Tại TP. HCM, một số người tại tòa nhà cao tầng trên đường Điện Biên Phủ, quận 10 cảm nhận rõ rung lắc trong tòa nhà. Nhiều người ngồi ở lầu 7 tòa nhà này thấy tấm bảng treo trên tầng rung chuyển, có người chạy xuống dưới đường.
Giới văn phòng ở tòa nhà Flemington (Lê Đại Hành, TP. HCM) chạy xuống hết mặt đất vì rung chấn (Ảnh: Zing Me)
Tòa nhà Bitexco ở quận 1 cũng có tình trạng tương tự, nhiều người trong tòa nhà này cảm thấy chao đảo. Nhiều nhân viên đã bỏ xuống đường hết.
Nhân viên văn phòng tại tòa nhà Vietcombank đường Trần Quang Khải, Hà Nội cũng cảm nhận được sự chao đảo khi nhìn bên ngoài cửa sổ.
"Mọi thứ diễn ra rất nhanh, chúng tôi chỉ kịp cảm nhận mất thăng bằng và chóng mặt", anh Kiên làm tại tòa nhà này kể.
Ông Lê Huy Minh, Giám đốc Trung tâm Báo tin động đất sóng thần Việt Nam cho biết TP. HCM chịu dư chấn động đất vừa xảy ra ở Indonesia, 8,9 độ richter, sóng động đất lan truyền xa.
"Sóng động đất làm các tòa nhà cảm thấy rung động, đây chỉ là rung động do sóng động đất chứ không phải dư chấn động đất và không ảnh hưởng nhiều", ông Minh khẳng định.
Cũng theo ông Minh, Việt Nam nằm xa khu vực động đất nên chỉ những người ở khu vực cao tầng có cảm giác rung, vì vậy người dân Việt Nam không đáng lo ngại.
Mọi người đang ngồi làm việc đã phải đứng dậy, ùa ra ngoài vì cơn rung lắc rất mạnh.
Một chàng trai còn nhanh tay upload hình ảnh và thông tin lên mạng xã hội Zing Me để chia sẻ với bạn bè về tình trạng của mình.
Giáo sư Cao Đình Triều, chuyên gia Viện Vật lý địa cầu cũng khẳng định, những trận động đất ở Indonesia, Việt Nam rất khó bị ảnh hưởng. Khu vực phía Nam cảm nhận rung chấn rõ nhất, nhưng không lớn. Chiều nay, trạm đo địa chấn ở phía Nam ghi nhận được những rung động nhỏ, dưới 5 độ richter. Hiện chưa có cảnh báo sóng thần tại Việt Nam.
Viện Vật lý địa cầu cũng ghi nhận trận động đất ở Indonesia xảy ra gần vị trí động đất Sumatra năm 2004.