Ông Nguyễn Văn Bắc (Công ty TNHH Du lịch và Vận tải Kim Phát): Tăng giá vé là phù hợp
Là người hoạt động trong ngành vận tải, tôi cho rằng việc điều chỉnh giá vé xe buýt là phù hợp. Giá vé xe buýt hiện tại được áp dụng từ năm 2005, trong khi đó mọi chi phí liên quan đến vận tải đã tăng chóng mặt. So sánh một chút chúng ta sẽ thấy, nếu đi một chặng đường dài dưới 25km, người đi xe buýt chỉ phải trả 3.000 đồng/lượt, tương đương một cốc trà đá! Vẫn biết so sánh như vậy là khập khiễng, song điều đó cho thấy giá vé quá thấp, khiến thành phố phải trợ giá rất nhiều. Theo tôi, để cải thiện hệ thống vận tải công cộng, Nhà nước và người dân cùng phải có trách nhiệm. Người dân có nghĩa vụ bù đắp thêm chi phí cho ngành vận tải công cộng, còn thành phố chỉ đạo đơn vị kinh doanh xe buýt đầu tư, cải thiện tốt hơn mạng lưới cũng như chất lượng dịch vụ.
Sinh viên Lâm Thị Kiều Anh (Khoa Công nghệ hóa, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội): Cần có cơ chế ưu đãi
Tôi thường xuyên phải đến trường bằng xe buýt và đó là nỗi vất vả hằng ngày mà nhiều sinh viên như tôi phải gánh chịu. Mỗi khi nghĩ đến xe buýt, chúng tôi luôn bị ám ảnh bởi tình trạng xe bỏ bến, bởi tệ nạn xã hội rình rập và thường xuyên bị "nhồi" trên những chiếc xe chật như nêm vào giờ cao điểm… Tôi thừa nhận giá vé xe buýt như hiện nay là thấp, phù hợp và khuyến khích được học sinh, sinh viên sử dụng loại hình giao thông này, nhưng không phải vì thế mà người đi xe buýt phải chịu những điều phiền toái từ chính "nhà xe" mang lại. Trong khi TP Hà Nội đang kỳ vọng xe buýt góp phần hạn chế sự gia tăng của các phương tiện cá nhân, thì tại sao không có ưu tiên thích đáng cho những người đi xe buýt? Hiện nay nhiều người chấp nhận đi xe buýt là vì giá vé ưu đãi, do vậy, nên cân nhắc giá vé theo hướng những đối tượng cần ưu tiên như học sinh, sinh viên, người thu nhập thấp sẽ chịu mức tăng giá rất ít.
Việc nâng giá vé xe buýt cần đi đôi với chất lượng phục vụ được tăng cao nhằm đáp ứng nhu cầu của hành khách đi xe.
Bà Hoàng Thị Hoa (kinh doanh tại phố Hàng Cháo, quận Đống Đa): Quyền lợi khách hàng phải được bảo đảm
Xe buýt là phương tiện được kỳ vọng để góp phần hóa giải tình trạng ùn tắc giao thông và ngành giao thông vận tải vẫn đang khuyến khích người dân sử dụng loại phương tiện này. Do vậy, xe buýt không đơn thuần là kinh doanh vì lợi nhuận mà còn phải đảm nhận nhiệm vụ lớn hơn, mang tính xã hội cao hơn vì an sinh xã hội. Phần lớn người đi xe buýt đều có thu nhập không cao, nên giá vé càng thấp sẽ càng tạo cơ hội cho người dân. Tuy nhiên, với tình hình giá cả biến động như hiện nay thì mức giá cũ có lẽ đã không còn phù hợp, nhưng tăng như thế nào, ở mức nào, vào thời điểm nào thì cần phải cân nhắc. Điều cần lưu tâm là khi tăng giá vé, chất lượng dịch vụ cũng phải tăng theo, quyền lợi của khách hàng phải được bảo đảm.
Ông Nguyễn Văn Phổ (phường Phúc La, quận Hà Đông): Thời điểm tăng giá chưa hợp lý
Theo phương án mới, giá vé xe buýt sau khi điều chỉnh sẽ tăng thêm 2.000-3.000 đồng, gấp khoảng 1,5 lần giá cũ đối với vé lượt; còn vé tháng tăng từ 20.000 đến 65.000 đồng, gấp khoảng 1,8 lần giá cũ. Tuy mức tăng chỉ từ vài nghìn đến vài chục nghìn đồng nhưng có tác động rất lớn đến người dân, bởi lẽ, hầu hết những người sử dụng xe buýt là người có thu nhập thấp. Hơn nữa, việc tăng giá vé chỉ đơn thuần để giảm trợ giá cho phương tiện vận tải bằng xe buýt lại càng không hợp lý. Không những thế, tại thời điểm này, các ngành chức năng đang quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp để chống ùn tắc giao thông, trong đó có khuyến khích sử dụng phương tiện công cộng, thời điểm này nếu Hà Nội tăng giá xe buýt, dù chỉ tăng 1-2 nghìn đồng, e rằng không ít người sẽ từ bỏ phương tiện công cộng để dùng phương tiện cá nhân.
Ông Nguyễn Văn Dũng (xã Xuân Đỉnh, huyện Từ Liêm): Phải tăng chất lượng dịch vụ trước khi tăng giá
Thời gian qua, chất lượng dịch vụ xe buýt đã được cải thiện, song tệ nạn móc túi, cướp giật vẫn còn; nhiều lái xe, phụ xe còn có thái độ vô lễ, thậm chí mắng chửi, hành hung hành khách gây nhiều bức xúc trong dư luận. Cách đây không lâu, tại Hà Nội, một hành khách còn bị hai "hung thần" xe buýt số 27 "thượng cẳng chân, hạ cẳng tay", phải khâu tới 20 mũi. Vì vậy, theo tôi trước khi nghĩ đến việc tăng giá, ngành giao thông vận tải cần phải tăng chất lượng dịch vụ xe buýt. Việc nâng giá vé xe buýt chỉ hợp lý, nhận được sự ủng hộ của nhân dân, nếu như bảo đảm được việc nâng cao chất lượng các dịch vụ.