Xét cho cùng, chả có gì mới. Vì thực chất nó quay lại... cái cũ, ngày xưa!
Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia đã kết thúc cách đây ít lâu. Phụ huynh, học sinh, các thầy cô, các trường có học sinh dự thi, cả tháng phấp phỏng hồi hộp... chờ kết quả. Cuộc thi nào chẳng thế.
Quay lại... cái cũ
Nhưng năm nay ruột họ nóng hơn nhiều. Chẳng là năm nay, theo quy chế mới, thí sinh đoạt giải sẽ lại được tuyển thẳng vào đại học. Họ càng nóng lòng hơn vì nghe phong thanh có vài chuyện hơi bị... lình xình trong quá trình tổ chức thi: Nhiều thầy (cô) sau nhiều ngày mải miết luyện thi các đội tuyển, chưa kịp nghỉ, lại được triệu tập tham gia Hội đồng ra đề (trước Tết Nhâm Thìn). Xong Tết, lại được triệu tập chấm. Rồi chấm phúc khảo... vì hình như có chuyện (?).
Để khuyến khích học sinh giỏi, Bộ GD và ĐT chủ trương học sinh đoạt giải được "đặc cách" tuyển thẳng vào đại học.
Xem ra, cái quy định đoạt giải sẽ được tuyển thẳng vào đại học, một chủ trương tốt nhưng đã làm xảy ra không ít chuyện mà người ta gọi là tiêu cực.
Kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia được tổ chức từ mấy chục năm nay. Để khuyến khích học sinh giỏi, Bộ GD và ĐT chủ trương học sinh đoạt giải được "đặc cách" tuyển thẳng vào đại học. Nhưng rồi, từ thực tế, không ít học sinh học lệch, và nhiều ý kiến phản đối qua các hội thảo, khiến cho Bộ đi tới quyết địnhh bỏ quy định "đặc cách" tuyển thẳng.
Chẳng rõ, chủ trương này đã dẫn đến hệ lụy nào, có phải chất lượng học sinh giỏi thấp hơn trước không? Hoặc học sinh giỏi không có động cơ thi "quốc gia" nữa, để dồn sức luyện thi đại học không, mà năm nay Bộ lại có quy định mới- tuyển thẳng học sinh đoạt giải vào ĐH.
Xét cho cùng, chả có gì mới. Vì thực chất nó quay lại... cái cũ, ngày xưa!
Bộ GD và ĐT là cơ quan quản lý Nhà nước, nơi đề xuất các chính sách. Mà chính sách cứ thay đổi xoành xoạch như thời tiết. Sáng đúng, chiều sai, sáng mai lại... đúng. Mệt quá!
Nhưng cái sự thay đổi xoành xoạch để cuối cùng, quay trở lại cái chủ trương cũ đã từng ban hành, khiến con người ta không thể không đặt câu hỏi- tại sao?
Liệu có công bằng?
Kết quả các kỳ thi hàng năm chắc chắn vẫn còn được Bộ GD và ĐT lưu giữ. Những ai quan tâm hoặc liên quan đều đã hơn một lần ngạc nhiên vì kết quả thi. Môn Ngoại ngữ là một ví dụ: Đội tuyển các trường chuyên ở Hà Nội điểm thường thấp hơn các địa phương. Nhiều năm, nhiều địa phương được coi như vùng sâu vùng xa, nhưng kết quả lại rất ngoạn mục (?)
Thi học sinh giỏi các cấp (địa phương, quốc gia), thi tuyển đại học có gì khác nhau? Câu trả lời quá rõ, vì nội dung, mục đích của hai cuộc thi hoàn toàn khác nhau.
Thi học sinh giỏi để chọn ra học sinh giỏi của một môn học (Văn, Sử, Địa, Toán, Lí, Hóa, Sinh, tiếng Anh, tiếng Pháp...). Mục đích: Chọn người giỏi để tiếp tục bồi dưỡng, để thi quốc gia, quốc tế, để tôn vinh, để động viên người học, người dạy...
Thi tuyển đại học gồm ba môn bắt buộc (theo từng khối thi). Thí sinh phải đạt điểm chuẩn của trường họ đăng ký dự thi mới được vào học.
Như vậy, không phải học sinh nào cũng có thể "nhảy" vào cuộc thi học sinh giỏi. Không phải tất cả học sinh đoạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi đều có thể cả quyết thi đỗ trong kỳ thi tuyển sinh ĐH.
Tương tự, không phải tất cả học sinh học hết chương trình phổ thông (lớp 12) đều được đăng ký dự thi vào ĐH. Phải có bằng tốt nghiệp PTTH, thi ba môn, theo khối thi... Để trúng tuyển, học sinh phải đạt trình độ khá, giỏi ở cả ba môn thi.
Lấy kết quả thi học sinh giỏi (một môn) thay vì phải thi ba môn vào đại học, liệu có công bằng?
Thêm nữa, thi học sinh giỏi quốc gia, nhưng các Hội đồng thi lại tổ chức tại các địa phương. Nhiều chuyện lùm xùm đã có. Học sinh đoạt giải, được vào thẳng đại học, không ít em đã bộc lộ khả năng thực "rất có vấn đề" trong kỳ sát hạch trình độ của trường đại học để xếp vào lớp "cử nhân chất lượng cao".
Có lẽ vì những chuyện vừa kể ở trên, nên mấy năm gần đây, Bộ GD và ĐT đã điều chỉnh chính sách vào thẳng ĐH đối với những học sinh đoạt giải học sinh giỏi quốc gia (không được quyền vào thẳng đại học, chỉ được cộng điểm khuyến khích)
Chúng tôi nghĩ, sự điều chỉnh này là đúng. Thế mà, nay, lại trở lại "ngày xưa" là vì sao? Chẳng nhẽ, đèn cù cứ mãi chạy vòng quanh thế ư?
Và nhiều hệ lụy, nhiều yếu tố tiêu cực liệu lại có cơ hội tái sinh, phát triển không?