Thí sinh thi vào các trường khối văn hóa nghệ thuật sẽ có nhiều cơ hội trúng tuyển hơn nhờ phương thức thi tuyển các môn năng khiếu kết hợp với xét tuyển các môn văn hóa dựa trên kết quả học tập THPT.
Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), các trường tuyển sinh những ngành khối văn hóa (khối C) sẽ xét tuyển dựa vào kết quả thi theo đề thi chung của bộ. Đối với trường tuyển sinh các ngành khối nghệ thuật (khối H, N, S), môn ngữ văn xét theo kết quả thi tốt nghiệp THPT và điểm tổng kết 3 năm học THPT; môn năng khiếu sẽ do hiệu trưởng các trường quyết định.
Một trường có 2 phương án tuyển sinh
Để tổ chức thi các môn năng khiếu, hiệu trưởng các trường lập đề án trình Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) phê duyệt, báo cáo Bộ GD-ĐT. Đề án gồm các nội dung: Công tác chuẩn bị thi; quy trình ra đề thi; công tác tổ chức thi; chấm thi; tổ chức xét tuyển; thanh tra, giám sát quá trình tổ chức thi, chấm thi; giải quyết các khiếu nại, tố cáo liên quan...
Theo bà Lê Thị Thu Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo (Bộ VH-TT-DL), năm 2014, số lượng các trường văn hóa nghệ thuật (VHNT) được tuyển sinh riêng sẽ tăng cao. Bà Hiền nói thêm việc thực hiện đề án tuyển sinh riêng đối với 10 trường VHNT năm 2013 đã tạo nguồn tuyển rộng rãi và nâng cao chất lượng tuyển chọn đầu vào có tính chất đặc thù, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo.
Thực tế, trong một trường cùng lúc có thể chọn 2 phương thức tuyển sinh. Chẳng hạn như các ngành đào tạo năng khiếu sẽ tuyển sinh theo phương thức thi năng khiếu kết hợp với xét tuyển môn văn hóa, các ngành đào tạo văn hóa thực hiện phương thức tuyển sinh theo kỳ thi “3 chung”. Thêm vào đó, việc triển khai tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng được chủ động về thời gian thi tuyển và xét tuyển môn ngữ văn. Do đó, số lượng thí sinh dự thi vào các trường VHNT tăng cao so với các năm trước. Chẳng hạn trong lĩnh vực mỹ thuật, năm 2013, Trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam tăng 75%, ĐH Mỹ thuật TP HCM tăng 67%...
Tuyển thẳng nhiều đối tượng
Các trường khối VHNT sẽ tuyển thẳng đối với những đối tượng sau: Học sinh đã tốt nghiệp THPT, trung học chuyên nghiệp; đoạt giải xuất sắc hoặc giải nhất, nhì, ba tại các hội thi, hội diễn, liên hoan, triển lãm trong lĩnh vực nghệ thuật ở cấp quốc gia, quốc tế hoặc tương đương được tuyển thẳng vào ĐH theo đúng ngành mà thí sinh đã đoạt giải. Học sinh đã tốt nghiệp THPT, trung học chuyên nghiệp; đoạt giải khuyến khích tại các hội thi, hội diễn, liên hoan, triển lãm trong lĩnh vực nghệ thuật ở các quốc gia, quốc tế hoặc tương đương được tuyển thẳng vào CĐ theo đúng ngành mà thí sinh đã đoạt giải.
Việc bảo lưu kết quả đối với thí sinh đoạt giải chưa tốt nghiệp THPT và thời gian được tính để hưởng xét tuyển thẳng thực hiện theo quy định của Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy hiện hành.
Ông Đào Mạnh Hùng, Vụ trưởng Vụ Đào tạo (Bộ VH-TT-DL), cho biết để bảo đảm quyền lợi của thí sinh tham gia thi kỳ thi “3 chung” của Bộ GD-ĐT, thời gian thi vào các trường năng khiếu được xếp so le kéo dài từ ngày 1 đến 30-7.
Nhiều trường dự kiến tuyển sinh riêng
Trường CĐ VHNT Hà Nội dự kiến các ngành văn hóa của trường thi tuyển theo đề án tuyển sinh riêng của trường, trong đó đề thi khối C sẽ hợp đồng với đơn vị có đủ năng lực ra đề; các ngành năng khiếu thi tuyển kết hợp với xét tuyển (thi tuyển các môn năng khiếu kết hợp với xét tuyển môn ngữ văn). Trường CĐ VHNT Thái Bình cũng cho biết dự kiến không tổ chức thi tuyển mà xét tuyển trên cơ sở kết quả thi ĐH, CĐ của thí sinh tại các trường theo kỳ thi “3 chung”; các ngành năng khiếu thi tuyển kết hợp với xét tuyển (thi tuyển các môn năng khiếu kết hợp với xét tuyển môn ngữ văn). Trường CĐ VHNT Nghệ An cũng dự kiến các ngành văn hóa thi tuyển theo kỳ thi “3 chung”, các ngành năng khiếu thi tuyển kết hợp với xét tuyển (thi tuyển những môn năng khiếu kết hợp với xét tuyển các môn văn hóa)…