Đổi mới ở tất cả các bậc học và ngành học

Ngành Giáo dục sẽ chuyển từ việc dạy và học chủ yếu truyền thụ kiến thức một chiều từ thầy sang trò sang phương pháp giáo dục mới.

Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển tại Hội nghị quán triệt Nghị quyết 29, Hội nghị TW 8 (Khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện GD & ĐT cho cán bộ đảng viên, giảng viên của Tập đoàn Dệt - May Việt Nam và Trường cao đẳng Công nghiệp Dệt – May thời trang Hà Nội vào sáng nay (6/4).

Theo Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, những năm gần đây, chất lượng giáo dục đã có nhiều chuyển biến tích cực và đạt được nhiều thành tựu quan trọng so với trước đây. Nhưng so với yêu cầu thực tiễn thì chưa đáp ứng được với quá trình hội nhập và phát triển.

Chính vì vậy, Thứ trưởng khẳng định: Nghị quyết 29, Hội nghị T.Ư 8 (Khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện GD & ĐT có ý nghĩa quan trọng nhằm tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo; đáp ứng ngày càng tốt hơn công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và nhu cầu học tập của nhân dân.

Giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; yêu gia đình, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào; sống tốt và làm việc hiệu quả.

Xây dựng nền giáo dục mở, thực học, thực nghiệp, dạy tốt, học tốt, quản lý tốt; có cơ cấu và phương thức giáo dục hợp lý, gắn với xây dựng xã hội học tập; bảo đảm các điều kiện nâng cao chất lượng; chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế hệ thống giáo dục và đào tạo; giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa và bản sắc dân tộc. 

Phấn đấu đến năm 2030, nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực.

Thứ trưởng cũng cho biết: Ngành Giáo dục sẽ chuyển từ việc dạy và học chủ yếu truyền thụ kiến thức một chiều từ thầy sang trò sang phương pháp giáo dục mới nhằm hình thành năng lực và phẩm chất của con người lao động mới.

Sự đổi mới lần này, cách thiết kế chương trình và tổ chức biên soạn SGK mới sẽ có sự thay đổi lớn, với nguyên tắc: Tích hợp cao ở lớp và cấp học dưới; Tự chọn và phân hóa cao ở lớp và cấp học trên.

Cách thiết kế này cho phép lựa chọn có chủ đích trong khối kiến thức rất lớn, rất phong phú của các lĩnh vực khoa học những nội dung phù hợp với lứa tuổi (tâm lý, kỹ năng, nhận thức…) của học sinh phổ thông, gần với cuộc sống, thiết thực tham gia vào quá trình hình thành phẩm chất và năng lực của người lao động mới.

Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo là đổi mới những vấn đề lớn, cốt lõi, cấp thiết, từ quan điểm, tư tưởng chỉ đạo đến mục tiêu, nội dung, phương pháp, cơ chế, chính sách, điều kiện bảo đảm thực hiện; 

Đổi mới từ sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lí của Nhà nước đến hoạt động quản trị của các cơ sở giáo dục, đào tạo và việc tham gia của gia đình, cộng đồng, xã hội và bản thân người học; Đổi mới ở tất cả các bậc học và ngành học.