Đội sinh viên tình nguyện cứu sản phụ bị thai chết lưu bên bờ suối

Vô tình phát hiện ra một phụ nữ đang đẻ bên bờ suối, đứa con đã chết còn người mẹ bị băng huyết, các tình nguyện viên đã cầm máu và sơ cứu cho sản phụ.

Đó là tình huống mà các tình nguyện viên đội 5 của câu lạc bộ tình nguyện Hope đã gặp lúc 1h sáng ngày 23/7 tại bản Lòm, xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình. Theo tục lệ địa phương, người phụ nữ khi đẻ phải ở một mình trong căn lều bên bờ suối, đến khi đủ sức khỏe tự bế con mới được về nhà. Nếu chẳng may người mẹ chết, đứa con cũng sẽ bị chôn theo.

Người mẹ khi được phát hiện bị băng huyết, thai đã chết lưu. Nhận thấy tình huống vô cùng nguy cấp, bạn Nguyễn Thị Hồng Long, sinh viên đại học Y dược thành phố Hồ Chí Minh, một tình nguyện viên của đội, đã cùng các bạn đỡ đẻ trong nước mắt. Áp lực quá lớn đè nặng lên cô sinh viên vì nếu không cầm được máu, người phụ nữ sẽ chết. Sức khỏe người mẹ lại quá yếu nên không thể chở bằng xe máy ra bản ngoài. Quanh khu vực này cũng không có trạm y tế, muốn cấp cứu phải đi đường rừng mất một ngày. Vận dụng tất cả kiến thức được học, Long đã cố gắng cầm máu và sơ cứu cho sản phụ.

2h30ph sáng, bạn Đông, thành viên của đoàn mới đi được ra bản Dộ và gọi điện về cho quân y của đồn biên phòng. Rạng sáng ngày 23, các tình nguyện viên của Hope cùng đoàn y bác sĩ đã vượt cơn mưa, mang theo nỗi lo lắng và cả sự mạo hiểm tính mạng để tiến vào bản Lòm. Bởi thời tiết đang vào mùa mưa, nước suối dâng cao và chảy rất xiết.

Căn lều cô Phùng dùng để đẻ nằm bên bờ suối

Qua 70 cây số đường rừng, đoàn y bác sĩ đã đến nơi và cấp cứu kịp thời. Một bác sĩ cho biết: "Thật may có em Long sơ cứu kịp, cầm được máu nên cô ấy mới sống sót. Hiện sản phụ đã qua cơn nguy kịch nhưng sức khỏe còn rất yếu".

Tuy nhiên, sản phụ không dám ăn thịt cá mà chỉ ăn cơm, cháo trắng hoặc bồi (món ăn địa phương làm từ ngô xay) với muối. Dù các tình nguyện viên có thuyết phục thế nào cô cũng không chịu ăn đồ ăn khác, vì sợ trái phong tục.

Lúc này, cả đoàn mới có điều kiện hỏi han và biết được cô ấy là Hồ Thị Phùng đã nằm tại lán từ 4h chiều cho đến khi được tìm thấy. Hiện tại cô có 9 đứa con. Thường ngày, cô lên rừng làm nương, chồng ở nhà xay ngô và chăm con. Do sống trong môi trường không sạch sẽ, gia súc được nuôi ngay gầm nhà sàn, trẻ con không được tắm giặt thường xuyên nên hầu như ai cũng bị ghẻ. Muốn đến trạm y tế phải đi mất một ngày, bỏ một ngày làm nương nên không ai muốn đi, bệnh nhẹ cũng thành bệnh nặng.

Do thiếu hiểu biết nên phụ nữ ở đây thường sinh rất nhiều con

Môi trường sống không sạch sẽ nên những đứa trẻ thường xuyên mắc bệnh giun, ghẻ...

Ở đây, các biện pháp tránh thai luôn bị coi nhẹ bởi tâm lý có nhiều con thì nhiều lao động, càng dễ kiếm cái ăn và càng nhận được nhiều hỗ trợ. Vì thế, cái đói, cái nghèo cứ đeo đẳng mãi không thôi.

Hiện cô Phùng và 9 đứa con đang được các thành viên tình nguyện chăm sóc. Tuy nhiên, tại bản Lòm, những hoàn cảnh như cô Phùng không phải là chuyện hiếm. Gần như 100% các hộ gia đình đều có người mắc bệnh ghẻ, giun… Tình nguyện viên của đoàn đi vào khám bệnh và tuyên truyền, thầy cô giáo dạy học cho học sinh tại điểm trường này, cầm tay học sinh tập viết cũng bị lây bệnh.

Ngày 28/7 này CLB tình nguyện Hope sẽ phối hợp với các bác sĩ bệnh viện huyện Minh Hóa, trạm y tế xã Trọng Hóa và trạm quân – dân y tại bản Ra Mai để khám, chữa bệnh và phát thuốc miễn phí. Số lượng người cần được giúp đỡ khá đông, ban tổ chức rất cần thêm thuốc, thêm tiền để giúp đỡ bà con nơi đây. Rất mong nhận được sự ủng hộ từ các tấm lòng nhân ái, góp phần cứu một tính mạng, xây một tương lai.