Để chuẩn bị cho cái chết, nhiều người lên kế hoạch xử lý hài cốt của mình dưới nhiều hình thức khác nhau, một số người chọn những chiếc quan tài, số khác có dự định hỏa táng và tro của họ sẽ được rải tại một số địa điểm đặc biệt, thậm chí chuyển thành đĩa than. Tuy nhiên với vài trăm nghìn đô la, nhiều người có thể làm đông lạnh cơ thể với hy vọng hồi sinh nhờ tiến bộ của khoa học, kỹ thuật trong tương lai, MNN cho hay.
Một trong những cơ sở lớn nhất thế giới cung cấp dịch vụ làm đông lạnh người chết là Tổ chức kéo dài cuộc sống Alcor ở bang Arizona, Mỹ. Hiện nay có gần 1.000 người đăng ký tham gia dịch vụ này. Chi phí bảo quản là 80.000 USD cho riêng phần não và 200.000 USD cho toàn bộ cơ thể.
"Y học hiện đại có thể chữa khỏi nhiều người mắc bệnh hiểm nghèo mà cách đây 50 năm các bác sĩ phải bó tay. Phương pháp làm đông lạnh cơ thể cũng tương tự như vậy, nó giống như một liều thuốc cấp cứu giúp cơ thể không trở nên tồi tệ hơn, các tế bào không bị phân hủy để đợi kỹ thuật tiên tiến trong tương lai khắc phục vấn đề đó", The Atlantic dẫn lời ông Max More, giám đốc Alcor, nói.
Alcor duy trì danh sách các thành viên có sức khỏe yếu kém và sẽ cử một đội phản ứng nhanh khi họ có dấu hiệu sắp qua đời. Nếu một người chết đột ngột, quá trình bảo quản có thể bị trì hoãn hàng giờ, thậm chí nhiều ngày sau khi chết. Càng để lâu, các tế bào bị hư hại nhiều hơn dẫn tới khó khăn trong việc hồi sinh bệnh nhân sau này.
Thiết bị lưu giữ cơ thể đông lạnh.
Khi "khách hàng" đã chết về mặt pháp y, nhân viên Alcor chuyển họ lên giường lạnh và dùng thiết bị hồi sức tim phổi làm cho máu lưu thông khắp cơ thể một lần nữa. Sau đó, họ sử dụng 16 loại thuốc khác nhau để giúp cho tế bào không bị hư tổn sau khi chết trước khi rút hết máu và dịch cơ thể rồi bơm chất lỏng bảo vệ nội tạng vào thay thế.
Cuối cùng, các nhân viên tiến hành làm lạnh thi thể 0,5 độ C mỗi giờ cho đến khi đạt tới nhiệt độ của nitơ lỏng -160 độ C sau 2 tuần. Tiếp đó, họ cho các thi thể vào tủ đông lạnh hình trụ trong tư thế đầu lộn xuống.
Trong những ngày đầu của quá trình làm lạnh, gia đình và bạn bè phải chi trả tiền cho việc duy trì, bảo quản cơ thể người thân của mình. Tuy nhiên, các công ty cung cấp dịch vụ này hiện tại đòi hỏi bệnh nhân phải trả tiền trước, và số tiền thường có nguồn gốc từ tiền bảo hiểm nhân thọ của bệnh nhân.
"Phương pháp trên không dành riêng cho những người giàu có, bất cứ ai có khoản tiền bảo hiểm đủ lớn cũng có thể sử dụng dịch vụ", Max More nói.
Một số ngôi sao nổi tiếng như Britney Spears, Simon Cowell và Larry King cũng tham gia đăng ký dịch vụ trên với hy vọng một ngày nào đó sẽ có cơ hội tái sinh sau khi qua đời.