Trong bức thư ngỏ gửi lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước chia sẻ, sự kiện Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra đi đã thổi bùng lên ngọn lửa từ hàng triệu trái tim của con dân đất Việt, quy tụ về một mối. Ngọn lửa này đã từng bùng lên mạnh mẽ từ tiền tuyến miền Nam đến hậu phương miền Bắc vào những ngày tháng 9/1969 - khi Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần.
Dưới đây là nội dung bức thư của Trung tướng Nguyễn Quốc Thước:
"Tất cả phải cùng hành động để tiếp tục sự nghiệp của Bác Hồ và Bác Giáp đã trao lại cho thế hệ hôm nay và mai sau. Đảng, Nhà nước phải làm sao quy tụ được lòng dân để dân - Đảng một lòng đưa sự nghiệp cách mạng tiếp tục tiến lên. Trái tim của Đại tướng ngừng đập, cũng là lúc 90 triệu trái tim cùng một nhịp, đập mạnh hơn bao giờ hết để tưởng nhớ đến “Vị đại tướng Nhân dân”.
Sau sự kiện này, tiếng nói chung của nhân dân, của đồng chí, đồng đội, các bạn bè từ mọi nơi hoặc điện, hoặc đến trực tiếp gặp tôi đề nghị làm sao vinh danh đúng tầm với vai trò của Đại tướng cho muôn đời mai sau. Tôi nhớ lại trong những năm 90 của thế kỷ 20, trong hàng ngũ tướng lĩnh quân đội cũng như ngoài quân đội đã nhiều lần đề nghị Đảng, Nhà nước phong hàm Nguyên soái cho Đại tướng. Lúc bấy giờ ý kiến chỉ đạo là Luật sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam chỉ có hàm đến cấp Đại tướng nên không thực hiện được.
Nay Đại tướng đã trở thành người thiên cổ, cũng như lúc còn sống, Người không đòi hỏi gì cho bản thân. Nhưng qua những ngày Quốc tang Đại tướng, chúng ta thấy rõ qua lòng dân rằng phải có một danh hiệu xứng đáng với vai trò và cống hiến của Đại tướng, điều đã được thể hiện cụ thể, chi tiết trong bài điếu văn tại lễ truy điệu.
Theo nguyện vọng chung là những gì mà lúc Đại tướng còn sống, chúng ta chưa làm thì nay đến lúc Đảng - Nhà nước - Nhân dân cần làm cho đúng với đạo lý của dân tộc. Ý kiến chung qua phản ảnh thì Đảng - Nhà nước mà trực tiếp là Quốc hội theo quyền hạn của mình cần có quy định truy phong đặc cách hàm Nguyên soái và danh hiệu Anh hùng dân tộc cho Đại tướng để thể hiện ông là người lãnh đạo quân sự cao nhất dưới ngọn cờ của Đảng và Bác Hồ.
Cha ông ta ngày xưa cũng đã từng phong danh hiệu anh hùng dân tộc cho Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Quang Trung thì thời đại Hồ Chí Minh truy phong cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp hàm và danh hiệu đó là vô cùng xứng đáng, hợp lòng dân và ý Đảng, tạo động lực, sức mạnh của sự cố kết, dời non lấp biển của cả dân tộc.
Trước đây có ý kiến luật và quy định không làm khác được, nhưng Quốc hội làm ra luật và có thẩm quyền sửa luật nếu luật không thuận với lòng dân. Nay lòng dân đã rõ, lúc này lòng dân còn cao hơn cả luật, bởi luật đúng nhất là luật đi vào được lòng dân. Quốc hội của dân có đủ thẩm quyền để sửa đổi, bổ sung khi mà lòng dân đã thuận và thuận theo lòng dân thì luật mới có sức mạnh, như vậy Nhà nước lại càng được sự đồng thuận của dân.
Trên tinh thần đó, thể theo ý nguyện nhiều tầng lớp nhân dân mà tôi tiếp cận được, mong rằng Đảng, nhà nước trên tinh thần “của dân, vì dân” làm toại nguyện lòng dân. Được lòng dân là được tất cả. Kỳ họp Quốc hội sắp tới chắc sẽ có phút mặc niệm Đại tướng và sau đó nếu có một phiên họp để xem xét nhanh chóng những đề xuất này thì tin rằng đây sẽ là một kỳ họp để lại dấu ấn sâu sắc đối với toàn dân, thực sự đáp ứng lòng mong đợi của nhân dân".
Mới đây, Hội Tư vấn Khoa học Công nghệ và Quản lý TP HCM Hascon có văn bản do Chủ tịch Hội Hascon Nguyễn Bách Phúc ký, đề nghị Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam xem xét và quyết định phong Hàm Đại Nguyên soái cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp"
Trước đó, Hội Cựu chiến binh Việt Nam đã đề xuất Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam kiến nghị với Đảng và Nhà nước sớm quy hoạch ngôi nhà số 30 Hoàng Diệu, Hà Nội, làm Bảo tàng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ngôi nhà không chỉ là nơi Đại tướng gắn bó suốt chặng đường dài từ khi trở về Hà Nội tiếp quản thủ đô mà còn là nơi ông làm việc và đón tiếp các đoàn ngoại giao. Bên dưới ngôi nhà lại là căn hầm kiên cố mà Đại tướng đã làm việc, chỉ huy các chiến dịch trong những năm chiến tranh. Đây cũng là địa chỉ in sâu trong tiềm thức của người dân: nhắc đến số nhà 30 Hoàng Diệu là nhớ đến Đại tướng.