Độc đáo tục lệ “mua đầu, bán rể”

Với người dân tộc Cao Lan (xã Đèo Gia, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang), tục “mua đầu, bán rể” vẫn luôn là một nét đặc trưng độc đáo được trân trọng, gìn giữ.

Muốn lấy vợ, phải ở rể

Theo lời giới thiệu của anh Lãnh Văn Tập (Phó Giám đốc Trung tâm văn hóa – Thông tin huyện Lục Ngạn), xã Đèo Gia phần lớn là địa bàn sinh sống của người Cao Lan. Sống ở vùng sơn cước xa xôi, bà con dân tộc vẫn giữ được những tập tục có từ hàng trăm năm. Ông Chung Văn Thảo (66 tuổi, cán bộ văn hóa xã Đèo Gia) cho biết: “Ngày trước, đàn ông ở Đèo Gia muốn lấy vợ phải chấp nhận cuộc sống đi ở rể. Tục có từ hàng bao đời và đến ngày nay nó vẫn còn tồn tại đối với người dân tộc Cao Lan”.

Theo lời giải thích: tục đàn ông đi ở rể hay còn gọi là tục “mua đầu, bán rể”. Các chàng trai khi đi hỏi vợ phải mang theo một cân thịt, hai gói kẹo và một lít rượu đến nhà gái để đặt “vấn đề” tìm hiểu. Sau buổi nói chuyện, nếu cô gái đồng ý kết tóc se duyên, nhà trai khi đó sẽ sắm lễ mang qua nhà gái. Lễ này phải có đúng 42 chiếc bánh giầy theo tập tục quy định, ngoài ra nhà trai sẽ mang 60kg thịt móc hàm, tiền cưới tới để xin phép cưới cô gái. “Đi hỏi cưới ngày trước rườm rà như vậy, chứ bây giờ mọi thứ đều quy ra tiền cho nhanh chóng. Sau đám cưới cũng là lúc chàng trai phải tới nhà vợ để ở”, ông Thảo cười khà khà.

Cũng theo ông, người Cao Lan ở Đèo Gia tuy kinh tế còn khó khăn nhưng lễ cưới của họ tổ chức rất linh đình, bà con trong bản nô nức tới chúc mừng. Nhà chủ tiếp khách và chia sẻ ngày vui bằng cách mời khách ăn uống no say mấy ngày mấy đêm. Nếu nhà cô dâu không có con trai nối dõi tông đường, người tới ở rể sẽ phải ở hẳn. Ngược lại, nếu nhà cô dâu có con trai, chàng rể chỉ phải ở vài năm hoặc khi nào người vợ mang thai sẽ được phép đưa vợ con về nhà mình.

“Dù ở rể hẳn hay một vài năm thì các chàng rể Cao Lan không phải sang họ giống một số dân tộc khác như Nùng, San Chí”, ông Thảo chỉ ra điểm khác biệt. Nói rồi ông trầm ngâm: “Chàng rể sinh ra trong gia đình khá giả chỉ cần ở rể khoảng một hoặc hai năm là có thể đưa vợ về nhà. Nhưng nếu gia đình nghèo, họ sẽ ở lại bên nhà vợ thêm vài năm. Bản thân tôi từng đi ở bên nhà vợ 5 năm liền vì nhà quá đông anh em và nghèo túng”.

Anh Tập vốn có thời gian dài sống và công tác ở Đèo Gia cười tủm tỉm chia sẻ thêm: “Người đàn ông đến nhà vợ ở rể, họ cũng được nhiều cái lợi. Mọi phí tổn để lo lắng cho đám cưới đều được nhà gái “gánh vác” giúp. Thậm chí, chuyện thách cưới nhiều hay ít, nhà trai đều có quyền quyết định và yêu cầu nhà gái đáp ứng. Họ quan niệm, trong thời gian ở rể, chàng trai sẽ làm ra nhiều của cải cho nhà vợ. Bởi vậy, nhà gái rất “thoáng” và để nhà trai thách cưới”.

Tục ở rể xuất hiện ở một số dân tộc thiểu số vùng cao

Một thời “khốn khổ” vì được nhà vợ cho về

Ông Thảo chia sẻ: “Tục mua đầu, bán rể của người Cao Lan ngày nay có phần đã thoáng hơn trước. Trường hợp nhà vợ không có con trai, nếu một trong các chàng rể thuận ý ở hẳn, có ý muốn trông nom, hương khói cho gia tiên nhà vợ, thì những chàng rể khác chỉ cần ở vài ba năm là có thể đưa vợ con về nhà mình”.

Trường hợp ông Thảo lại rất đặc biệt. Là con cả trong gia đình có tám người con, năm 18 tuổi, ông trở thành cán bộ văn hóa, tuyên truyền trong xã, hàng ngày đi khắp các thôn bản trong xã để tuyên truyền cái hay, cái tốt đến dân bản. Trong thời gian này, ông bắt đầu để ý rồi thầm thương trộm nhớ một cô gái cùng bản. Nhưng hoàn cảnh éo le khi nhà cô gái không có con trai, cô ấy lại là con cả. Ông Thao lo phải ở rể hẳn không thể thờ cúng tổ tiên nhà mình nên chần chừ mãi không dám ngỏ lời, dù biết cô cũng có tình ý với mình.

“Hiểu được nỗi lòng của tôi, ban đầu mẹ tôi khuyên nên tìm một cô gái khác cưới làm vợ cũng được. Nhưng thấy tôi không mở lòng được với ai nên cuối cùng cả gia đình họp lại và đành lòng quyết định để tôi qua đó ở”, ông Thảo xúc động kể.

Ông tâm sự tiếp, cuộc đời luôn gặp nhiều may mắn khi có gia đình làm chỗ dựa, hiểu và thông cảm. Khi đến nhà vợ ở rể, ông thấy mình còn gặp nhiều may mắn hơn. “Gia đình vợ tôi có 5 chị em gái. Đồng nghĩa với việc sẽ có 5 anh chàng rể đến ở. Tôi là rể lớn nên kiêm trọng trách rất nặng nề: nào là người đứng đầu trong gia đình, lo toan công việc, bảo ban các em, thờ cúng ông bà tổ tiên nhà vợ…”. Là người hiểu biết nên trọng trách nào ông Thảo cũng đều hoàn thành tốt, chính vì vậy lại được anh em trong nhà nể nang, kính trọng. Tuy nhiên, ông ngày càng buồn chán vì không thể lo chu toàn, làm tròn trọng trách con cả với gia đình nhà mình.

“Nỗi khổ tâm đó của tôi được cậu em rể thứ hai hiểu được. Vì quý tôi và không muốn tôi phờ phạc suy nghĩ nhiều, cậu ấy lặng lẽ họp riêng gia đình vợ lại bàn cách giúp tôi”, ông kể. Điều không ngờ là chính người em rể đó đã tự nguyện thay ông đảm nhận trọng trách nặng nề cho nhà vợ. Cũng chính gia đình nhà vợ lại đồng ý để ông đưa vợ con về nhà. Lúc ấy, ông đã ở rể được 5 năm. “Từ trước tới nay dân tộc tôi chưa có chuyện đi ở rể hẳn mà được nhà vợ cho về, trường hợp của tôi là đầu tiên. Nhưng ngày đó, đi đâu tôi cũng bị họ đàm tiếu vì thế”, ông lão cười.

Chuyện ông Thảo được nhà vợ đồng ý cho về đã trở thành chủ đề bàn tán của bà con dân bản suốt một thời gian dài. Người không hiểu thì cho rằng ông ăn ở không tốt, “cái bụng” muốn tìm thêm một bà vợ nữa nên mới bị nhà vợ đuổi về. Người hiểu chuyện tỏ vẻ cảm phục ông và gia đình nhà vợ. Tuy vậy, với sự va chạm cùng hiểu biết và bản lĩnh của người cán bộ, ông Thảo dần dần lấy lại tình cảm yêu mến của bà con dân bản. “Họ không còn tỏ thái độ miệt thị tôi nữa. Sau này tục mua đầu, bán rể của chúng tôi cũng không còn quá khắt khe. Nhà vợ có chàng rể đi ở hẳn mà muốn về nhà mình, chỉ cần có người tự nguyện gánh vác thay và được sự đồng ý của nhà vợ là được”, ông Thảo nói.

Tổ tiên nội, ngoại được chung bàn thờ

Nhìn sang bà vợ, ông lão nghiêm trang cho biết, dù được về thờ cúng ông bà tổ tiên mình, song khi cha mẹ vợ mất, ông bàn với vợ đem bàn thờ họ về thờ cùng gia tiên nhà mình. “Người Cao Lan không cấm con rể thờ cha mẹ vợ nhưng khi con rể mất đi đồng nghĩa với việc thờ cúng này không được phép duy trì ở nhà chàng rể nữa”, ông chạnh lòng.

Chia sẻ thêm về chuyện thờ cúng của dân tộc Cao Lan, anh Tập cho biết: “Tục thờ cúng vốn được người Cao Lan vô cùng xem trọng. Tuy nhiên, họ chỉ thờ tới hai đời là không thờ nữa. Cụ thể, con chỉ thờ cúng đời bố, đời ông mình, còn những đời trên bố, trên ông họ không thờ tiếp”.

Theo anh Tập, tục mua đầu, bán rể của người Cao Lan ở Đèo Gia không còn phổ biến nhiều như trước, nhưng để giữ gìn tập tục lâu đời này của bà con dân tộc, các cán bộ văn hóa như anh vẫn không quản ngại đường xá xa xôi đến bản với mong muốn dựng lại một đám cưới của người Cao Lan. Anh chia sẻ: “Chúng tôi sẽ kết hợp với dân bản, tổ chức lại một đám cưới theo tục mua đầu, bán rể từ đầu chí cuối để góp phần làm tăng thêm nét văn hóa của người Cao Lan. Vào cuối năm 2013, họ mới được công nhận là một dân tộc đúng nghĩa, coi như đây cũng là một món quà chúng tôi muốn gửi gắm tới họ”.