Với việc từng bước cải tiến tuyển sinh, đặc biệt là nâng cao chất lượng của kỳ thi tốt nghiệp THPT, có thể hy vọng trong tương lai gần, tấm bằng tốt nghiệp THPT của mỗi thí sinh chính là điểm sàn để xét tuyển vào các trường ĐH-CĐ
Hằng năm, với trên dưới 2 triệu hồ sơ đăng ký dự thi, kỳ thi tuyển sinh ĐH - CĐ có tính cạnh tranh quyết liệt khi mà tổng chỉ tiêu tuyển sinh không đến 600.000.
Dao động từ 13-15 điểm
Mặc dù tuyển sinh ĐH-CĐ theo phương thức “3 chung” được thực hiện từ năm 2002 nhưng điểm sàn chỉ xuất hiện từ năm 2004. Việc xuất hiện khái niệm điểm sàn thật ra là để cấm một số trường ĐH-CĐ ấn định điểm chuẩn trúng tuyển quá thấp để đạt chỉ tiêu tuyển sinh của mình mà bỏ qua nhiều thí sinh (TS) tuy chưa trúng tuyển song điểm thi còn cao từ những trường khác.
Khi chưa có điểm sàn, trong năm 2003 có một số trường ĐH-CĐ địa phương đã tuyển đến các TS có tổng điểm 3 môn chỉ ở mức 3 - 4 điểm, trong khi còn rất nhiều TS có điểm thi trên 20 nhưng vẫn không trúng tuyển vào trường nào. Điểm sàn là cơ hội cho các TS không trúng tuyển nguyện vọng 1 nhưng điểm thi cao hơn điểm sàn được tham gia xét tuyển nguyện vọng bổ sung. Đối với các trường
ĐH-CĐ, nhất là các trường có điểm thi của TS thấp thì nay chất lượng đầu vào của TS tốt hơn, tạo nền tảng cho công tác đào tạo sau này được thuận lợi hơn. Một tác động tiềm ẩn khá lớn khác ở chỗ điểm sàn chính là một phương thức “phân luồng cưỡng bách”, tạo nguồn tuyển cho các trường CĐ, TCCN và các trường nghề. Trong những năm vừa qua, điểm sàn các khối dao động trong khoảng 13 - 15 điểm.
Trong năm 2013, với chỉ tiêu của các trường ĐH ước gần 330.000 thì số TS có điểm thi từ mức điểm sàn trở lên đạt khoảng 560.000. Tuy nhiên, tỉ lệ dôi ra (số TS đạt điểm sàn trở lên chia cho chỉ tiêu) của mỗi khối thi cũng rất khác nhau. Ví dụ, tỉ lệ dôi ra ở khối B rất cao, lên đến 3,11 trong khi của khối C chỉ là 1,29 vì TS trúng tuyển ảo của khối B rất cao.
Cũng có ý kiến cho rằng điểm sàn nên là 15 vì đó là điểm 3 môn thi đạt trung bình trở lên. Tuy nhiên trên thực tế, số TS đạt tổng điểm 3 môn từ 15 trở lên thường dưới mức 30%, nếu ấn định mức điểm sàn bằng 15 thì các trường ĐH-CĐ không thể nào tuyển đủ chỉ tiêu.
Bằng tốt nghiệp THPT sẽ là điểm sàn?
Điểm sàn khác với điểm chuẩn trúng tuyển. Đối với những trường ĐH công lập và những trường ĐH lớn, điểm chuẩn trúng tuyển chắc chắn cao hơn điểm sàn, thậm chí cao hơn khá nhiều, nên điểm sàn đối với tốp các trường này không có ý nghĩa.
Chính vì thế, trên bình diện chung, phải thống nhất một điều là điểm sàn không thể cao mãi vì khi đó tự thân nó sẽ mất ý nghĩa, mục tiêu của điểm sàn. Cần quan niệm rằng điểm sàn nhằm ngăn chặn một số trường ĐH do chạy theo việc phải tuyển đủ chỉ tiêu mà không quan tâm chất lượng đầu vào và bỏ qua nhiều TS tuy không trúng tuyển ở những trường khác nhưng điểm thi còn cao.
Điểm sàn năm 2014 sẽ ở mức nào? Câu trả lời chính xác chỉ có sau khi hội đồng điểm sàn đã thông qua mức điểm sàn cho từng khối thi vào đầu tháng 8-2014. Nhưng không nên quan niệm điểm sàn càng cao thì TS càng có chất lượng vì chất lượng của một kỹ sư, cử nhân khi tốt nghiệp còn phụ thuộc cả quá trình đào tạo nhiều năm ở trường ĐH. Điểm sàn không thể cao mãi được vì sẽ gây khó khăn cho các trường không tổ chức thi và nhất là các trường thuộc vùng miền cũng như các trường có những ngành khó tuyển.
Với việc từng bước cải tiến tuyển sinh, đặc biệt là nâng cao chất lượng của kỳ thi tốt nghiệp THPT, có thể hy vọng trong tương lai gần, tấm bằng tốt nghiệp THPT của mỗi thí sinh chính là điểm sàn để xét tuyển vào các trường ĐH - CĐ.