Với điều kiện thời tiết thuận lợi, người yêu thiên văn ởhoàn toàn có thể quan sát hiện tượng thiên nhiên kỳ thú này, nhờ các dụng cụ quan sát.
Được phát hiện vào ngày 28/05/2012 bởi dự án Nghiên cứu thiên thạch gần Trái đất của Phòng thí nghiệm Lincoln, bang New Mexico, Mỹ, sao chổi C/2012 K5 sẽ trở thành tâm điểm của các nhà thiên văn nghiệp du vào dịp năm mới 2013 tới đây. Sau khi đi qua điểm cận nhật (điểm gần Mặt trời nhất trên quỹ đạo), sao chổi này sẽ ở gần Trái đất nhất vào hồi 15h 18 hôm nay với khoảng cách 44 triệu km.
Sao chổi C/2012 K5 đang tiến gần Trái Đất trên quỹ đạo của mình. Ảnh: NASA
Với độ sáng cực đại được dự báo đạt cấp 8, sao chổi này có thể dễ dàng quan sát được qua kính thiên văn cỡ nhỏ hoặc ống nhòm, nhưng không thể quan sát bằng mắt thường. C/2012 K5 đang di chuyển vào khu vực chòm sao Ngự Phu, nơi nó sẽ bay qua dải Ngân Hà, trước khi đi vào chòm sao Kim Ngưu.
Dự báo độ sáng của sao chổi C/2012 K5. Ảnh: aerith.net
Tại Việt Nam, điều kiện thời tiết khá thuận lợi cho việc quan sát vì đang ở vào mùa khô. Nếu trời quang mây và nơi quan sát ít bị ô nhiễm ánh sáng hay khói bụi, người yêu thiên văn hoàn toàn có thể quan sát được sao chổi này với các dụng cụ quan sát.
Trong năm 2013 sắp tới, chúng ta còn có nhiều cơ hội quan sát các sao chổi sáng, có thể nhìn thấy qua ống nhòm hoặc kính thiên văn. Đặc biệt, hai sao chổi C/2012 L4 vào tháng 03/2013 và C/2012 S1 vào tháng 11/2013 được dự báo là sẽ rất sáng và có thể quan sát được bằng mắt thường.