Theo bảng tính giá cơ sở ngày 24/3 đăng tải trên website của Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (Vinpa), giá cơ sở (hình thành bởi giá nhập khẩu, thuế, phí… làm cơ sở tính giá bán lẻ) của mặt hàng xăng hiện cao hơn giá bán lẻ 194 đồng/lít, tức doanh nghiệp đang lỗ chừng đó.
Tuy nhiên, do đang được sử dụng từ quỹ bình ổn 300 đồng/lít theo quyết định điều hành của cơ quan quản lý hôm 19/3 nên tính ra, các đầu mối lại lời 106 đồng/lít. Đây là mức lời ngoài khoản lợi nhuận định mức mà các doanh nghiệp đang được tạm tính (150 đồng/lít).
Trong khi đó, giá cơ sở của mặt hàng dầu diesel và dầu hỏa đều đang thấp hơn giá bán lẻ, lần lượt là 153 đồng và 182 đồng/lít nên dù không được sử dụng quỹ bình ổn như mặt hàng xăng, các mặt hàng này vẫn đang lời bấy nhiêu. Phần lời này chưa tính đến khoản lợi nhuận định mức mà hai mặt hàng này đang được áp dụng 300 đồng và 150 đồng/lít.
Tương tự, mức lời ở mặt hàng dầu madut hiện là 72 đồng/kg.
Trao đổi với PV ngày 25/3, đại diện một đầu mối phía Nam cũng xác nhận thông tin trên. Theo vị này, do chu kỳ điều hành chưa tới (thường thời gian giãn cách giữa hai lần điều chỉnh giá là 10 ngày) nên vẫn chờ quyết định của các cơ quan quản lý. Tuy nhiên, "xét cho cùng" thì mặt hàng xăng và dầu hỏa cũng tạm hòa vốn vì hiện hai mặt hàng này chỉ được tạm tính lợi nhuận định mức 150 đồng/lít, thay vì tính đủ 300 đồng/lít như quy định.
Trở lại với số liệu cập nhật của Vinpa, tính từ ngày 19/3, thời điểm xăng tăng 180 đồng, dầu diesel tăng 70 đồng/lít đến nay, giá các mặt hàng xăng dầu thành phẩm có tăng có giảm.
Cụ thể, mặt hàng RON92 ở phiên giao dịch ngày 19/3 đạt mức 115,17 đô la Mỹ/thùng nhưng giảm xuống 114,29 đô la Mỹ/thùng ngay ngày hôm sau, 20/3. Và ở phiên giao dịch gần nhất, ngày 24/3, giá chốt ở mức 115,01 đô la Mỹ/thùng.
Tương tự, mặt hàng mặt hàng DO 0,05S và dầu hỏa cũng liên tục dao động với biên độ gần 1 đô la Mỹ/thùng. Ở phiên giao dịch hôm 24/3, DO 0,05S chốt ở mức 121,18 đô la Mỹ/thùng còn dầu hỏa là 119,41 đô la Mỹ/thùng.
Bảo dưỡng định kỳ Dung Quất, các đầu mối tăng nhập khẩu xăng dầu
Liên quan đến việc bảo dưỡng định kỳ của Nhà máy lọc dầu Dung Quất từ tháng 5 đến tháng 7 tới, các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối cho biết đã tăng cường nhập khẩu xăng dầu để bù đắp cho phần thiếu hụt từ đơn vị này.
Trao đổi với PV ngày 25/3, ông Trần Ngọc Năm, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho biết, do nhận được thông báo về kế hoạch bảo dưỡng của Dung Quất sớm nên đơn vị này đã lên kế hoạch bổ sung hàng bằng nhập khẩu.
Không nói cụ thể về các đơn hàng tăng cường nhưng ông Năm cho biết, Petrolimex có rất nhiều phương án nhập hàng, từ mua theo hợp đồng dài hạn đến mua giao ngay.
Ông Năm cũng cho rằng, do việc bảo dưỡng của Dung Quất nằm trong kế hoạch, không phải sự cố bất thường và các đầu mối không phải đặt hàng dồn dập với nhà cung cấp nước ngoài nên có thể yên tâm về giá.
Cũng theo ông Năm, mỗi năm Petrolimex mua từ Dung Quất từ 2,2 đến 2,5 triệu mét khốixăng, dầu các loại, chiếm tỷ lệ 25-30% trong tổng khối lượng hàng mà Petrolimex tiêu thụ hàng năm.
Tương tự, trưởng phòng kinh doanh một đầu mối phía Nam cũng cho biết, công ty này đã đặt hàng với nhà cung cấp nước ngoài cho đến tháng 6 để bù đắp phần thiếu hụt khi Dung Quất bảo dưỡng định kỳ. Tuy nhiên, lượng bổ sung là không quá lớn. Ông cho rằng, phụ phí của các đơn hàng này có thể sẽ tăng rất nhẹ so với bình thường.
Cũng theo vị này, hàng năm công ty ông mua từ Dung Quất từ 1 đến 1,1 triệu mét khối xăng, dầu các loại, chiếm tỷ lệ trên 30% tổng lượng hàng tiêu thụ.