Theo GS.TS. Nguyễn Thanh Long, tại các tỉnh biên giới của nước Lào, dịch sởi đang tăng cao cả về số ca bệnh và tử vong.
“Đây là bệnh dễ lây, trong nước ghi nhận rải rác các ca sốt phát ban nghi sởi”, GS.TS Nguyễn Thanh Long lo ngại.
Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, mùa đông xuân là thời điểm thuận lợi cho sởi bùng phát. Bộ Y tế cũng lo bệnh sởi sẽ quay trở lại.
“Chúng tôi rất lo ngại có thể sởi sẽ quay lại. Mầm bệnh vẫn tồn tại trong cộng đồng và xuất hiện lẻ tẻ các ca mắc”, ông Long nói.
Theo ông, người dân Lào sang Việt Nam khám chữa bệnh nhiều nên việc lây bệnh qua đường hô hấp sang nước ta là hoàn toàn có thể. Ngoài ra, tại khu vực biên giới của Trung Quốc, sởi xuất hiện từ cách đây 3 năm và hiện nước này vẫn chưa hoàn toàn được khống chế triệt để.
Bộ Y tế yêu cầu toàn bộ các tỉnh miền núi giáp Lào, Trung Quốc tiêm văcxin sởi - rubella đồng bộ cho trẻ 1-14 tuổi để đảm bảo tạo hành lang chắn.
Ông Long cho rằng, chiến dịch tiêm sởi trước đó và hiện nay là tiêm sởi - rubella sẽ tạo được miễn dịch cộng đồng tốt, chấm dứt dịch sởi. Bộ Y tế đã có kế hoạch riêng về phòng chống sởi cho mùa đông xuân 2014-2015, để chuẩn bị trước cho chu kỳ dịch.
Trao đổi với phóng viên, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, từ đầu mùa, khoa hiện vẫn chưa tiếp nhận ca mắc sởi. Tuy nhiên, ông cũng lo ngại dịch sởi có thể bùng phát theo chu kỳ dịch.
Theo Ths.BS Nguyễn Trung Cấp, Phó Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, bệnh sởi dễ lây, trong nước đã ghi nhận rải rác các ca sốt phát ban nghi sởi. Tuy vậy, đến thời điểm này, bệnh viện vẫn chưa ghi nhận ca mắc sởi.
Năm 2014, từ tháng 1 đến tháng 6, cả nước ghi nhận 146 trẻ tử vong liên quan đến sởi. Cuối tháng 4/2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã triệu tập cuộc họp khẩn với Bộ Y tế yêu cầu ngành y tế và các địa phương dập tắt dịch sởi.
Hiện có 14 triệu trẻ được tiêm văcxin sởi an toàn - đây là một trong những biện pháp dự phòng quan trọng cho mùa dịch đông xuân.