Đi tìm lời giải cho căn bệnh "người hóa rắn"

Một người đàn ông hiện đang sinh sống tại tỉnh Bình Phước bỗng dưng được nhiều người biết đến do mắc phải căn bệnh khiến anh bị lột da như rắn.

Bỗng dưng hóa rắn

Anh Văn Viết Điền (42 tuổi), ở ấp 6, xã Minh Lập, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước, đang khỏe bỗng mắc một căn bệnh làm mặt đen sạm, da toàn thân bị lột. Từ một người nặng hơn 70kg nay sụt chỉ còn 30kg. Chị Ung Thị Ngọc Hạnh, 39 tuổi, vợ anh Điền cho biết, tháng 7-2011, anh Điền bị sưng chân, gia đình đưa đến một phòng mạch tư nhân gần nhà để điều trị. Tại đây, anh được tiêm một mũi thuốc giảm đau, sau đó cho về nhà uống thuốc. Thời gian sau, vết đau ở mắt cá chân ngày càng đau nhức, da trên khắp cơ thể bắt đầu bong tróc như rắn lột da, 2 tai nặng khó nghe, mắt mờ. Giọng nói anh cũng ú ớ khó nghe, toàn thân khó cử động, đôi lúc muốn di chuyển anh thường phải lăn người và bò trườn sát xuống đất...

Chứng kiến cảnh tưởng lạ này nhiều người dân sống trong vùng đã đồn thổi rằng, anh Điền đang chuẩn bị… hóa rắn. “Trước đây, anh ấy rất khỏe mạnh, vẫn thường tham gia các hoạt động thể thao cùng mọi người, không ngờ anh ấy lại đổ bệnh và suy sụp nhanh đến thế…”, một người bạn của anh Điền chia sẻ. Theo một vài người dân sinh sống tại địa phương: Anh Điền sau khi giẫm phải một vệt đất lạ trên đường về nhà thì bất ngờ đổ bệnh, vệt đất này có hình dáng rất giống một con rắn đang nằm phơi mình bên vệ đường. “Anh Điền hiền lành lắm, thế mà thần rắn cũng nhập vào anh ấy để hành hạ, thật tội nghiệp…”, bà Năm, hàng xóm gần nhà anh Điền nói. Những người đã đến thăm anh Điền đều có chung nhận định người đàn ông này sắp hóa rắn…

Từ một người đàn ông khỏe mạnh chỉ sau một thời gian ngắn mắc bệnh hình thức của anh đã thay đổi hoàn toàn, trông anh Điền giờ đây không khác rắn là mấy. “Đầu anh ấy trọc lốc, lưỡi lúc nào cũng lè ra như đang tìm kiếm cái gì đó. Da luôn tróc thành từng mảng lớn và thay đổi theo mùa như rắn lột xác vậy, những giác quan của con người dường như mất dần, anh Điền không còn nhìn được rõ, tai cũng không còn thính như trước, thay vào đó anh thường dùng xúc giác và vị giác để tiếp xúc với thế giới bên ngoài…”, ông T., một người họ hàng xa với gia đình anh Điền chia sẻ.

Không những vậy, hàng đêm hàng xóm gần nhà anh Điền còn đồn nhau rằng, thường thấy nhà anh sáng điện bởi người đàn ông mắc phải bệnh lạ này chỉ ngủ ngày và thức vào ban đêm. Có người đánh bạo sang nhà anh Điền nhìn trộm thì chứng kiến cảnh anh di chuyển bằng cách trườn quanh giường không khác gì kiểu di chuyển thường thấy của rắn. “Hai cánh tay anh ấy áp sát vào thân mình, anh Điền di chuyển bằng cách trườn, mặc dù khá vất vả để đi được một đoạn ngắn nhưng anh vẫn “nhất quyết” không sử dụng tới các chi của mình…”, bà H., hàng xóm lâu năm với gia đình anh Điền tâm sự. Ngay cả những người thân trong gia đình anh Điền cũng thừa nhận, kể từ khi mắc bệnh lạ anh không thể nói được một cách bình thường, những câu phát âm ra đều giật cục và rất khó nghe, nhưng người nhà anh Điền đều khẳng định không có chuyện anh sắp hóa rắn như nhiều người đồn thổi…

Mặc cho những lời đồn thổi gia đình vẫn đưa anh đi BV Bệnh nhiệt đới, TP HCM và được chẩn đoán bị dị ứng thuốc. Anh Điền lại được gia đình chuyển đến BV Chợ Rẫy, TP HCM điều trị nhưng gần 2 tháng nằm viện, bệnh tình vẫn không thuyên giảm. Sau thời gian dài điều trị, các bác sĩ mỗi nơi chẩn đoán mỗi khác, chỗ nói anh bị dị ứng thuốc, nơi nói anh bị nhiễm trùng máu, mủ màng phổi, hội chứng Steven Johnson... Tốn kém hơn 300 triệu đồng nhưng bệnh vẫn không giảm nên gia đình đưa anh Điền về nhà chăm sóc.

Ngày 13/9, ThS.BS Lê Thanh Hùng, trưởng phòng mạch Lê Thanh Hùng (ấp 6, xã Minh Lập, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước) hiện công tác tại BVĐK Bình Phước, cho biết tháng 7/2011, khi bệnh nhân Văn Viết Điền đến chữa bệnh, ông cho uống thuốc hạ sốt, thuốc bổ. Uống 4 ngày bệnh không giảm nên bác sĩ Hùng khuyên gia đình chuyển bệnh nhân Điền lên BV tuyến trên để điều trị. Bác sĩ Hùng khẳng định, trong quá trình chữa trị tại phòng mạch chỉ cho bệnh nhân Văn Viết Điền uống (các loại thuốc như trên) chứ không tiêm bất cứ mũi thuốc nào…
 

Anh Điền khi chưa bị mắc bệnh

Đi tìm nguyên nhân căn bệnh lạ

Mới đây vào ngày 24/9, gia đình bệnh nhân Văn Viết Điền đã nhận thông báo kết quả xét nghiệm của anh từ BVĐK Phạm Ngọc Thạch, TP HCM. Theo kết quả từ các mẫu xét nghiệm máu, các bác sĩ BV Phạm Ngọc Thạch trực tiếp tới nhà bệnh nhân Điền lấy thì nguyên nhân dẫn đến căn “bệnh lạ” khiến anh Điền bị lột da, toàn thân đen sịt và giảm hơn 1/2 trọng lượng cơ thể là do ký sinh trùng từ chó, mèo gây ra. Cụ thể, có 4 ký sinh trùng trong cơ thể bệnh nhân Điền: Ký sinh trùng E.HISTOLYTITA (AMIP), Giun đũa chó mèo Toxocara SP, Giun lươn Stronryloides Stercoralis, Sán dải heo Cystycrose.

Hiện ký sinh trùng đã ăn vào phổi, việc trị bệnh rất khó khăn và cần chi phí rất lớn. Tuy nhiên, sau khi thông tin này được đưa ra thì có nhiều chuyên gia y tế cho rằng chưa đủ cơ sở khẳng định do nhiễm ký sinh trùng chó, mèo. “Việc phát hiện có ký sinh trùng trong máu bệnh nhân không có nghĩa bệnh đó do ký sinh trùng gây nên.

Để xác định rõ nguyên nhân gây bệnh, cần đến nhiều xét nghiệm khác”, PGS-TS-BS Trần Thị Hồng nhận định. TS-BS Lê Mạnh Hùng, Phó Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới TP HCM, cũng cho rằng chưa đủ cơ sở để kết luận bệnh của anh Điền là do ký sinh trùng chó, mèo gây ra. “Muốn xác định chính xác bệnh này, ngoài thử máu và xét nghiệm huyết thanh chẩn đoán, còn phải có thêm nhiều yếu tố lâm sàng khác” - ông Hùng nói.

Ngày 26/9, lật lại hồ sơ bệnh án của anh Điền trong quá trình điều trị tại BV Bệnh nhiệt đới TP HCM, các bác sĩ cho rằng có thể do dị ứng thuốc và nhiễm trùng. ThS-BS Võ Minh Quang, Phó Phòng Tổng hợp BV Bệnh nhiệt đới TP HCM, cho biết anh Điền đã 2 lần điều trị tại đây. Trước khi nhập viện, bệnh nhân sốt 10 ngày, nổi ban và được bác sĩ tư ở địa phương truyền dịch, cho uống thuốc (không rõ thuốc gì) nhưng không khỏi mà còn bị lở loét, phù.

Lần nhập viện thứ nhất (ngày 3/8/2011), anh Điền trong tình trạng sốt cao, nổi hồng ban, lở loét miệng, amidan sưng to và có mủ. Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân âm tính với vi trùng, bạch cầu tăng cao 17.420 (bình thường chỉ 10.000), gan yếu, men gan cao 362 U/L (bình thường 50 U/L), ái toan (EOS) ở mức bình thường 0,6% (nếu nhiễm ký sinh trùng thì mức này sẽ tăng 40%).

Bệnh nhân được chẩn đoán bị dị ứng nghi do thuốc trên nền nhiễm trùng và được điều trị theo phác đồ chống dị ứng và nhiễm trùng với các loại thuốc chống dị ứng, vitamin, kháng sinh. Điều trị đến ngày thứ 4 thì bệnh nhân bớt sốt và được xuất viện trong tình trạng sức khỏe cải thiện, dị ứng giảm, không còn lở loét, gan bình thường...

Trước khi nhập viện lần thứ 2 (ngày 27/9/2011), anh Điền bị viêm phổi và có đến BV Phạm Ngọc Thạch điều trị, sau đó da đỏ toàn thân. Trong lần nhập viện thứ 2, anh Điền trong tình trạng da đỏ, bong vảy, phù mắt, sốt nhẹ và được BV Bệnh nhiệt đới TP HCM điều trị theo phác đồ chống dị ứng, nhiễm trùng. Trong quá trình điều trị, BV đã mời các bác sĩ của BV Da liễu TP HCM tiến hành 3 lần hội chẩn. Đến ngày 18/10, bệnh nhân vẫn trong tình trạng da đỏ toàn thân, tiểu cầu giảm, viêm phổi và được chuyển sang BV Chợ Rẫy điều trị. Rõ ràng nguyên nhân thực sự của căn bệnh lạ mà anh Điền đang mắc phải vẫn là một ẩn số, hiện gia đình anh Điền đang rất mong chờ những chuyên gia đầu ngành có thể giúp đỡ người thân của mình.