Dịch sốt xuất huyết bùng phát và diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương: Làm sao để phòng tránh?
Thứ ba, 24/05/2022 10:44

Dịch sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp ở khắp các tỉnh, thành trên cả nước khiến cho nhiều người phải nhập viện và đã có trường hợp tử vong.

Số ca mắc sốt xuất huyết không ngừng tăng

Ngày 24/5, báo cáo của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP. HCM (HCDC) cho thấy, toàn thành phố ghi nhận 79 ổ dịch sốt xuất huyết mới phát sinh, trong đó có 7 ca tử vong do sốt xuất huyết nặng. 79 ổ dịch sốt xuất huyết mới phát sinh ở 51 phường, xã thuộc 17/22 quận huyện, TP Thủ Đức. Số ổ dịch tích luỹ đến tuần 20 là 446.

Theo HCDC, trong tuần 20, TP. HCM có 943 ca mắc sốt xuất huyết (gồm 596 ca nội trú và 347 ca ngoại trú), tăng 19,7% so với trung bình 4 tuần trước (788 ca). Như vậy, trung bình mỗi ngày, thành phố lại có thêm 134 - 135 người mắc bệnh.

Tổng số ca mắc sốt xuất huyết từ đầu năm đến nay là 8.481 ca, tăng 28% với cùng kỳ năm 2021 (6.639). Đáng chú ý, số ca sốt xuất huyết nặng là 175, tăng 5,5 lần so với cùng kỳ năm 2021 (26 ca). Số ca tử vong đến tuần 20 là 7 ca, tăng 5 ca so với cùng kỳ năm 2021. Những phường xã có số ca bệnh tăng cao so với trung bình 4 tuần trước là phường Tân Thới Hiệp, Thạnh Xuân (quận 12); phường Phú Thạnh, Sơn Kỳ (Tân Phú); xã Xuân Thới Thượng (Hóc Môn).

Trước thực trạng này, HCDC cho biết ngành y tế đã xử lý phun hoá chất, diệt lăng quăng tại các ổ dịch, nhiều điểm nguy cơ.

Dịch sốt xuất huyết bùng phát và diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương: Làm sao để phòng tránh? - Ảnh 1.

79 ổ dịch sốt xuất huyết mới phát sinh ở TP. HCM. (Ảnh minh họa)

Còn ở Vĩnh Long, từ đầu tháng 5 đến nay, trung bình mỗi tuần toàn tỉnh ghi nhận khoảng 15 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng gấp đôi so với các tuần của tháng trước. Điều đáng quan tâm là người lớn mắc sốt xuất huyết chiếm tỷ lệ khá cao gần 50% số ca mắc được ghi nhận. Tính từ đầu năm đến nay, số ca mắc được ghi nhận trong tỉnh hơn 140 ca, trong đó có nhiều trường hợp nặng phải nhập viện điều trị.

Trong khi đó, Đà Nẵng cũng đã ghi nhận hơn 1.300 ca mắc sốt xuất huyết kể từ đầu năm 2022 đến nay. Hiện tại, toàn tỉnh có 108 ổ bệnh sốt xuất huyết nhỏ có nguy cơ lan rộng, khó kiểm soát. Các địa phương có ca mắc tăng là Thanh Khê, Sơn Trà, Liên Chiểu. Theo Sở Y tế Đà Nẵng, các địa phương tăng cường công tác truyền thông với nhiều hình thức để nâng cao ý thức người dân trong phòng chống dịch bệnh; tổ chức phát động chiến dịch vệ sinh môi trường, rửa tay bằng xà phòng; chiến dịch diệt lăng quăng, bọ gậy tại cộng đồng dân cư và vận động người dân đưa trẻ đi tiêm chủng đúng lịch, đủ mũi. Đặc biệt, công tác tuyên truyền sâu rộng tại các trường học, tại các nhà trẻ, trường mẫu giáo về các biện pháp đảm bảo vệ sinh cá nhân, lớp học và môi trường xung quanh phải được chú trọng.

Tại Phú Yên, từ đầu năm đến nay cũng đã xuất hiện 11 ổ dịch sốt xuất huyết với hơn 330 ca, tăng hơn 5% so với cùng kỳ năm trước. Người mắc sốt xuất huyết chủ yếu tại những vùng đông dân cư như các huyện Tuy An, Phú Hòa và TP Tuy Hòa. Đáng lưu ý là bệnh sốt xuất huyết có nhiều biểu hiện như sốt nhẹ, nhức mỏi giống với COVID-19 nên người dân dễ nhầm lẫn, chủ quan.

Dịch sốt xuất huyết bùng phát và diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương: Làm sao để phòng tránh? - Ảnh 2.

Sốt xuất huyết diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương. (Ảnh minh họa)

Còn theo đánh giá của Sở Y tế tỉnh Bình Dương, sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh đang diễn biến phức tạp. Số ca có thể đạt đến đỉnh vào những tháng hè nắng nóng.

Tích lũy từ đầu năm đến tháng 5, toàn tỉnh ghi nhận 2.237 ca, 5 ca tử vong, tăng 5 ca so với cùng kỳ năm 2021. 5 ca tử vong cụ thể là thị xã Tân Uyên (2 ca), TP Thuận An (1 ca), TP Dĩ An (2 ca). Đây cũng là những địa phương có số ca mắc sốt xuất huyết cao trong tỉnh.

Ngành y tế tỉnh Bình Dương dự báo thời gian tới số ca mắc sốt xuất huyết sẽ tiếp tục gia tăng và bùng phát trên diện rộng nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống. Vì thế, để tăng cường phòng, chống dịch sốt xuất huyết, kiên quyết không để dịch bùng phát, lan rộng và kéo dài, Sở Y tế tỉnh Bình Dương yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, các trung tâm y tế huyện, thị, thành phố tăng cường giám sát, phát hiện sớm và xử lý triệt để các ổ dịch; báo cáo về diễn biến tình hình dịch bệnh tại địa phương; tham mưu cho ủy ban nhân dân huyện, thị, thành phố huy động mọi nguồn lực trên địa bàn để đáp ứng công tác phòng, chống dịch, kiên quyết không để dịch lan rộng và kéo dài. Song song đó, các bệnh viện tuyến tỉnh chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, trang thiết bị y tế và các phương tiện cần thiết cho việc chẩn đoán, thu dung và điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết.

Sốt xuất huyết nguy hiểm như thế nào?

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue gây ra. Nguyên nhân lây lan bệnh là do muỗi vằn truyền virus Dengue từ người bệnh sang người khỏe mạnh. Bệnh sốt xuất huyết đôi khi có thể gây đau nhức rất trầm trọng ở cơ và khớp.

Bệnh xảy ra quanh năm, thường gia tăng vào mùa mưa. Bệnh gặp ở cả trẻ em và người lớn. Bệnh sốt xuất huyết dạng nhẹ sẽ gây sốt cao, phát ban, đau cơ và khớp, rối loạn đông máu, suy đa tạng... Nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời dễ dẫn đến dễ dẫn đến sốt xuất huyết dạng nặng, có thể gây chảy máu nặng, giảm huyết áp đột ngột (sốc) và tử vong.

Dịch sốt xuất huyết bùng phát và diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương: Làm sao để phòng tránh? - Ảnh 3.

Muỗi vằn là một trong những nguyên nhân gây lây lan sốt xuất huyết. (Ảnh minh họa)

Biểu hiện của bệnh là sốt cao đột ngột, liên tục từ 2 - 7 ngày và có thể có các dấu hiệu sau:

- Biểu hiện xuất huyết có thể ở nhiều mức độ khác nhau như: có chấm/mảng xuất huyết ở dưới da, chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam.

- Nhức đầu, chán ăn, buồn nôn, nôn.

- Da xung huyết, phát ban.

- Đau cơ, đau khớp, nhức hai hố mắt.

Bệnh nhân chuyển nặng khi có thêm các dấu hiệu sau:

- Vật vã, lừ đừ, li bì.

- Đau bụng vùng gan hoặc ấn đau vùng gan.

- Gan to > 2 cm.

- Nôn - nhiều.

- Xuất huyết niêm mạc.

- Tiểu ít.

- Sốc: mạch nhanh, huyết áp tụt, kẹt.

- Xuất huyết nặng.

Cách phòng bệnh sốt xuất hiệu quả

Nguyên nhân chủ yếu gây bệnh sốt xuất huyết là do muỗi truyền, do đó để phòng chống bệnh sốt xuất huyết, biện pháp tốt nhất là diệt muỗi, lăng quăng/bọ gậy và phòng chống muỗi đốt. Cụ thể:

- Loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy bằng cách:

+ Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.

+ Thả cá hoặc mê zô vào các dụng cụ chứa nước lớn (bể, giếng, chum, vại...) để diệt lăng quăng/bọ gậy.

+ Thau rửa các dụng cụ chức nước vừa và nhỏ (lu, khạp…) hàng tuần.

+ Thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh nhà như chai, lọ, mảnh chai, mảnh lu vỡ, ống bơ, vỏ dừa, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá..., dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến.

+ Bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn/tủ đựng chén bát, thay nước bình hoa/bình bông.

- Phòng chống muỗi đốt:

+ Mặc quần áo dài tay.

+ Ngủ trong màn/mùng kể cả ban ngày.

+ Dùng bình xịt diệt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện diệt muỗi...

+ Dùng rèm che, màn tẩm hóa chất diệt muỗi.

+ Cho người bị sốt xuất huyết nằm trong màn, tránh muỗi đốt để tránh lây lan bệnh cho người khác.

- Đến ngay cơ sở y tế khi có các triệu chứng nghi sốt xuất huyết Dengue để được khám, tư vấn; không nên tự ý điều trị tại nhà.

- Tích cực phối hợp với chính quyền và ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

Phapluat.suckhoedoisong.vn

Nguồn: https://phapluat.suckhoedoisong.vn/dich-sot-xuat-huyet-bung-phat-va-dien-bien-phuc-tap-tai-nhieu-dia.. Nguồn: https://phapluat.suckhoedoisong.vn/dich-sot-xuat-huyet-bung-phat-va-dien-bien-phuc-tap-tai-nhieu-dia-phuong-lam-sao-de-phong-tranh-162220524092930099.htm

Clip đang được xem nhiều nhất: Võ Hoàng Yến vỡ òa xúc động khi biết tin được làm mẹ, tiết lộ từng tránh mặt 'nửa kia' vì lý do tuổi tác

Tag: Dịch sốt xuất huyết , virus Dengue , muỗi vằn