Những năm qua, người dân nhiều xã ở huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai truyền tai nhau về thứ ma lai, thuốc thư gây chết người. Theo lý giải của một số người Bana, Jarai: “ma lai” là một thứ ma không có hình thù, chuyên bay đi để ăn nội tạng của người hay súc vật. Người có “ma lai” làm ra “thuốc thư”, nếu ghét ai sẽ bỏ cho người đó đau ốm mà chết. Người bị nghi ma lai bị cộng đồng xa lánh, bị đuổi ra khỏi làng, thậm chí bị giết cả nhà.
Những vụ án giết người hết sức đau lòng xảy ra trên địa bàn tỉnh Gia Lai thời gian qua đã minh chứng cho hủ tục lạc hậu và nhận thức còn hạn chế của đồng bào.
Hệ lụy chuyện “ma lai - thuốc thư”
Năm 2007, Duân và Kel đều 29 tuổi, trú ở làng Đắk Yă, xã Đắk Yă, huyện Mang Yang thường ngày có hành vi trộm cắp vặt, gây gổ với một số thanh niên trong làng. Mọi người đến khuyên can thì cả hai đều cho rằng: “Tao đi ăn cắp của làng khác, chúng mày xen vào làm gì. Từ nay, đứa nào cản chuyện của tao, chúng tao sẽ thư chết”. Ai ngờ, câu nói trong khi ngà ngà say của cả Duân và Kel như đổ thêm dầu vào lửa vì những thanh niên trong làng vốn trước đây đã nghi ngờ Duân và Kel có “thuốc thư”.
Trớ trêu thay, sau phát ngôn ấy một tuần thì làng Đắk Yă có bà H’Blin lăn ra ốm chết. Hàng chục người dân trong làng đã kéo đến nhà Duân đập phá tan hoang. Duân đi uống rượu về thấy nhà bị đập phá nên đến nhà rông chửi bới những thanh niên đang ngủ ở đây. Thấy Duân cầm dao rựa rất hung hăng nên hàng chục thanh niên đã bao vây, đánh Duân đến chết rồi kéo xác vứt ở khu nhà mồ của làng.
Theo thống kê sơ bộ của các cơ quan chức năng tỉnh Gia Lai thì khoảng 4 năm trở lại đây, đã có khoảng 10 người bị đánh chết vì nghi có thuốc thư, hàng chục căn nhà bị đập phá, xô đổ và hàng trăm người thân của người nghi có thuốc thư bị cộng đồng xa lánh.
Không dừng lại ở đó, sáng sớm hôm sau, nhiều thanh niên trong làng tiếp tục kéo nhau đến đập phá nhà cửa của gia đình Kel. Cả nhóm thanh niên còn dùng bụi than, bôi vào mặt với mục đích giả những người bị thư chết về trả thù rồi kéo lên khu rẫy Đắk Ram đánh chết Kel cùng cha ruột Hnhêu (76 tuổi) khi họ đang làm rẫy. Với những hành vi trên, Hlin (SN 1980), Yưk (SN 1984), Ngin (SN 1989), Uônh (SN 1987), Hưn (SN 1982), Hlinh (SN 1989), Kưh (SN 1980) đã bị rơi vào vòng lao lý.
Nhắc lại vụ đau lòng trên, anh H’Lây - Trưởng Công an xã Đắk Yă không giấu nỗi buồn lo: “Do một phần từ mấy ông thầy bói, thầy cúng. Có người bệnh đau là họ cho rằng bị người ta thư. Từ những lời thầy cúng, cộng với người dân kém hiểu biết nên họ tin thôi”.
Theo anh H’Lây, đến nay không ai biết ma lai, thuốc thư là gì, nhưng nó vẫn âm ỉ tồn tại trong đời sống của cộng đồng người dân tộc ở Tây nguyên, là nguyên nhân của nhiều vụ án giết người đau lòng.
Chỉ cho chúng tôi ngôi nhà đã bị bỏ hoang hơn 4 năm nay của Kel cùng cha ruột Hnhêu, anh H’Lây cho biết: “Gia đình ông Hnhêu từ bao đời nay sinh sống với bà con trong làng hòa thuận. Nhưng năm 2007, cũng chỉ vì những hủ tục lạc hậu mà tình làng nghĩa xóm không còn, cả Kel cùng cha ruột là Hnhêu đã bị thanh niên trong làng đánh chết”.
Chúng tôi đến nhà Hlin, một trong số 7 người đã gây ra cái chết đau lòng trong hai vụ án giết người vì thuốc thư. Hlin đang ngồi uống rượu với những thanh niên trong làng. Hlin cho biết: “Nghe dân làng nói đến thuốc thư nên em bức xúc kêu thanh niên trong làng đến đánh hai bố con nhà Kel và Duân. Lúc đó, em đang làm Bí thư Chi đoàn làng Đắk Yă, em chẳng biết thuốc thư là gì”.
Tôi hỏi, không biết thuốc thư là gì tại sao lại kéo thanh niên đến đập phá nhà cửa, rồi đánh người ta đến chết? Hlin ậm ừ: “Thì dân làng bảo phải tẩy chay thì mình đến đánh thôi. Giờ đi cải tạo về rồi em rất ân hận vì đã gây ra lỗi lầm này. Lúc mới ra trại, em và 6 người còn lại đã mua con lợn đến gia đình họ làm thịt, thắp hương và xin lỗi họ rồi”.
Thầy mo H'Nheo: "Mình cũng không biết thuốc thư là gì"
Thầy mo cũng không biết “thuốc thư” là gì
Để tìm lời giải cho thuốc thư, chúng tôi đến nhà bà H’Nheo ở làng Đắk Trôk, xã Đắk Yă, người được coi là một thầy mo chuyên giải thuốc thư. Bà H’Nheo cho biết: “Mình có biết thuốc thư là gì đâu, dân làng ai đến nhờ mình cúng thì mình cúng thôi. Mỗi lần cúng xong, mình cho người ốm uống một cốc nước và ăn một quả trứng luộc, có người khỏi, có người không”. Thế nhưng, đến nay cái hủ tục quá lạc hậu này vẫn tồn tại ở miền sơn cước.
Tại làng Đăk Yă còn có bà Pok (SN 1937) người từng bị xua đuổi vào rừng vì bị dân làng quy kết có “thuốc thư” hại người. Gặp bà Pok trong ngôi nhà cũ nát như chính khuôn mặt rầu rĩ của bà sau bao sóng gió bị nghi là có thuốc thư.
Bà Pok kể: “Mình sinh ra ở làng Plei Bong, xã A Yun, một xã nghèo nhất của huyện nghèo Mang Yang. Gần 50 năm trước, mình lấy chồng về làng Đăk Yă, xã Đăk Yă. Trước đây, mình làm thầy mo chuyên đi cúng cho dân làng để cầu cho mưa thuận gió hòa, bà con làm ăn thuận lợi. Năm 2006, không biết vì sao dân làng bảo mình có thuốc thư, từ đó bị mọi người đánh đập, xua đuổi. Sợ quá, mình phải trốn vào rừng lánh nạn”.
Nhiều năm qua, người dân trong làng Jơ Long, xã Hà Ra, huyện Mang Yang luôn sống trong tâm trạng lo lắng, trẻ em không cho tiếp xúc với người lạ, không cho ra đường. Đáng lo hơn là nhiều cháu không được đến trường học. Người lớn đi làm rẫy phải lo về sớm, dọc đường đi tập trung cảnh giác xem có ai đi theo sau mình không. Đặc biệt là khi thấy ông Khách và 6 đứa con của vợ chồng ông, thì dân làng bỏ chạy, đông người thì tìm gậy, roi xua đuổi, đánh đập ông Khách…
Được biết, mọi người trong làng Jơ Long đều cho rằng ông Khách là người có thuốc thư - ma lai và đã gieo bệnh tật cho người dân trong làng. Thực tế cho thấy, tất cả những người bị bệnh tật lâu khỏi là do nghe lời thầy cúng không đến bệnh viện khám chữa. Và những người không may qua đời đều mắc bệnh hiểm nghèo...
Đại tá Trần Văn Thọ, Trưởng Công an huyện Măng Yang cho biết: “Mỗi lần nhắc đến chuyện thuốc thư, ma lai, chính quyền lại đau đầu. Lúc trước, ngoài thuốc thư, người ta còn đồn về loại ma lai chuyên bắt người ăn thịt. Nhiều năm qua, chúng tôi đã cố gắng giải quyết những lời đồn mê tín dị đoan này trong dân cư. Đây là một hủ tục lạc hậu hết sức nguy hiểm cần được loại bỏ khỏi đời sống xã hội".