Doanh nghiệp thay đổi để vượt bão

Khủng hoảng mang lại những bất lợi không thể phủ nhận cho nền kinh tế, đi kèm với rất nhiều những đổ vỡ và phá sản của các DN. Tuy nhiên, các học thuyết kinh tế cũng chỉ ra, khủng hoảng chính là cơ hội thực sự cho các Cty có năng lực trên thị trường.

Tại phiên “DN thay đổi để vượt bão” các chuyên gia kinh tế đã khẳng định:
trước tiên phải trụ lại thị trường để chờ cơ hội bứt phá

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện đã có gần 49.000 DN giải thể, phá sản, ngừng hoạt động hoặc ngừng nộp thuế. Như vậy, bình quân một quý có trên 12.000 DN giải thể, phá sản, ngừng hoạt động, ngừng nộp thế. Với tốc độ này, dự báo cả năm 2011, số DN lâm vào tình trạng trên có thể chiếm tới 10% trong tổng số 600.000 DN của cả nước, gây tác động lớn tới tình hình kinh tế - xã hội.

Đầu tư chiều sâu: bắt đầu từ “chất xám”

Cắt giảm chi phí, cắt giảm nhân công, tận dụng vốn từ gia đình - người thân, thu hẹp sản xuất, bỏ nghề tay trái, quản trị lại bộ máy, tái cấu trúc DN... Mỗi Cty có một cách thực hiện phù hợp nhất với khả năng, thích ứng với khó khăn riêng, đó là cách hàng loạt DN đang nỗ lực để vượt khó. Tuy nhiên, điều đáng nói các DN VN đang “gồng” mình để trụ lại và tìm hướng phát triển mới.

Theo ông Võ Tấn Dũng - Tổng giám đốc Cty TNHH Xây dựng, thương mại và vận tải Phan Thành, trước khó khăn chung của nền kinh tế, DN nào cũng bị ảnh hưởng. Ông Dũng cho biết, tác động của lạm phát, chính sách thắt chặt tiền tệ của Chính phủ, lãi suất cho vay ở mức cao... khiến tình hình sản xuất, kinh doanh của DN bị ảnh hưởng đáng kể, doanh thu giảm khoảng 10% do sức tiêu thụ của thị trường giảm, sản lượng giảm khoảng 30% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, ông Dũng cho biết, DN của ông vẫn không cắt giảm đầu tư hoặc có cắt giảm cũng rất ít, đồng thời đưa ra nhiều phương pháp điều hành linh hoạt, nâng cao chất lượng sản phẩm". Ông Dũng cho rằng, tuy khó khăn rất nhiều nhưng DN vẫn có thể vượt qua được nếu biết cách nắm bắt nhu cầu thị trường và thị hiếu người tiêu dùng để tập trung sản xuất các sản phẩm mới, có tính cạnh tranh cao. Hiện, Phan Thành đang đầu tư sản xuất sản phẩm sạch, thân thiện với môi trường, song yếu tố quan trọng nhất vẫn là con người, DN tồn tại và hơn nhau ở chỗ đào tạo được đội ngũ nhân viên, lao động thạo việc, có nhiều sáng tạo để đưa "chất xám" vào sản phẩm.

Đồng quan điểm trên, ông Hoàng Đức Hùng – Phó TGĐ Cty TNHH Ernst & Young VN cũng cho rằng, không ít các DN đang đứng trước bờ vực phá sản nhưng vẫn có nhiều DN không ngừng nỗ lực, tái cơ cấu một số khâu yếu kém trong sản xuất, kinh doanh để trụ lại trong gian khó". Nhiều DN thường xuyên trao đổi thông tin về thị trường, hoạt động sản xuất và hỗ trợ nhau xoay vòng vốn, trao đổi hàng hóa với DN bạn để tiết kiệm chi phí.

Các chuyên gia kinh tế phân tích, lãi suất cho vay của các ngân hàng lên đến trên 20%/năm, đồng nghĩa với việc DN rất vất vả trong sản xuất, kinh doanh và phải mất ít nhất 3 - 4 năm mới mong thu hồi vốn. Nếu tình trạng này kéo dài và không có chính sách hỗ trợ thiết thực thì chắc chắn nhiều DN sẽ tiếp tục lao dốc. Tuy nhiên, đây cũng là dịp để DN tự nhìn lại mình và cơ cấu lại bộ máy của đơn vị cho phù hợp. DN muốn vượt thách thức thì phải giữ vững “tay chèo” từ sự vận động tự thân và phải luôn phát huy sự sáng tạo.

Quản lý dòng tiền: không phải để trong két

Để trụ lại trên thị trường và chờ cơ hội bứt phá, theo lời khuyên của chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, trước hết, DN cần lưu ý đến việc lưu chuyển tiền tệ trong ngắn hạn. Lúc này, phải tính đến hiệu suất của DN, cụ thể một đồng tài sản thì sẽ tạo ra bao nhiêu phần trăm hiệu quả. DN có thể làm tăng hiệu suất đó bằng cách giảm hàng tồn kho và quản lý dòng vốn tốt. Như vậy, DN buộc phải cắt giảm tối đa những chi phí không cần thiết, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn nhưng quan trọng hơn là tìm kiếm những giải pháp tài chính nhằm xoay vòng vốn nhanh và sinh lợi tối đa. Ông Lực khẳng định, vấn đề ngắn hạn DN phải đối mặt lúc này là quản lý dòng tiền. Vì, vòng quay của tiền mặt rất quan trọng. Dù DN có rất nhiều tài sản, giá trị của Cty rất lớn, nhưng hàng tồn kho không bán được, nợ khách hàng chưa thanh toán... thì không có tiền mặt để trang trải các chi phí hàng ngày, hàng tháng như tiền điện, nước, tiền lương.

Tuy nhiên, cũng theo TS Lực, quản lý dòng tiền cũng không phải để tiền nằm trong két Cty. Tiền đang nằm ngoài thị trường, ở công nghệ, khách hàng, ở cả đối thủ cạnh tranh, nơi người tiêu dùng... Do vậy, DN cần đưa sản phẩm gì ra thị trường, thu về bao nhiêu lợi nhuận mới là điều quan trọng. Vì bất kỳ một tài sản nào, cái bàn, cái ghế, một sản phẩm, kể cả nhân viên chẳng hạn không tạo ra giá trị hay lợi nhuận nào thì cần xem lại. Trong lúc này, bất kỳ một đồng tài sản nào bỏ ra cũng phải tạo ra lợi nhuận – ông Lực chia sẻ.

Ông Nguyễn Quang Vinh – Giám đốc Văn phòng DN vì sự phát triển bền vững có chia sẻ, để quản lý được dòng tiền trong hoạt động của DN thì DN phải có ngân quỹ bao nhiêu và sử dụng như thế nào để tạo ra thanh khoản. Ở đây, vai trò của người quản lý tài chính trong DN rất quan trọng. Ông Vinh ví von, việc quản lý tài chính trong DN như người mắc nhiều chứng bệnh nặng cùng lúc, điều quan trọng nhất đối với bác sĩ điều trị là làm sao để bệnh nhân sống được cái đã, những việc khác tính sau. DN cũng vậy, phải tồn tại được, sau đó mới tính đến những vấn đề khác. Do vậy, phải làm sao để lợi nhuận không chỉ là lấy doanh thu trừ đi chi phí mà còn phải tính đến lợi nhuận trên chi phí cơ hội đã bỏ ra, bên cạnh đó còn phải tạo ra giá trị cộng thêm cho DN.

Ông Vinh cho biết thêm, trong tình hình khó khăn, nhiều DN muốn trấn an tinh thần nhà đầu tư bằng cách chia cổ tức cao, để chứng tỏ DN làm ăn có lãi. Tuy nhiên, DN cần đặt câu hỏi: Chia cổ tức cao có đồng nghĩa với sức khỏe tài chính DN đang tốt hay không? Một số Cty tạo cho ban giám đốc, nhân viên một môi trường làm việc thoải mái bằng cách đáp ứng những nhu cầu vật chất như máy tính, xe cộ... nhưng DN cần xem lại điều đó có đem lại hiệu quả hay không, vì nếu chi phí tăng nhưng doanh thu không tăng, lợi nhuận giảm thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe tài chính của DN – ông Vinh chia sẻ.

Sức khỏe tài chính DN phụ thuộc vào việc quản lý dòng tiền sao cho hiệu quả. Hãy làm cho vòng quay của dòng tiền nhanh hơn từ những khoản thu công nợ. Có thể tăng chiết khấu cho khách hàng để thu tiền về càng nhanh càng tốt. Càng tăng nhanh vòng quay hàng tồn kho thì hiệu quả mang lại càng lớn.

Thiết nghĩ, bên cạnh sự nỗ lực của bản thân, cộng đồng DN cũng rất cần sự đồng hành, chia sẻ khó khăn từ phía ngân hàng và những chính sách hỗ trợ của nhà nước. Được biết, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định giãn thuế cho DN một số ngành nghề sử dụng nhiều lao động, có hiệu lực từ 30/11/2011, hy vọng điều này sẽ góp phần gỡ khó cho DN, giúp họ vững vàng vượt qua "bão" suy thoái kinh tế.