Ngành dân số cũng đang nỗ lực vào cuộc, đồng thời xúc tiến xây dựng Luật Dân số nhằm giải quyết các “nút thắt” đang vướng phải, song có vẻ các giải pháp đưa ra vẫn thiếu khả thi…
Không khéo phản tác dụng!
Vấn đề “nóng” nhất về công tác dân số vài năm trở lại đây chính là tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đang diễn ra rất trầm trọng, khiến cho nguy cơ thừa nam thiếu nữ đã hiển hiện trong tương lai gần. Để hạn chế tình trạng này, mới đây Bộ Y tế đã trình Chính phủ Đề án kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2013-2020. Trong hàng loạt giải pháp mà đề án này nêu ra, đáng chú ý có giải pháp về việc hỗ trợ kinh phí cho các gia đình sinh con một bề là gái với mức kinh phí mà Đề án đề xuất hỗ trợ lên tới 3.000 tỷ đồng.
Tổng Cục trưởng Tổng cục DS - KHHGĐ (Bộ Y tế), ông Dương Quốc Trọng cho rằng, để hạn chế tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh thì giải pháp thiết thực nhất, quan trọng nhất và bền vững nhất vẫn là tuyên truyền, vận động, giáo dục nhằm thay đổi quan niệm, hành vi của người dân. Nhưng do tư tưởng thích con trai đã nằm trong ý thức và việc thay đổi nhận thức, chuyển đổi hành vi này cần có thời gian chứ không thể một sớm, một chiều nên cần có nhóm giải pháp thứ hai là khuyến khích, hỗ trợ kinh tế cho những người sinh con một bề là nữ. Việc hỗ trợ kinh tế chỉ là giải pháp mang tính tình thế. Khi ổn định, không còn tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh thì không cần dùng đến giải pháp này nữa.
Tuy vậy, trong giới chuyên gia đã xuất hiện nhiều ý kiến với những nghi ngờ về tính khả thi của nhóm giải pháp này. Nhiều ý kiến cho rằng, giải pháp này đôi khi sẽ bị hiểu thành sự an ủi, vỗ về với các gia đình sinh hai con gái, trở thành tác dụng ngược. GS.TS Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Dân số và các vấn đề xã hội cho rằng, giải pháp này rất khó hiệu quả. Đặc biệt, 3.000 tỷ đồng là một con số không nhỏ trong tình hình kinh tế đất nước đang khó khăn như hiện nay, và nếu số tiền này sử dụng không hiệu quả sẽ gây ra sự lãng phí quá lớn.
Liệu có khuyến sinh?
Như đã nói, trong suốt 20 năm qua, chính sách dân số ở nước ta vẫn luôn kiên trì với mục tiêu giảm sinh. Tuy nhiên hiện nay, công tác dân số đã thay đổi rất nhiều, khó khăn cũng chồng chất hơn, không phải chỉ đương đầu với một “gánh nặng kép” mà là cùng lúc phải xử lý, giải quyết nhiều “gánh nặng kép” đang đặt ra. Nếu như ở nhiều địa phương vẫn đang phải kiên trì theo đuổi chính sách giảm sinh thì ngược lại, một số khu vực mức sinh đã giảm xuống quá thấp, có thể phải tính toán đến mức khuyến sinh.
Chẳng hạn, một số địa phương như TP Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông, miền Tây Nam bộ mức sinh đã ở xung quanh mức 1,5 - 1,6 con, nghĩa là trung bình một cặp vợ chồng chỉ sinh chưa đến 2 con. Thậm chí, ở TP Hồ Chí Minh, mức sinh đã giảm từ 1,45 con (năm 2009) xuống còn 1,3 con vào năm 2011. Nếu không có chính sách để duy trì cơ cấu dân số hợp lý thì không lâu nữa, tại các địa phương này chắc chắn sẽ xảy ra tình trạng thiếu nguồn nhân lực, người già chiếm số đông và không có người lao động.
Về vấn đề này, ông Dương Quốc Trọng cho biết, trong điều kiện hiện tại Bộ Y tế sẽ không đưa ra chính sách giảm sinh mà chỉ tạm thời không giao chỉ tiêu giảm sinh cho những địa phương có mức sinh đã giảm xuống thấp hơn mức sinh thay thế. Chia sẻ kinh nghiệm của thế giới, bà Mandeep K. O’Brien, Quyền trưởng Đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam cần có giải pháp thích ứng từng vùng, miền đặc biệt là các tỉnh, thì mới đáp ứng được sự phát triển hài hòa và tương đối đồng đều giữa các vùng miền. Mặt khác, Luật Dân số mà Việt Nam đang xúc tiến xây dựng cần phải giải quyết các cơ hội và thách thức của việc chuyển đổi nhân khẩu học nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho tất cả mọi người.