Đội tuyển Việt Nam thua liền 5 trận, là “cái ngưỡng” hay là tại VAR?
Thứ năm, 14/10/2021 17:06

Bốn năm với những niềm vui bất tận mà bóng đá mang lại, những gì diễn ra từ tháng Chín đến nay là những nốt trầm buồn. Nhưng người hâm mộ Việt Nam cần suy xét kỹ càng.

Ngày 11 tháng 10 năm 2017, HLV Park Hang Seo đặt bút ký vào bản hợp đồng huấn luyện các đội tuyển quốc gia Việt Nam. Kể từ thời khắc lịch sử đó, bóng đá Việt Nam đã tạo lập những chiến tích huy hoàng không cần phải nhắc lại. Nhưng nếu tính từ trận thua UAE ở cuối vòng loại thứ 2, Việt Nam đã trải qua 5 trận thua liên tục, đấy là điều chưa từng có trong lịch sử cầm quân của HLV Park tại dải đất hình chữ S. Người hâm mộ ngơ ngác, oán trách, bao dung, lắc đầu, cảm thán. Đây chính là lúc để nhìn lại tất cả.

Chấn thương và VAR

Vận xui đã đeo bám đội tuyển Việt Nam từ cú vào bóng tai ác của Hoàng Thịnh vào tháng 3/2021, đã khiến tiền vệ quan trọng nhất của "Rồng vàng" là Đỗ Hùng Dũng gãy 3 khúc xương và rời xa sân cỏ suốt nửa năm. Mất đi Đỗ Hùng Dũng, Việt Nam mất đi buồng phổi, mất đi tiền vệ kiến thiết lối chơi quan trọng nhất. Hôm nay, ta thấy sự xuất sắc của Hoàng Đức, sự bình ổn của Tuấn Anh, nhưng tất cả đều không xua được nỗi nhớ Hùng Dũng.

Đội tuyển Việt Nam thua liền 5 trận, là “cái ngưỡng” hay là tại VAR? - Ảnh 2.

Khi câu chuyện của Hùng Dũng chưa nguôi ngoai, thì đến lượt Đoàn Văn Hậu gặp từ chấn thương này đến chấn thương khác, để rồi cuối cùng phải bỏ lỡ vòng loại thứ 3. Vài ngày sau đến lượt Trọng Hoàng thông báo chia tay đội tuyển. Mất đi cặp cánh Hoàng - Hậu, sơ đồ 3-5-2 của HLV Park Hang Seo chỉ còn lại cái xác không hồn.

Những tưởng vận xui đã buông tha cho tuyển Việt Nam, thì đến lượt Đặng Văn Lâm lại lên bàn mổ. Vâng, "một chữ nếu có thể bỏ cả Paris vào trong cái chai", nhưng bạn hãy tưởng tượng trận gặp Oman đứng trong khung thành không phải Văn Toản mà là Văn Lâm, và người cao nhất đội tuyển Đoàn Văn Hậu đang đứng phòng thủ, liệu chúng ta có chắc sẽ thua bàn thua đó?

Nếu nhìn trên một bức tranh rộng lớn hơn, thì Việt Nam đang chiến đấu với các đối thủ có thể hình, thể lực vượt trội bằng một tấm khiên thủng. Hãy nhìn đi, ta gặp đối thủ Oman, Trung Quốc, Australia, Saudi Arabia bằng một hàng phòng ngự không phải tốt nhất. Cầu thủ có biệt danh "chuyên gia săn Tây" Đình Trọng đứt dây chằng, mất phong đội, bị loại. Thủ môn Lâm "tây" với kinh nghiệm dồi dào ở trong và ngoài nước lên bàn mổ. Còn Đoàn Văn Hậu, người sau gần 1 năm thi đấu cho CLB Heerenveen tại Hà Lan, cũng ở bệnh viện hồi sức nốt.

Đội tuyển Việt Nam thua liền 5 trận, là “cái ngưỡng” hay là tại VAR? - Ảnh 3.

"Đúng người - sai thời điểm", mất đi 3 con người "săn Tây" đó, chúng ta đã mất những người kinh nghiệm nhất để đối đầu trước các đối thủ đẳng cấp cao và không thiếu "Tây" ở vòng loại thứ 3.

Đã gặp xui xẻo ở các ca chấn thương, Việt Nam cũng không gặp may mắn với những quyết định của trọng tài. Trước khi bàn đến những pha bóng của Duy Mạnh hay Hồ Tấn Tài được nói ở phần sau bài viết, ta hãy nhìn lại hành trình đã qua của anh chàng "con nhà nghèo vượt khó" mang tên Việt Nam này.

Bắt đầu chiến dịch vòng loại thứ 3, dù phải đối đầu với đối thủ đã nhẵn mặt ở World Cup là Saudi Arabia, tuy vậy chính Việt Nam mới mở tỉ số trước. Lối chơi phòng ngự của thầy Park được dịp phát huy tác dụng, hứa hẹn cho Rồng Vàng làm nên bất ngờ.

Nhưng bước ngoặt đã xảy ra ở phút 50, Duy Mạnh trong nỗ lực dùng người cản bóng, theo đà ngã xuống đã để bóng bật lên tay. Trọng tài Ilgiz Tantashev không cắt còi nhưng áp lực từ VAR khiến ông phải ra xem lại băng ghi hình. Kết quả, Việt Nam bị thổi phạt penalty, và thậm chí Duy Mạnh còn nhận thẻ đỏ. Vừa mất người vừa bị thổi phạt đền, Việt Nam vỡ trận.

Đội tuyển Việt Nam thua liền 5 trận, là “cái ngưỡng” hay là tại VAR? - Ảnh 4.

Kết thúc trận đấu, nhiều tranh cãi xảy ra. Người nói rằng Duy Mạnh không cố ý chạm tay, thẻ đỏ là quá nặng. Người lại bảo chỉ cần bàn tay vung ra, bóng chạm trong vòng cấm là mặc định thổi phạt, không cần biết tự nhiên hay không tự nhiên.

Vấn đề ở chỗ vài ngày sau lại có tình huống tương tự ở trận Việt Nam gặp Australia. Hậu vệ Rhyan Grant cũng bị cú sút của Hồng Duy làm cho bật tay văng ra. Nhưng trọng tài Jassim xem VAR xong lại không thổi phạt. Cùng một tình huống, lại đem đến hai kết quả khác nhau. Người hâm mộ Việt Nam lúc ấy đã tự hỏi: "Phải chăng VAR không dành cho người nghèo".

Có người chê trách vì cổ động viên ta hung hãn nên bị xử ép, có người lại bảo đó là các quyết định cũng có lý. Nhưng mọi tấn trò đời về VAR đối với các chàng trai của dải đất hình chữ S đã hiện ra ở trận gặp Oman. Tình huống Quang Hải ngã trong vòng cấm ở phút 25 là một quả phạt đền, nhưng trọng tài im lặng, VAR không can thiệp.

Đến khi cầu thủ Oman lăn lộn trong vòng cấm, VAR lại lên tiếng. Khi tình huống phạt góc dẫn đến bàn thua của tuyển Việt Nam, với cảnh chen chúc của các cầu thủ Oman trong khu vực mà Văn Toản được bảo vệ, trọng tài không cắt còi. Nhưng khi Tiến Linh ghi bàn, thì trọng tài xem đi xem lại pha bóng của Hồ Tấn Tài, thấy không thể thổi phạt được thì tới tua lui để kiếm tìm tình huống việt vị của Công Phượng. Sau khi "tìm xương trong trứng gà" mà không thấy, ông mới công nhận bàn thắng cho Việt Nam.

Đội tuyển Việt Nam thua liền 5 trận, là “cái ngưỡng” hay là tại VAR? - Ảnh 5.

Không thể nói đạo lý trong các tình huống ấy, chỉ có thể tức đến run người nếu bạn yêu đội tuyển quốc gia mình.

Tuy nhiên, rất dễ dàng để đổ lỗi cho chấn thương, cũng rất dễ dàng để bao biện bằng các quyết định của trọng tài. Điều khó khăn trong bài viết này, chính là đào sâu vào trong thất bại để tìm thấy ánh sáng của bài học.

Những bài học và câu hỏi về cái "ngưỡng"

Bài đá phạt góc của Oman lạ không? Đáng tiếc là chẳng mới mẻ gì trên thế giới. Nhưng với Việt Nam than ôi đó lại là sự lạ lẫm. Và Văn Toản cùng các thủ chúng ta như "con ếch bị con rắn thôi miên", dễ dàng bị đánh bại ở tình huống đáng lẽ phải "cực kỳ gấu" để xô đẩy và đấm bóng ra.

Tình huống phạt góc ấy là hình ảnh biểu tượng cho một đội bóng non nớt, trong lần đầu tiên được bước chân vào vòng loại thứ 3. Bài học ở đây là gì? Muốn vượt qua vòng loại thứ 3 thì hãy chơi nhiều hơn vài vòng loại thứ 3 nữa để có kinh nghiệm, thay vì đòi sa thải thầy Park.

"Phòng VAR như tiệm net

Sân cỏ như mặt ruộng

Quay phim bao luống cuống

Xin hỏi biển lớn đâu?"

Tôi đã làm 4 câu thơ con cóc ấy sau trận đấu giữa Việt Nam và Australia. Bốn trận đấu đã qua, chúng ta có 1 trận trên sân nhà Mỹ Đình, và mặt sân ấy đã bị phóng viên báo quốc tế gọi là "bãi chăn bò".

Đội tuyển Việt Nam thua liền 5 trận, là “cái ngưỡng” hay là tại VAR? - Ảnh 7.

Chúng ta mộng World Cup, nhưng ta đã chuẩn bị gì cho điều đó? Câu trả lời là ở trận đấu với Australia đấy. Chẳng có gì là theo kịp thế giới cả. Người hâm mộ đáng lẽ phải tri ân HLV Park Hang-seo nhiều hơn nữa, vì ông đã đem về cho đội tuyển những thành tựu đáng kinh ngạc, của một hệ thống bóng đá còn nhiều cái phải xây dựng.

Và hãy hỏi về cái tay của Đỗ Duy Mạnh! Duy Mạnh được đặt cho biệt danh là Mạnh "gắt". Một thời gian dài, nhiều người yêu bóng đá Việt Nam đã tung hô biệt danh này. Nhưng Mạnh "gắt" chính là tác giả của 1 thẻ đỏ, 2 thẻ vàng và 2 quả penalty gây ra cho đội tuyển cho đến lúc này.

Với một nền bóng đá khác, hậu vệ của Hà Nội hẳn đã bị xướng tên tội đồ và bị chỉ trích chứ không phải bình an như hiện tại. Vậy thì Duy Mạnh có xứng đáng bị thẻ đỏ không? Câu trả lời có. Cái tay vung ra như thế là thói quen ở V-League. Và nó cũng chỉ có đất sống ở V-League, chứ sao mà sống được với các trọng tài VAR, vốn đã nhìn về Việt Nam với sự soi mói sẵn có rồi.

"Chỉ có kẻ trộm mới sợ camera" (Jose Mourinho).

Vấn đề là Duy Mạnh, Hồ Tấn Tài vung tay như nhau, hai quả penalty như nhau. Và nó nói lên điều gì đây? Thứ nhất là cả Duy Mạnh, Tấn Tài đều không có ý thức rằng mình phạm lỗi. Đây là ý thức của V-League, một nền bóng đá bạo lực và … không có VAR. Thứ hai là nó báo động về cầu thủ Việt Nam. Chốt về điều này, tôi xin trích một câu danh ngôn nổi tiếng: "Gieo hành động gặt thói quen, gieo thói quen gặt tính cách, gieo tính cách gặt số phận."

Chấn thương, trọng tài, cầu thủ… là thực thể, nhưng có một thứ vô hình khác đã mờ mờ hiện ra. Nó chưa rõ hình hài cụ thể, nhưng bắt đầu có bóng, ra hình, đó chính là cái "ngưỡng", là bức tường đẳng cấp mà bóng đá Việt Nam chưa thể thoát thai ra.

Đội tuyển Việt Nam thua liền 5 trận, là “cái ngưỡng” hay là tại VAR? - Ảnh 8.

Năm trận thua đều tiếc nuối tạo cho chúng ta cảm giác rằng Việt Nam ở gần với cấp độ của các đối thủ Oman, Trung Quốc, Australia, Saudi Arabia. Nhưng không, đấy chính là cái "ngưỡng", tuy rất gần mà lại rất xa. Một pha bóng khi cần bám người đến cùng, thì cái ngưỡng chỉ có thể bám được đến chéo áo, và hụt. Ta không thủng chỗ này, thì sẽ thủng chỗ khác, không tiếc ở quả phạt góc, thì có khi lại tiếc ở quả phạt trực tiếp. Đó là bức tường vô hình mà nền bóng đá Việt Nam chưa bước qua, và chưa thể bước qua lúc này được.

Lời kết là gì đây? Bốn năm với những niềm vui bất tận mà bóng đá mang lại, những gì diễn ra từ tháng Chín đến nay là những nốt trầm buồn. Nhưng người hâm mộ Việt Nam cần suy xét kỹ càng. Ta thua liên tục nhưng không phải thua ở SEA Games, mà là thua ở vòng loại thứ 3 World Cup, ta thất vọng liên tục nhưng phải trước Thái Lan hay Mã Lai, mà là trước Úc, trước Saudi Arabia.

Chúng ta đã đi một bước tiến rất dài và rất xa so với kỳ vọng, và đó là điều để ta bình tĩnh. Hãy biết cách duy trì con đường này bằng cách đào sâu vào trong thất bại để tìm thấy viên ngọc thông thái, chỉ có như vậy khải hoàn ca mới khắc tên bóng đá Việt Nam ở tương lai gần.

Phapluat.suckhoedoisong.vn

Nguồn: https://phapluat.suckhoedoisong.vn/doi-tuyen-viet-nam-thua-lien-5-tran-la-cai-nguong-hay-la-tai-var-.. Nguồn: https://phapluat.suckhoedoisong.vn/doi-tuyen-viet-nam-thua-lien-5-tran-la-cai-nguong-hay-la-tai-var-162211410134042838.htm

Clip đang được xem nhiều nhất: Mẹ bị tố dàn dựng chụp ảnh con ngoài cổng trường: “Tôi sai nhưng mọi người cần hiểu vấn đề”

Tag: Đội tuyển Việt Nam , HLV Park Hang-seo