua, theo ghi nhận của phóng viên NTNN tại thị trấn Trà My - tâm điểm của các đợt rung chấn đêm 3/9, người dân địa phương vẫn chưa hết lo lắng sau những gì đã xảy ra.

Ông Trần Xuân Bình (62 tuổi) kể lại: Vào khoảng 20h50 ngày 3/9, cả nhà đang ngồi xem tivi, bỗng nghe rung chuyển rất mạnh, kéo dài trong 2 phút.

Cửa chính, cửa sổ rung rầm rầm như cơn lốc đi qua. Cả nhà tôi, bỏ chạy ra ngoài, đề phòng nhà sập, mái ngói rơi. Sau đó ít phút lại xảy ra một đợt rung tương tự, mạnh hơn đợt đầu. Chỉ trong một đêm đã xuất hiện 5 lần rung chấn mạnh, làm cho chúng tôi và bà con thị trấn không ai dám chợp mắt.

Nhiều người dân bày tỏ là họ không thể yên tâm khi các đợt rung chấn này diễn ra ở thời điểm thường xảy ra mưa bão. Đã vậy, bà con chưa hề nghe thông tin gì về tình hình khắc phục sự cố rò rỉ ở Thủy điện Sông Tranh 2.

Theo Viện Vật lý địa cầu, động đất tối 3/9 gây nên rung động trên cấp VI ở khu vực đập Thủy điện Sông Tranh. Ông Nguyễn Văn Hải - Giám đốc Ban Quản lý dự án Thủy điện Sông Tranh khẳng định, trận động đất này không ảnh hưởng đến đập Thủy điện Sông Tranh (thiết kế có thể chịu động đất 6 độ Richter). Theo GS Cao Đình Triều (Viện Vật lý Địa cầu), việc tháo nước đột ngột để xử lý sự cố thấm đập Sông Tranh 2 hoặc nước mưa tràn về dâng cao đột ngột ở hồ chứa đã tạo nên những trận động đất kích thích.