Dịch vụ đưa người say về nhà: Cổ vũ khách uống thêm rượu?

Nhiều chuyên gia giao thông cho rằng, dịch vụ khách uống say được nhân viên quán đưa về nhà thiếu tính khả thi vì khách say có người đưa về thì họ cần gì hạn chế uống.

Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia đang xây dựng, hoàn thiện dịch vụ khách say được quán đưa về nhà. Đây cũng là ý tưởng nằm trong kế hoạch phối hợp giữa Ủy ban An toàn giao thông quốc gia và Hiệp hội rượu bia nước giải khát, nhằm hạn chế tình huống xấu do người uống rượu bia lái xe gây ra trong dịp Tết Nguyên đán 2015.

Theo đó, tại các nhà hàng, điểm kinh doanh rượu bia, người quản lý khi thấy khách say xỉn sẽ thuyết phục khách về bằng taxi hoặc xe ôm. Xe của khách sẽ gửi lại nhà hàng, hôm sau khách sẽ quay lại lấy. Thậm chí, một số nhà hàng sẽ bố trí nhân viên đưa khách về tận nhà.

Thiếu tính khả thi

Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho biết, về mục đích, ý tưởng của dịch vụ khách say được quán đưa về nhà hoàn toàn tốt. Trên thế giới, một số nước như Hàn Quốc, Singapore cũng đã làm theo kiểu dịch vụ này.

Tuy nhiên, đối với Việt Nam mà thực hiện dịch vụ này lại thiếu tính khả thi. Bởi hiện nay nhiều người uống rượu bia tràn lan, cả sáng và chiều, nhất là ở các đô thị lớn như Hà Nội và TP. HCM.

“Như vậy, nếu như người say rượu mà được chủ nhà hàng, điểm kinh doanh rượu bia chăm sóc thì chẳng khác nào khuyến khích người ta “say rượu bia”. Bởi vì khi khách vào quán uống rượu mà có người đưa về nhà thì họ cần gì phải hạn chế uống. Việc làm này không phù hợp với điều kiện, kinh tế, xã hội của Việt Nam”, ông Liên nói.

Ông Liên cho biết thêm, việc chủ quán nói điều động nhân viên đưa khách về nhà lại càng khó thực hiện. Vì ở các nhà hàng, quán nhậu, có hàng trăm khách đến ăn uống. Nhân viên còn phải dùng loa để “hò nhau” mang đồ ra cho khách thì lấy đâu người để theo dõi, quan sát xem người nào say để đưa về nhà.

“Mặt khác, tâm lý của những người đi nhậu, không bao giờ tự nhận mình là người say. Lúc đó, nhân viên can thiệp về chuyện uống ít hay nhiều, gặp phải người khách khó tính thì rất dễ xảy ra xô xát. Như vậy, vô tình dịch vụ này lại làm cho khách khó chịu, hiệu quả không cao”, ông Liên nói thêm.

Theo ông Liên, hiện nay ở Việt Nam có nhiều vấn đề mâu thuẫn giữa tiêu chí với việc thực hiện. Việt Nam không khuyến khích người dân uống bia rượu, nhưng lại cho xây dựng nhà máy bia lớn nhất Đông Nam Á, cho nhập khẩu rượu ngoại. Như vậy, là rất mâu thuẫn nhau, khó thực hiện.

Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia nghiên cứu về giao thông đô thị cho hay, mục đích của dịch vụ này hoàn toàn tốt, nhưng khó thực hiện. Nếu như chủ quán nói điều động nhân viên đưa khách say xỉn về nhà, vậy thì mức độ như thế nào được gọi là say? Mức độ say đến đâu thì đưa khách về nhà?. Vấn đề này vẫn chưa có tiêu chí cụ thể. Thêm nữa, có nhiều khách ở tỉnh xa, thậm chí ở nơi khác đến quán nhậu. Nếu như, nhân viên ở quán muốn đưa khách về thì lại càng khó thực hiện hơn.

Tiến sĩ Thủy cho biết, ở các đô thị lớn hiện nay đang thiếu chỗ để gara ô tô, xe máy. Nếu như chủ nhà hàng, điểm kinh doanh rượu bia nói có chỗ để xe cho khách qua đêm thì sẽ không đáp ứng nổi bởi có hàng trăm khách đến quán mỗi ngày. Chủ nhà hàng gom xe của khách để ở nơi khác lại không ổn. Rồi trong một số trường hợp, nhân viên đánh hỏng xe, hoặc mất xe của khách lại càng rắc rối thêm.

Còn việc chủ nhà hàng liên kết với hãng taxi, xe ôm để đưa khách về cũng tốt. Nhưng việc này, khách hoàn toàn có thể tự gọi được, hoặc bạn của khách đi cùng sẽ gọi xe. Tôi nghĩ, nếu hiện dịch vụ này thì hiệu quả sẽ không cao, chỉ khoảng 10-12%”, tiến sĩ Thủy nói.

Lập các trạm cấp cứu giao thông dọc quốc lộ

Ông Liên cho rằng, để hạn chế các vụ tai nạn giao thông xảy ra, cơ quan chức năng nên lập thêm các trạm cấp cứu giao thông dọc các tuyến đường quốc lộ. Trong từng quận, huyện cũng nên có các trạm cấp cứu giao thông. Khi người dân gặp tai nạn có thể đến ngay các trạm gần nhất cấp cứu, sau đó nặng thì chuyển tới bệnh viện.

“Để thực hiện được việc này, cơ quan chức năng cần phải cắm biển báo thông tin trạm cấp cứu giao thông dọc đường. Khi người dân gặp nạn sẽ biết ngay địa chỉ chuyển đến trạm cấp cứu. Tôi tin việc làm này sẽ mang lại hiệu quả, góp phần vào việc giảm tối thiểu các vụ tai nạn giao thông xảy ra”, ông Liên nói.

Tiến sĩ Thủy đề xuất thêm, ngoài việc cơ quan quản lý tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức về tác hại của bia rượu thì nên phạt nặng tay đối với người dân uống rượu điều khiển xe máy. Tăng mức thuế đối với rượu bia. Đối với chủ nhà hàng, điểm kinh doanh rượu bia, thấy khách say xỉn, góp ý, khuyên khách nên nghỉ ngơi một thời gian nhất định trước khi ra về để đảm bảo an toàn. Trường hợp khách say, nôn mửa nên gọi người nhà, bạn bè thân thiết đến đưa về.