Diễn viên 'Của để dành' tát bạn diễn phát khóc

Diễn đi diễn lại mấy đúp đều không đạt vì không nỡ 'xuống tay' với bạn diễn nhưng khi đạo diễn Đỗ Thanh Hải rỉ tai Thu Hường bảo 'Em tát thật đi' thế là chị tát liền.

Bắt gặp Thu Hường tại Nhà hát Kịch Hà Nội khi chị đang tập vở "Những người con Hà Nội", người viết nhận ra chị ngay bởi nhân vật Thư chị đóng trong phim "Của để dành" đã khiến khán giả lúc đó 'ghét cay ghét đắng'. 

Diễn viên Thu Hường đã 'quen mặt' với khán giả truyền hình từ những năm 2000. Thu Hường đã hóa thân vào nhiều nhân vật nhưng ấn tượng sâu đậm nhất trong trong lòng khán giả vẫn là một nhân vật nữ đành hanh. Đó là một cô Thư đáo để trong phim "Của để dành", một cô Tuyết nanh nọc trong phim "Chuyện phố phường".

Nhân vật Thư trong 'Của để dành' là vai diễn truyền hình đầu tiên của Thu Hường. Đóng đạt tới mức ra đường mọi người đều ồ lên "Ơ cô Thư", rồi toàn gọi chị là “Thư ơi!”. Với khán giả, chị mất tên từ phim đó.

Thu Hường trong 'Của để dành'

Thu Hường chia sẻ chị diễn được như vậy cũng nhờ sự quan sát. Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, trong cuộc sống hàng ngày chị vẫn chứng kiến đầy rẫy cảnh người ta nói và đối xử với nhau chao chát như vậy nên mỗi cảnh quay, chỉ cần nghĩ lại một chút là chị diễn 'ngon lành'. Cảnh Thu Hường nhớ nhất và cũng cảm thấy có lỗi nhất với bạn diễn là diễn cảnh tát người giúp việc (Lài). Diễn đi diễn lại mấy đúp đều không đạt vì chị không nỡ 'xuống tay' với bạn diễn. Nhưng khi đạo diễn Đỗ Thanh Hải rỉ tai chị bảo "em tát thật đi" thế là chị tát liền. Cảnh đó chị dùng hết sức để tát khiến Lài đau và bị bất ngờ khiến cô khóc tức tưởi trước ống kính.

Dù bị 'chết' vai ở những nhân vật chanh chua nhưng Thu Hường còn có nhiều vai hiền thục, dịu dàng, phúc hậu... trên màn ảnh và trên sân khấu, thậm chí là vai người nhà quê chân chất, vai cụ bà nông dân cực khổ... rất thành công. Khuôn mặt biểu cảm là lợi thế của Thu Hường nên vào vai cá tính hay hiền dịu, chị đều hóa thân rất đạt.

Thu Hường (trái) trong phim 'Vũ khúc ánh trăng'.

Những vai diễn cá tính, phản diện khiến khán giả nhớ tên, Thu Hường vui đấy nhưng buồn đấy. Thu Hường tâm sự hình như vai diễn ám vào cuộc đời chị cho nên... Cái thở dài bỏ lửng câu chuyện, Thu Hường chủ động lái sang chủ đề khác.

Khi cái tuổi thích vui chơi qua đi, chị ít giao tiếp với bạn bè hơn, thời gian rảnh rỗi chị đi chợ, nấu những món ngon cho bố mẹ. Nấu nướng, nội trợ cũng là đam mê của Thu Hường sau ánh đèn sân khấu. Cứ quanh quẩn ở nhà, chẳng đi đâu ngoài thời gian diễn, đôi khi bố mẹ chị lại 'mát mẻ' rằng chị đúng là 'của để dành' của ông bà vì đến giờ Thu Hường vẫn lẻ bóng dù đã gần 40.

Ít giao tiếp bạn bè, Thu Hường cũng chọn cho mình một niềm vui khác. Chị thích đi chùa, đọc kinh phật, làm từ thiện cùng nhà chùa. Mỗi ngày, chị mở đĩa nghe về Phật pháp, thỉnh thoảng chị đi đến chùa để nghe giảng Phật pháp. Rồi chị bắt đầu ăn chay, ban đầu chỉ ngày rằm, mùng 1 nhưng thời gian gần đây chị bắt đầu ăn chay trường. 

Hỏi Thu Hường, là nghệ sĩ, phải giao tiếp, tiệc tùng triền miên làm sao mà chị ăn chay được? Chị cười bảo, cả mâm ăn mặn thì mình chỉ ăn rau luộc, đậu phụ... thấy vẫn ngon miệng mà sức khỏe vẫn bình thường.

Dạo gần đây, Thu Hường nhận ít vai vì chị đang ở ngưỡng 'trẻ không ra trẻ mà già thì cũng chưa hằn già'. Chỉ nói diễn viên bây giờ trẻ đẹp thật đấy nhưng một số bạn diễn không có hồn, không chịu đầu tư vào vai diễn. Thời của chị, diễn viên mới ra trường dù có nổi đến mấy cũng chẳng dám nhận một lúc mấy phim vì muốn dành thời gian nghiên cứu kịch bản, đầu tư vào nhân vật.

Thu Hường trong phim 'Trò Đời'

Luôn đau đáu với nghề và muốn làm nghề một cách trọn vẹn, đúng nghĩa nên phải có vai nào chị thấy phù hợp và chắc chắn mình làm tốt được, chị mới dám nhận.