Công Phượng (trái) là giải pháp không hề tồi cho vị trí tiền vệ tổ chức
Người ta đang chờ xem, HLV Toshiya Miura có bổ sung cầu thủ, hay lựa chọn gương mặt nào để đảm nhận vai trò tổ chức trận đấu (nếu có). Điểm qua, Olympic Việt Nam đang sở hữu khá nhiều tiền vệ như: Huỳnh Tấn Tài (ĐT.LA), Nguyễn Tuấn Anh (HA.GL), Đỗ Duy Mạnh, Đỗ Hùng Dũng (HN.T&T)… Thế nhưng, ở CLB, họ thường đảm nhiệm vai trò thu hồi bóng, chứ không phải là những nhà tổ chức.
Nếu quan sát cách thức tổ chức, vận hành chiến thuật của ông Miura từ ĐT Olympic Việt Nam cho đến ĐTQG năm 2014, có thể thấy sơ đồ 4-4-2, 4-5-1 (và các biến thể) rất được ưa thích. Trong đó, hàng thủ được xây dựng trên nền tảng những cầu thủ có chiều cao và chất cơ bắp; còn ở khu trung tuyến, cặp tiền vệ trung tâm thường được bố trí chơi ngang nhau, tức, họ cùng tổ chức tấn công và cùng tham gia phòng ngự.
Ví dụ: bộ đôi Ngô Hoàng Thịnh và Vũ Huy Hùng từng chơi rất thành công tại Asiad 17 đã tiếp tục được sử dụng tại AFF Suzuki Cup 2014. Trong trường hợp đó, Văn Quyết hay Thành Lương thường luân phiên dạt biên, hay bó vào giữa nhận bóng và sắm vai người điều phối các đợt tấn công.
Nếu có một hệ quy chiếu, Nguyễn Công Phượng đang là một giải pháp không hề tồi, bởi Phượng từng đảm nhiệm vai trò tiền đạo lùi ở U19 Việt Nam và cả CLB HA.GL. Thậm chí có những thời điểm anh lùi về giữa sân để tổ chức trận đấu. Nhưng để biến Công Phượng thành “số 10” như chính số áo mà anh đang mặc, ông Miura cần phải thay đổi tư duy chơi bóng có phần cá nhân của Phượng.
Tuy nhiên, tất cả còn phụ thuộc vào HLV Miura, vào chiến thuật và cả nhân sự ở từng thời điểm khác nhau. Song, việc đưa ra những phương án dự phòng sẽ giúp Olympic Việt Nam đa dạng hóa lối chơi và có thêm cách thức tiếp cận trận đấu.