Mổ xẻ nguyên nhân dẫn tới thất bại trên bên cạnh khó khăn về môi trường kinh doanh còn ở sự lệch hướng trong đầu tư của DN. Câu chuyện không chỉ ở Thái Hòa mà rộng hơn là cả ngành cà phê VN.
Chuyện của Thái Hòa
Năm 2011, Công ty mẹ Thái Hòa (THV) lỗ 120 tỉ đồng. Theo ông Nguyễn Văn An - Chủ tịch THV, Công ty lỗ lớn là do chi phí tài chính cao bất thường. Từ năm 2008-2011, tổng số tiền trả lãi của DN này khoảng 602,5 tỉ đồng, tăng trung bình 55%/năm. Trong khi đó, số vốn chủ sở hữu của Công ty chỉ đạt 550 tỉ đồng, không đủ để trả lãi vay.
Hoạt động theo mô hình khép kín từ trồng, chế biến và xuất khẩu cà phê, Thái Hòa đã đầu tư quá nóng với hơn chục dự án trong tay. Trong khi đó, Công ty đã quá mạo hiểm khi vay vốn ngắn hạn để đầu tư trung dài hạn. Khi lãi suất tăng vọt, cộng thêm biến động quá lớn trên thị trường xuất khẩu cà phê cuối năm ngoái giá từ 2.350 USD/tấn về 1.500 USD/tấn khiến Công ty bị đánh kép. Bí thế, THV chọn cách phát hành thêm hơn 30 triệu CP để huy động vốn từ cổ đông. Giá CP dưới mệnh giá, cộng thêm kết quả kinh doanh ảm đạm, đợt phát hành của Thái Hòa thất bại thảm hại khi chỉ bán được 60 cổ phần
Bên bờ vực phá sản, các chủ nợ của Thái Hòa là các ngân hàng đã buộc phải vào cuộc. Hai giải pháp được đặt ra, thứ nhất bán tài sản để trả nợ. Thái Hoà đã bán dự án cà phê tại Điện Biên cho Công ty quản lý nợ của của ngân hàng Hàng Hải và đang thỏa thuận bán tiếp dự án tại Lào. Công ty này cũng sử dụng nhà máy tại Buôn Ma Thuột làm tài sản đảm bảo phát hành trái phiếu vay vốn của Vietcombank.
Trước thềm ĐHCĐ của Thái Hòa, nhiều nhà đầu tư cho rằng, dù được cơ cấu nợ, năm 2012 tiếp tục là năm khó khăn của Công ty này khi lãi suất vay ngắn hạn từ đầu năm đến nay vẫn ở mức trung bình 20%/năm, cạnh tranh trong thu mua và xuất khẩu cà phê đang gay gắt khi các hãng nước ngoài có tiềm lực tài chính mạnh đang tranh thủ vào VN thu gom nguyên liệu. Thái Hòa sẽ phải thu hẹp quy mô hoạt động và ưu tiên cho các dự án hiệu quả, có nguồn thu ngay trước mắt thay vì dàn trải trong đầu tư. Nói gì thì nói, hiện thị trường chỉ đánh giá giá trị của Công ty còn 1/3 so với vốn điều lệ gần 600 tỉ đồng.
Ảnh minh họa
Không chỉ là doanh nghiệp cà phê
Vốn vay cao gấp 2-3 lần sức chịu đựng, đầu tư dàn trải chỉ là một mặt của câu chuyện khó khăn với DN cà phê Việt
Câu chuyện của Thái Hòa không phải trường hợp cá biệt, một đại gia khác là CTCP Đầu tư và xuất nhập khẩu cà phê Tây Nguyên (Vinacafe Buôn Ma Thuột), một "ông lớn" từng được Hiệp hội Cà phê thế giới xếp hạng là Công ty xuất khẩu đơn lẻ lớn nhất toàn cầu, cũng đang đối mặt với khoản nợ lên đến 2.000 tỉ đồng. Công ty này hiện hoạt động cầm chừng và theo lãnh đạo DN họ chỉ có thể hoạt động bình thường nếu lãi suất ngân hàng giảm xuống 10%.
Mới đây, câu chuyện của Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Minh An (Đắk Nông) đánh động dư luận khi họ có văn bản lên Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông, thông báo sẽ bán nhãn hiệu Coffee Đức Lập Minh An và Coffee Đức Lập Đăkmil cho một DN Trung Quốc với giá 18 tỉ đồng, nếu không được hỗ trợ cho vay vốn để trả nợ và phục hồi sản xuất.
Vốn vay cao gấp 2 - 3 lần sức chịu đựng, đầu tư dàn trải chỉ là một mặt của câu chuyện khó khăn với DN cà phê Việt, ở đầu kia, họ đang chịu sức ép lớn hơn từ các đối thủ nặng ký nước ngoài, giàu tiềm lực về vốn. Các DN FDI có lợi thế vốn lớn, được hưởng mức lãi suất cho vay tại nước sở tại thấp đã ào vào VN thông qua các đại lý bản địa thu mua cà phê để gom hàng. Hệ quả là khi giá cà phê xuất khẩu tăng mạnh trên thị trường thế giới, doanh nghiệp VN ngậm ngùi đứng nhìn vì không có hàng trong tay, thậm chí nhiều trường hợp không lường được cạnh tranh trong thu mua, ký hợp đồng giao xa trong khi không gom được hàng đã bị phạt hợp đồng rất lớn.
Việc các DN FDI tham gia thu mua cà phê nguyên liệu cho thấy thực tế cạnh tranh quyết liệt sẽ còn xuất hiện ở nhiều lĩnh vực và là cuộc chơi mang quy luật thị trường. Các DN trong nước phải tự cơ cấu lại mình, lượng sức theo hướng mèo nhỏ bắt chuột nhỏ để có thể chủ động trên sân nhà. Phát triển quá nóng, vượt khả năng quản trị và năng lực về vốn dẫn tới thua lỗ là bài học không mới nhưng nhiều DN cố ý hay vô tình “đi vào vết xe đổ”.