Nhìn con vật với hình thù kỳ quái này, ít ai biết được, từ ngàn xưa, dơi ngựa là một sản vật tiến vua của người dân Sài Sơn. Theo nhiều cụ cao niên sinh sống ở Chùa Thầy, trong "Đại Nam nhất thống chí", bốn thứ "dị phẩm" tiến vua của người Sơn Tây, dơi ngựa Sài Sơn được coi là sản vật hàng đầu.
Xuống hang lùng "biển bức"
Từ trung tâm Hà Nội, chạy xe khoảng hơn 10km dọc theo Đại lộ Thăng Long là đến chân núi Thầy. Đến nay, đến Chùa Thầy, ngôi chùa cổ hàng trăm năm tuổi, người ta vẫn còn truyền tai nhau về câu chuyện thiền sư Từ Đạo Hạnh thoát xác và đầu thai làm vua ở mảnh đất thiêng này. Các cụ cao niên trong làng kể lại, ở Chùa Thầy có một hòn đá trấn chùa, bất di bất dịch.
Nhiều lần trùng tu lại chùa, hòn đá vẫn được giữ nguyên, vì bên dưới hòn đá có lá bùa của Từ Đạo Hạnh. Nó có tác dụng chặn long mạch của vùng đất này, nếu như làm lệch hòn đá kia thì hậu họa sẽ rất khôn lường. Hòn đá bí ẩn là vậy, song bên cạnh đó là hàng loạt những bí ẩn về "cung cấm", về bộ xương của Từ Đạo Hạnh và câu chuyện đầu thai mang tính huyền thoại của vị thiền sư đầu tiên nơi đây.
Về nơi đây, ngoài những câu chuyện mang đầy màu sắc lịch sử huyền bí, chúng tôi còn được nghe người dân kể về loài dơi ngựa, một sản vật tiến vua nổi tiếng đất Bắc kỳ. Theo Sơn Tây tỉnh địa chí của Phạm Xuân Độ xuất bản năm 1941, bốn thứ quý của tỉnh Sơn Tây (cũ) là dơi ngựa Sài Sơn, cua kềnh Khánh Điệp, cá chép Cấn Xá, rau muống Linh Chiểu.
Trong đó, món biển bức của ngươi Sài Sơn luôn đứng đầu về độ ngon và quý hiếm. Tuy nhiên, thời nay, muốn được tận "mục sở thị" loại "dị thực" này không phải là điều dễ dàng. Bởi người dân nơi đây nói rằng, trong một ngàn con dơi đang ngụ ở hang Thần (hàng Cắc Cớ) thì chỉ có một con dơi ngựa. Việc nhìn thấy dơi đã hiếm chứ chưa nói gì đến việc được thưởng thức thịt của chúng. Tuy nhiên, vì tính tò mò, chúng tôi vẫn quyết thắp đuốc, xuống hang Cắc Cớ để thử vận may của mình.
Theo chân anh Nguyễn Văn Hoành (42 tuổi, người dân Sài Sơn, Quốc Oai), chúng tôi phải vượt qua 200 bậc đá, lên tới đỉnh chùa, qua một sườn đá thoai thoải nhưng trơn trượt, chúng tôi mới đến cửa hang. Hang Cắc Cớ sâu hun hút, lúc nào cũng đen ngòm như lọ mực. Để vào bên trong, chúng tôi phải thuê đuốc từ một người hơn 10 năm qua sống bằng nghề cho du khách thuê đuốc, đèn pin ở cửa hang.
Lợi dụng ánh đuốc, PV phải dò dẫm từng bước trên những bậc thang dựng đứng, lổn nhổn đá. Được biết, ở dưới cái hang sâu thăm thẳm kia là "một chiếc bể đựng" gần 4000 bộ xương người. Đó được cho là những hài cốt của đoàn quân Lữ Gia nước Nam Việt (thế kỷ thứ 2 trước công nguyên). Tuy nhiên, đến nay, chính các nhà khoa học vẫn chưa thống nhất quan điểm về kho xương khổng lồ này.
Trên đường đi, anh Hoành kể chuyện: "Tôi cũng may mắn được thưởng thức thịt của loài dơi ngựa. Sở dĩ người ta gọi nó với cái tên như thế là do hình dáng bề ngoài của dơi. Dơi ngựa núi Thầy rất to, có con to như một con chim ngói, béo múp. Chúng thường khoác lên mình bộ lông màu xám nhạt, mượt, dán lấy thân. Con nào, con nấy mặt nhìn giống hệt mặt ngựa, tai to và giống hệt tai ngựa, mắt to, thân dài, đặc biệt những con dơi ngựa đực có bộ phận sinh dục to, lủng lẳng giống như của loài ngựa.
Trước đây, tôi còn nhỏ cũng thấy mấy cụ đi săn dơi mang ra chợ bán. Tuy nhiên, việc bán, cho ai những người thợ săn cũng phải suy đi, tính lại rất nhiều. Nhưng bây giờ, đến nhìn thấy chúng đã hiếm chứ được thưởng thức sản vật tiến vua là việc khó". Theo lời kể của anh Hoành, hồi còn nhỏ, số người đánh bắt dơi ngựa không nhiều, có thể kể trên đốt ngón tay. Ngày xưa, làng Đa Phúc có cha con cụ Như Thư, cụ Bùi Tuấn, cụ Tấn Ngây, cụ Bếp Tám, cụ Ba Dậu, thường đánh bắt ở Hang Thần (Cắc Cớ); làng Thụy Khuê có cụ Tư Bùn, cụ Nguyễn Trọng Tuế, thường đánh bắt ở Hang Bò.
Càng đi vào sâu, nhiệt độ trong hang Cắc Cớ càng xuống thấp. Chúng tôi nối tiếp nhau đi qua bể xương rồi tiếp tục đi sâu vào động. Có những lúc phải lách mình qua những hốc đá, lúc lại gặp khoảng không gian rộng lớn như một hội trường, dưới chân lạo xạo cát, nước chảy róc rách. Anh Hoành bảo rằng, các cụ nói rằng, trong lòng hang có sông, suối, kho vàng... Nhưng chúng nằm ở vị trí rất sâu, đi cả ngày đường vẫn không chạm đáy. Trên đường đi, thỉnh thoảng chúng tôi nghe tiếng động vật vỗ cánh nháo nhác bay khi gặp đuốc nhưng anh Hoành bảo đó chỉ là dơi bình thường chứ không phải loại "biển bức" tiến vua mà PV đang đi tìm.
Dơi ngựa là một trong bốn "dị phẩm" tiến vua của người Sơn Tây (ảnh minh họa).
Kỳ công chế biến "dị phẩm" tiến vua
Theo lời anh Hoành, việc săn được loài dơi tiến vua này còn tuỳ thuộc vào duyên của người thợ săn. Trước đây, hồi còn thanh niên, có ngày anh bắt được đến 2 con nhưng có tháng đi miệt mài, về tay trắng. Săn dơi ngựa thường vào mùa rét, từ tháng 9 đến tháng Chạp âm lịch, khi có gió mùa đông bắc tràn về.
Vào các mùa khác, dơi bận sinh sản, nuôi con, gầy, không béo, thịt không thơm ngon, mỡ màng. Đặc tính sinh hoạt của loài dơi ngựa rất lạ. Ban ngày chúng ở trong hang, đến đêm lại bay ra ngoài kiếm ăn đến mờ sáng hôm sau mới về. Loài này bay và đậu thường theo đàn, ít khi lẻ loi, con một.
"Chúng bay, đậu theo đàn, chúc đầu xuống đất. Con đầu tiên bám vào đá, vách hang, con tiếp theo cứ thế bám vào thân con trước, treo ngược thành chùm giống như một tổ ong khổng lồ. Chẳng ai hiểu được tại sao chúng lại có cách ngủ kỳ dị đến vậy. Có người nói rằng, vì muốn hù dọa kẻ thù nên chúng bám vào nhau tạo thành hình một con dơi khổng lồ. Tuy nhiên, cũng cần phải nói đến khả năng chịu đựng sức nặng của con dơi đầu tiên bám vào vách đá", anh Hoành bật mí.
Săn được loại dơi tiến vua khó khăn bao nhiêu thì công đoạn chế biến nó đòi hỏi sự tinh tế bấy nhiêu. Khi bắt được con nào, người thợ săn phải ngay lập tức đưa chúng lên miệng mình dùng răng cắn vào đầu chúng rồi mới cho vào bao tải.
Theo anh Hoành, sở dĩ phải làm như vậy để dơi không cắn người và cắn bao tải để trốn thoát. Hơn nữa, làm như thế, dơi hồi mỡ ngấm ngọt máu, thịt sẽ ngon và bổ hơn.
Anh Hoành bảo: "Về đến nhà, trước khi làm thịt, người ta thường hạ thổ qua đêm để thịt dơi béo và ngọt hơn. Sáng hôm sau, "đầu bếp" lành nghề dùng dao rạch lưng dơi, lột da, nướng đến thi nào thịt dơi tiết mỡ rồi mới mổ lọc bỏ mật, phân trắng. Chế biến thịt dơi tiến vua, người ta rất ít khi dùng gia vị. Bởi vì, vốn thịt nó đã ngọt, thơm rồi. Dùng nhiều gia vị sẽ át đi cả vị thơm tự nhiên của loài biển bức này. Có lẽ “biển bức” không phải là loài dơi tầm thường ăn côn trùng. Thức ăn của chúng là những hoa quả chín cây nên thịt da thấm đậm hương hoa mật ngọt của trời đất. Người ta nói rằng, thịt dơi ngựa giúp giải độc, lợi tiểu, chữa bệnh hen suyễn cho trẻ em và người già tăng tuổi thọ".
Sau hơn 3 giờ đồng hồ mải mê với những câu chuyện của anh Hoành, PV quyết định rời hang Thần, trong lòng đầy sự tiếc nuối. Người đàn ông này bảo, chúng tôi chưa có duyên được thưởng thức món ăn có một không hai này. Như thông cảm với PV, anh Hoành hẹn một dịp khác sẽ tiếp tục dẫn chúng tôi xuống hang Thần để lùng bằng được "dị phẩm" tiến vua nức tiếng Hà thành.
Chi cả chục triệu để được thưởng thức "dị phẩm" tiến vua Được biết, thời gian gần đây, vào mùa săn dơi ngựa, cũng không ít đại gia từ các nơi khác đến đây để săn lùng loại "dị phẩm" tiến vua này. Trước đây, có người may mắn săn được cả cặp dơi ngựa, các đại gia tìm về tận nhà để đặt vấn đề mua lại với giá 10 triệu đồng. Tuy nhiên, gia chủ nhất quyết không bán vì đây là của hiếm. Nhiều người cho rằng, ai đó được ăn dơi ngựa núi Thầy là một hạnh ngộ. Về mặt tâm linh, “biển bức” được sinh ra ở hang động đầy linh khí này sẽ mang lại phúc lộc cho gia chủ. Thậm chí, nhiều người đến đây còn kháo nhau rằng, thịt dơi ngựa là loài "thần dược" cải thiện được đời sống tình dục vợ chồng. Chính vì thế, nghe tin ai bắt được “biển bức”, nhiều đại gia sẵn sàng chi cả chục triệu để mua về. |