Doanh nghiệp đầu tư cho bóng đá: Trụ được dù vẫn khó khăn

Trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn như hiện nay, khi mọi thứ đều đang được cắt giảm một cách tối đa, việc các doanh nghiệp không quay lưng lại với bóng đá mà vẫn tiếp tục đầu tư cho đội bóng của mình là một tín hiệu đáng mừng.

Thực tế cho thấy những doanh nghiệp còn trụ lại được với bóng đá Việt Nam cho đến thời điểm này đều là những doanh nghiệp có tiềm lực kinh tế tương đối vững mạnh và ổn định.

 

Trong báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh quý I năm 2012 của 5 doanh nghiệp đang tài trợ cho các CLB tham dự V-League 2012, có tới 4 doanh nghiệp có tỷ lệ tăng trưởng lợi nhuận sau thuế (LNST) so với cùng kỳ năm 2011 dương. Trong đó, tăng trưởng lớn nhất là Ngân hàng Sài Gòn Hà Nội (SHB) của bầu Hiển với tỷ lệ tăng trưởng 48%. Mới đây Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chấp thuận việc sáp nhập Ngân hàng TMCP Nhà Hà Nội (Habubank) vào SHB. Điều đó chắc chắn sẽ càng làm tăng thêm sức mạnh cho ngân hàng của bầu Hiển và sẽ là một tín hiệu đáng mừng đối với 2 đội bóng HN T&T và SHB.ĐN.

(*): Lợi nhuận sau thuế

(**): Tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2011

3 ngân hàng còn lại là Ngân hàng ACB (tài trợ cho CLB BĐ Hà Nội), Ngân hàng Nam Việt (tài trợ cho N.SG) và Ngân hàng Kiên Long (tài trợ cho K.Kiên Giang) cũng đều có mức tăng trưởng nhẹ so với quý I năm 2011: từ 5,29% đến 11,7%. Chỉ có tập đoàn HA.GL của bầu Đức là có LNST so với cùng kỳ năm 2011 giảm (-24,5%) từ 333,8 tỷ xuống còn 251,8 tỷ.

Thực ra hiện tượng các doanh nghiệp (như HAGL) có mức tăng trưởng giảm không phải là điều gì mới và quá khó hiểu. Chính vì thế trong thời gian gần đây, Ngân hàng Nhà nước đã liên tiếp ban hành các văn bản giảm tiếp các lãi suất điều hành như lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất qua đêm nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp.

Nguyên nhân là dù lãi suất huy động giảm và kéo theo mặt bằng lãi suất cho vay ưu đãi tại phần lớn các ngân hàng giảm theo nhưng lãi suất cho vay nhìn chung vẫn còn khá cao khiến các doanh nghiệp không tiếp cận được nguồn vốn của ngân hàng. Điều đó giải thích lý do vì sao kinh tế quý I/2012 gần như tăng trưởng âm, trong khi nhiều doanh nghiệp vẫn nằm nguyên trong tình trạng khó khăn cực độ, cho dù hàng loạt các chính sách đã được NHNN đưa ra.