Tòa nhà quốc hội mới dù có đẹp đến đâu, nhưng người làm việc trong đó mới làm nên cái hồn của nó. Cái hồn của không gian nghị trường.
Trước hết, không gian nghị trường là nơi hội tụ ý chí quốc gia, dân tộc, chủ quyền nhân dân. Tòa nhà thì mới nhưng chủ quyền đó tiếp nối từ bao đời nay, trải hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước còn đọng lại ở đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ, trên quảng trường Ba Đình hay trong những tầng gạch rêu phong của Hoàng thành Thăng Long.
Ở đâu đó trong không gian xưa thẳm nay dường như vẫn còn “rì rầm tiếng đất” của hàng trăm năm vọng đến Hội nghị quốc dân hôm nay. Nhìn ra các nước, không phải ngẫu nhiên, câu chạm khắc ở cửa chính tòa nhà nghị viện Ấn Độ nhắc nhở về chủ quyền quốc gia mà nghị viện là biểu tượng của nó: “Hãy mở cửa ra cho nhân dân và cho chúng ta thấy chủ quyền ở đó”.
Cũng không phải ngẫu nhiên, công trình nhà Quốc hội CHLB Đức lấy ý tưởng nhân dân quan trọng hơn Quốc hội.
Cũng như vậy, ở Việt Nam, làm sao cho mọi hoạt động ở Quốc hội thực sự“là tiêu biểu cho ý chí thống nhất của dân tộc ta, một ý chí sắt đá không gì lay chuyển nổi” (Hồ Chí Minh).
Nếu môi trường thông tin xung quanh tòa nhà Quốc hội càng phong phú, nếu xã hội càng có tiếng nói mạnh mẽ, nếu đại biểu cảm nhận được độ rung của cuộc sống càng nhiều thì những tâm tư, nguyện vọng, ý chí của nhân dân càng có cơ hội nhiều hơn để nhập vào không gian này, vào những quyết sách được ra đời từ trong lòng không gian đó.
Không gian nghị trường phải là một không gian dân chủ. Dân chủ như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng giải thích một cách giản dị, nghĩa là để cho “dân được mở miệng ra”. Các dự luật, các quyết sách đưa ra bàn và quyết ở Quốc hội cần có tiếng nói của người dân thông qua những kênh góp ý trực tiếp hoặc thông qua tiếng nói của ĐBQH.
Phòng họp chính bên trong nhà quốc hội mới.
Chính vì vậy, không gian dân chủ ở Quốc hội đồng nghĩa với đảm bảo quyền được thể hiện chính kiến của cá nhân ĐBQH đối với các quyết định của Quốc hội về đầu tư công, DN, bảo hiểm xã hội, nhà ở, kinh doanh BĐS, chính quyền địa phương… Đó phải là không gian tạo điều kiện cho ĐBQH- những người được ủy quyền đưa tiếng dân vang khỏe, vang xa. Nhân dân thông qua ĐBQH có thể tác động lên những chính sách, pháp luật ảnh hưởng đến đời sống.
Thời gian gần đây Quốc hội đã có những biểu hiện của một diễn đàn như thế. Cử tri vẫn mong muốn tiếng nói của mình vang to, vang xa hơn từ hội trường toàn thể, từ những phòng họp của các Ủy ban cho đến các cuộc tiếp xúc cử tri, hay trên các trang báo, màn hình, sóng phát thành.
Một tính chất nổi bật của nghị trường là tranh luận. Nghị trường là không gian của một diễn đàn mở toàn quốc gia, nơi mà những khác biệt trong xã hội phải được thể hiện và bàn luận, chính sách công phải được tranh luận từ những góc nhìn khác nhau. Tính chất tranh luận này xuất phát từ các tính chất như đại diện, dân chủ, làm việc theo chế độ hội nghị, quyết định theo đa số. Không gian dân chủ ở Quốc hội cần thấm nhuần tinh thần tự do tranh luận, dù đó là hội trường họp toàn thể với 500 đại biểu, hay là phòng họp Ủy ban với vài chục người, hay một cuộc họp của tiểu ban nào đó.
Không gian như vậy cho phép mỗi bên thể hiện những luận chứng thuyết phục nhất và bảo vệ quan điểm của mình. Quyết định theo đa số, nhưng cần tạo điều kiện, cơ hội cho ý kiến thiểu số được bày tỏ. Khi đã được thảo luận thấu đáo bởi tất cả các bên, quyết định cuối cùng sẽ được lòng đa số.
Thật thú vị khi tòa nhà Quốc hội nằm trên con đường Độc Lập, cửa chính vào từ đường Độc Lập. Xuất phát từ vị thế đại diện cho lợi ích quốc gia, biểu tượng của chủ quyền nhân dân, không gian nghị trường là nơi rất cần đến tính độc lập trong hoạt động của Quốc hội, ĐBQH.
Trước hết, đó là vị thế độc lập của toàn thể Quốc hội trong mối quan hệ với các cơ quan, tổ chức khác. Cần một không gian độc lập để Quốc hội thực thi đúng quyền “gật” và “lắc” trước những vấn đề của quốc gia, nhân dân, từ đường Hồ Chí Minh, thủy điện Sơn La, bô xít Tây Nguyên, mở rộng Hà Nội, đường sắt Bắc – Nam, cho đến những dự luật.
Đó cũng là vị thế độc lập của cá nhân ĐBQH, không chịu áp lực nào, trừ áp lực phải hài hòa giữa lợi ích của cử tri đã bầu ra mình và lợi ích tổng thể quốc gia.
Từ những hàng ghế còn thơm mùi gỗ này, lúc đứng lên nói vào micro còn mới, hay đưa tay bấm chiếc nút điện tử cũng còn mới, cho đến mãi về sau, khi chúng sẽ sờn mòn theo thời gian, mỗi ĐBQH hãy là một tiếng nói độc lập, chủ của một lá phiếu biểu quyết, chủ của việc ấn nút.
Bình đẳng, mỗi đại biểu một phiếu biểu quyết - đây là một trong những đặc tính quan trọng nhất của Quốc hội. Quốc hội là tổ chức do các thành viên bình đẳng hợp thành. Bình đẳng đi liền với dân chủ. Bình đẳng tạo ra sự độc lập trong ứng xử. Bình đẳng cũng tạo tiền đề cho những tranh luận thật sự.
Cuối cùng, tòa nhà Quốc hội cần được tắm mình trong một không gian mở, công khai, minh bạch. Không gian vật lý thoáng mở của tòa nhà không có ý nghĩa nếu thiếu sự công khai, minh bạch của nghị trường. Bởi lẽ Quốc hội nhận sự ủy quyền từ nhân dân để quyết định những vấn đề hết sức hệ trọng với nhân dân, đất nước. Do đó, nhân dân phải được chứng kiến, được biết Quốc hội quyết như thế nào, ai tham gia, theo quy trình, thủ tục nào, những vấn đề đang vướng mắc; hoặc lý do đưa tới việc tại sao lại quyết theo cách này mà không phải theo cách khác…
Người dân có quyền biết các đại biểu Quốc hội giám sát Chính phủ và các cơ quan nhà nước khác, bảo vệ quyền lợi của cử tri và của quốc gia như thế nào. Diễn đàn công khai và chất lượng tranh luận tại diễn đàn càng làm minh bạch hoá chính sách quốc gia.
Không gian mở của Quốc hội có được phần nhiều nhờ báo chí đưa tin về kỳ họp, các phiên họp, truyền hình, phát thanh trực tiếp, biên bản các phiên họp đăng trên trang web của Quốc hội… Bên cạnh đó, đây phải là nơi gần gũi, dễ đến, dễ vào đối với nhân dân.
Ở nhiều nước, người dân muốn vào xem tòa nhà nghị viện thì chỉ cần đăng ký, thậm chí có nơi như Quốc hội Đức, đăng ký đầu nhiệm kỳ thì cả 4 năm sau đó, người dân đến xem lúc nào cũng được. Có nơi qua máy soi chiếu ở cổng vào, nhưng có nơi chỉ hội trường chính mới cần thủ tục này. Nhịp đời có thể cảm nhận thấy qua những đoàn tham quan của người dân, HS, SV, du khách ra vào liên tục, nhưng không ồn ào, trân trọng ngắm nhìn, lắng nghe lời thuyết minh.
Nhà Quốc hội cần hoà mình với không gian xung quanh và không gian của đất nước, không gian của cả chiều dài lịch sử. Trên những con phố xung quanh, những dòng xe đang ngược xuôi; trong Hoàng thành Thăng Long, các du khách đang thăm quan các tầng lịch sử; trên bãi cỏ quảng trường Ba Đình, từng gia đình đang dạo chơi, hay trên đường Bắc Sơn, dưới hàng hoa ban tím, từng đôi nam nữ đang mải mê trò chuyện, thủ thỉ, bỏ quên mọi chuyện đại sự.
Nhưng trong toà nhà cách đấy chỉ vài chục bước chân, những chuyện quốc kế dân sinh vẫn cần được bàn luận, ra quyết sách bởi các vị ĐBQH đại diện cho họ. “Hãy mở cửa ra cho nhân dân và cho chúng ta thấy chủ quyền ở đó”.
Mỗi khi bước vào và ra khỏi toà nhà, vẫn còn đọng lại trong chúng ta cái hồn ấy của không gian nghị trường, nơi dòng chảy của lịch sử và hơi thở của cuộc đời hiện tại quyện vào nhau.