Nhằm khống chế dịch bệnh, tránh lây lan trên diện rộng, UBND tỉnh Trà Vinh lập tức chỉ đạo các ngành, các cấp tăng cường nhiều biện pháp cấp bách phòng, chống dịch cúm gia cầm. Trước mắt, tập trung làm tốt công tác tuyên truyền và cung cấp thông tin để người dân hiểu rõ tình hình, nguy cơ và hiểm họa dịch bệnh. Sở NN và PTNT phối hợp với các ngành, các cấp có liên quan triển khai tiêm phòng vắc- xin cho đàn gia súc và gia cầm, phun thuốc tiêu độc, sát trùng các chuồng trại chăn nuôi và nơi mua bán giết mổ. Ngoài ra, tăng cường giám sát chặt chẽ dịch bệnh theo qui định của Pháp lệnh thú y và các văn bản hướng dẫn của Chính phủ. Trong trường hợp phát hiện gia cầm bị chết, nghi nhiễm bệnh cúm tiến hành ngay các thủ tục tiêu huỷ theo qui trình dịch bệnh, không cần chờ kết quả xét nghiệm.
UBND tỉnh Trà Vinh cũng chỉ đạo, lập các chốt chặn, chốt kiểm soát quản lý việc vận chuyển, mua bán, giết mổ trên các trục giao thông thuỷ, bộ trên địa bàn các xã xảy ra dịch bệnh; củng cố hoạt động của chốt kiểm dịch cố định ở những vùng giáp ranh với các tỉnh bạn như thị trấn Càng Long (huyện Càng Long), thị trấn Cầu Quan (huyện Tiểu Cần), xã Thông Hoà (huyện Cầu Kè), xã Định An (huyện Trà Cú)... cũng như hoạt động của các đội kiểm dịch lưu động ở nhiều chợ đầu mối, bến đò, bến xe, các trục giao thông thuỷ bộ để quản lý chặt việc mua bán, vận chuyển gia súc, gia cầm. Kiên quyết thực hiện 5 không: Không bán chạy; Không ăn thịt gia cầm bị bệnh; Không đưa gia cầm, sản phẩm gia cầm ra ngoài ổ dịch; Không vứt xác gia cầm chết bừa bãi và Không vận chuyển gia cầm chưa được kiểm dịch.
Trong quí I/2014, trên địa bàn tỉnh Trà Vinh đã xuất hiện 25 ổ dịch cúm gia cầm tại 12 xã thuộc 4 huyện, thành phố gồm xã An Trường, An Trường A, Tân Bình, Tân An (huyện Càng Long); Tập Ngãi, Ngãi Hùng, Long Thới, Tân Hoà và thị trấn Cầu Quan (huyện Tiểu Cần); Ninh Thới, Phong Phú (huyện Cầu Kè) và Long Đức (thành phố Trà Vinh). Thiệt hại lên tới 16.500 con gà bị chết vì dịch bệnh trong tổng đàn gần 22.000 con gà.