Đến giờ này, dù đã nhiều năm trôi qua, nỗi ám ảnh về tội lỗi giết vợ vẫn đeo bám tôi. Với tôi, nó còn nặng nề hơn rất nhiều so với cái an tù chung thân mà pháp luật đã phán quyết. Nhiều lúc ngồi nghĩ lại, tôi cứ tự hỏi vì sao tôi lại giết vợ mình một cách dã man như thế. Trong mỗi con người đều có phần thiện phần ác, phần thiên thần và phần quỷ dữ. Tôi đã sống cả một đời lương thiện, nhưng trong cái đêm định mệnh đó, con quỷ đã chiến thắng và hủy hoại toàn bộ cuộc đời tôi.
Vì một câu nói của vợ, tôi đã gây ra tội ác
Vợ tôi tên là Phượng. Khi còn sống, cô ấy là Phó bí thư Đảng ủy xã Trọng Quan. Gia đình chúng tôi sống tại thôn Hưng Quan, xã Trọng Quan. Đó là nhà của bố mẹ vợ cho chúng tôi khi chúng tôi lấy nhau. Vợ chồng tôi ăn ở với nhau 20 năm nay, đã có 2 mặt con, tuy bát đũa cũng có lúc xô lệch, nhưng tôi tuyệt nhiên chưa bao giờ đánh đập hay nặng lời với vợ. Mọi chuyện chỉ căng thẳng khi con cái chúng tôi lớn lên. Vợ chồng tôi càng ngày càng có nhiều mâu thuẫn hơn, do bất đồng quan điểm trong việc dạy dỗ con cái.
Con trai lớn của chúng tôi từ khi xa gia đình đi học chuyên nghiệp bắt đầu sinh những thói hư tật xấu, đua đòi ăn chơi theo chúng bạn. Đã mấy lần nó bán cả điện thoại, xe máy bố mẹ mua cho để tiêu xài hoang phí. Ở nhà quê, đó là những tài sản không hể nhỏ. Tôi đã khuyên bảo nhiều lần nhưng nó không nghe lời. Vợ tôi vốn tính chiều con, lại là cán bộ xã, ngại điều tiếng nên hễ con tôi đòi hỏi gì, cô ấy đều đáp ứng. Đã không ít lần, cô ấy giấu tôi, lén lấy tiền đưa cho nó.
Vào cái đêm định mệnh đó, tôi đang ngủ thì nghe thấy tiếng sột soạt trong phòng. Tỉnh dậy, tôi thấy vợ đang lục tiền trong túi quần tôi. Tôi vốn là người thoải mái, chẳng bao giờ so đo với vợ về vấn đề tiền nong, chi tiêu trong nhà. Nhưng việc cô ấy lén lút lấy tiền chu cấp cho con chỉ khiến nó thêm hư hỏng, vì vậy tôi đã rất bất bình. Lời qua tiếng lại một hồi, cả hai chúng tôi đều không kiềm chế được sự tức giận mà có những câu nặng lời với nhau. Lúc đó, có lẽ vì quá giận nên vợ tôi, một người phụ nữ khéo léo, tế nhị đã nói ra những lời hoàn toàn khác với tính cách cô ấy: “Này, nên nhớ đây là nhà của ai nhé”.
Chỉ một câu nói đó thôi mà cuộc đời tôi và cô ấy đều tan nát. Hai vợ chồng tôi trước là người cùng thôn, hai gia đình vốn đã thân thiết từ trước. Sau khi kết hôn, vì nhà neo người nên mẹ vợ tôi cắt cho hai vợ chồng một miếng đất dựng nhà, động viên tôi ở rể. Lúc đó anh chị em bên nhà tôi phản đối dữ dội lắm, bảo làm thế sẽ mang tiếng cả gia đình, nhưng tôi là người đơn giản nên chẳng nghĩ nhiều và cũng chưa bao giờ thấy đó là mặc cảm. Mấy chục năm sống với nhau, vợ tôi cũng chẳng bao giờ lôi chuyện này ra để xúc phạm tôi. Nên đêm hôm đó, khi nghe câu nói của vợ, tôi đã rất cay đắng.
Tự ái của một thằng đàn ông khiến tôi lao vào đánh vợ. Trong lúc hai vợ chồng xô xát, tay tôi cầm vào một chai bia gần đó. Thế là trong cơn giận dữ điên cuồng và hoàn toàn mất kiểm soát, tôi đã dùng nó đập thật mạnh vào đầu cô ấy, hết nhát này đến nhát khác. Đến lúc tôi choàng tỉnh thì cô ấy đã chết rồi, gương mặt biến dạng và đẫm máu. Giây phút đó, hình ảnh đó đến bây giờ vẫn ám ảnh tôi mỗi đêm. Tôi đã gây ra một tội ác mà suốt đời tôi không bao giờ hình dung được, cũng như không bao giờ giải thích được lý do.
Linh hồn tôi được cứu rỗi nhờ tình yêu của con gái
Trong một phút quẫn trí sau khi gây ra tội giết vợ, tôi đã đốt xác vợ, khóa cửa rồi dùng xe máy chạy trốn ngay trong đêm. Lúc đó chỉ nghĩ đến việc chạy càng xa càng tốt để không phải đối diện với tội lỗi của mình. Nhưng khi lên đến Hà Nội thì cũng là lúc lương tri của tôi bắt đầu thức tỉnh. 7h sáng ngày hôm đó, sau khi gây án vài giờ, tôi gọi điện cho người em trai, thú nhận sự việc và nhờ cậu ấy sang nhà xem tình hình vợ. Tôi cũng nhắn tin cho con gái đang học ở Hà Nội, nhưng chỉ dám bảo với cháu: “Mẹ ốm nặng, con về quê ngay. Bố xin lỗi”.
Thế rồi, tôi tắt máy. Suốt cả một ngày trời, tôi sống trong tâm trạng rất hỗn loạn. Tôi ghê tởm tội ác mà mình đã gây ra, nhưng tôi cũng sợ hãi phải đối diện với sự trừng phạt của pháp luật. Nhưng hơn tất cả là cảm giác xót xa, đau đớn, ân hận với vong linh người vợ xấu số. Từng giờ, từng phút trôi qua với tôi lúc đó đều rất tồi tệ. Tôi hoàn toàn mất phương hướng, không biết mình nên làm gì, nên trốn đi đâu. Nhưng cuối cùng tôi không trốn, vì sự cắn dứt lương tâm, và vì mỗi lần mở máy điện thoại ra, tôi lại nhận được những tin nhắn đẫm nước mắt của con gái tôi.
Trong tin nhắn, cháu bảo với tôi: “Bố ơi, bố hãy quay về đi, việc đã xảy ra rồi, bố đừng làm sai thêm điều gì nữa. Bố hãy về đầu thú để nhận được sự khoan hồng. Còn con, dù có chuyện gì xảy ra vẫn yêu thương bố mãi mãi”. Đọc tin nhắn đó xong, tôi mới đủ sáng suốt để biết mình nên làm gì. Tôi chỉ có một con đường, đó là quay trở về và đối diện với tội lỗi của mình. Tôi vượt quãng đường gần 200 km về Đông Hưng, Thái Bình và vào công an huyện đầu thú.
Tôi bị kết án tù chung thân. Những ngày tháng đầu sau khi bị bắt là thời gian vô cùng khó khăn với tôi. Vượt trên nỗi sợ hãi bị pháp luật trừng phạt là sự hổ thẹn đến tuyệt vọng trước con cái. Lần đầu tiên gặp con gái sau khi bị bắt, tôi gần như không dám ngẩng đầu lên, tuyệt vọng vì nghĩ rằng con tôi sẽ hận tôi đến hết đời vì đã giết chết mẹ nó. Tôi những tưởng nó sẽ chẳng bao giờ tha thứ cho tôi và vĩnh viễn không bao giờ còn coi tôi là cha.
Nhưng con gái tôi đã vào thăm tôi, với tất cả sự bao dung và nhẹ nhàng, dặn dò tôi đủ thứ, nào là bố phải thành khẩn khai báo để nhận được khoan hồng, nào là bố phải giữ gìn sức khỏe để không ngã quỵ… Nó mang vào cho tôi từ cái áo lót đến đôi tất, từ tuýp thuốc đánh răng đến gói gội đầu. Gặp con, tôi nhìn thấy sự cố gắng kiềm chế đau đớn hiện lên trong đôi mắt, trong cử chỉ, dáng vẻ của nó để khiến tôi yên lòng. Đó là lúc lương tâm của người bố lầm lạc càng thêm đau đớn, day dứt và thầm tự hứa sẽ tìm mọi cách để chuộc lại lỗi lầm của mình với vợ và bù đắp cho những mất mát của con.
Cả gia đình bên vợ tôi đều đoản mệnh. Mấy anh chị em nhà cô ấy giờ chỉ còn dì út, cũng đang mắc bệnh tim.Trước khi tôi gây ra sai lầm khủng khiếp đó, tình cảm giữa chúng tôi rất tốt. Nhưng giờ thì dì ấy không thèm nhìn mặt tôi, và có lẽ cũng chẳng bao giờ tha thứ cho tôi. Thỉnh thoảng tôi lại viết thư về cho dì ấy, hy vọng một ngày nào đó, dì ấy có thể bỏ qua cho những lỗi lầm của tôi.
Con trai tôi cũng vậy. Trước hai bố con vốn có nhiều mâu thuẫn, giờ thêm việc tôi giết mẹ nó nên từ hồi vào đây, nó chưa một lần ghé thăm hay viết thư hỏi han. Thư tôi gửi cho nó, nó cũng không hồi âm. Tôi buồn, nhưng không trách nó, vì tôi biết tôi xứng đáng bị đối xử như thế. Trong thâm tâm, tôi chỉ một lòng mong con trai trở thành người tử tế, biết tự lo cho bản thân, đừng đua theo thói hư tật xấu.
Đến tận bây giờ, nhiều năm sau cái chết của vợ, tôi vẫn đang ngày ngày kiên trì cải tạo để cầu xin sự tha thứ. Vẫn chỉ có cô con gái nhỏ là thường xuyên viết thư thăm hỏi, động viên tôi. Giờ con gái tôi đã đi làm, tuy đồng lương còn ít ỏi nhưng cháu vẫn chắt bóp, dành dụm để gửi tiền thăm nuôi bố. Mùa đông năm ngoái, nó mang cho tôi một cái áo len tự đan, bảo là để tôi mặc cho đỡ lạnh. Tôi cảm động và biết ơn con gái mình vô cùng. Tôi mặc cái áo đó suốt mùa đông, đêm đi ngủ cởi ra cũng để gối đầu giường. Có chiếc áo ấm của con bên cạnh, cơn ác mộng ám ảnh của tội lỗi bớt giày vò tôi hơn.
Nếu không có sự vị tha, sự ân cần và cảm thông của nó, chắc tôi sẽ gục ngã và chẳng đủ can đảm để đối diện với những năm tháng phía trước. Tôi nợ con một lời xin lỗi. Tôi cũng nợ con một lời biết ơn. Khi tôi nói với nó điều đó, nó bảo nó đau đớn vì mất mẹ, nhưng không bao giờ hận tôi, vì nó bảo nó là con tôi, nên nó tha thứ cho tôi vô điều kiện.
Tôi vẫn đang trên con đường trả giá cho tội lỗi của mình, hy vọng một ngày nào đó sẽ được gia đình tha thứ. Điều đó hẳn sẽ rất khó khăn, hoặc vĩnh viễn không bao giờ thành hiện thực được. Nhưng sự vị tha của con gái tôi, tình yêu thương của cháu dành cho tôi là ngọn hải đăng giúp tôi đi đúng đường, là thứ ánh sáng giúp tôi nuôi một chút hy vọng, dù mong manh, nhưng vĩnh cửu.