"Xe giường nằm không phù hợp với các loại đường ở Việt Nam. Bởi xe giường nằm gầm thấp, dài, nên trọng tâm xe cao dễ chòng chành. Trong khi đó, đường của Việt Nam nhỏ, hẹp, quanh co. Như vậy, tai nạn có thể đến với hành khách bất cứ lúc nào."
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy, nguyên giám đốc Nhà Xuất bản Giao thông vận tải (chuyên gia Nghiên cứu Giao thông đô thị) đã nói như vậy.
Trong thời gian qua, nhiều vụ tai nạn giao thông xảy ra đối với xe khách, trong đó có xe giường nằm hai tầng. Đặc biệt, ngày 1/9, tại huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai xảy ra vụ tai nạn, xe khách lao xuống vực khiến 13 người chết, 35 người bị thương. Sau vụ tai nạn, nhiều người lo ngại về an toàn của xe giường nằm hai tầng, đặc biệt chạy trên tuyến đường đèo, đồi núi.
Ông Thủy cho biết, ở nhiều nước châu Âu, như Thái Lan không có xe giường nằm mà chỉ có xe buýt ghế ngồi, hành khách ở trên xe muốn ngả lưng thì có thể ngả ghế ra nằm. Như vậy, rất tiện, an toàn cho hành khách.
Còn ở Việt Nam hiện nay xe giường nằm lại được sử dụng nhiều và phần lớn sử dụng vận tải hành khách ở tuyến đường dài, đồi núi. Đáng lẽ xe khách chỉ được 40 hoặc 50 người nhưng chủ xe lại hoán cải thành xe giường nằm hai tầng và nhồi nhét chở đến 80 người. Như vậy, xe giường nằm bị quá trọng tải. Thêm nữa, diện tích bên trong xe giường nằm rất hạn chế. Hành khách lên xe đều phải ngồi theo kiểu “bó gối” rất khó chịu. Khả năng thoát hiểm trên xe cũng kém.
“Khi hành khách bị ngồi trong tư thế “bó gối” thì khó có thể thoát nhanh ra ngoài khi xe bị lật, cháy nổ. Tôi thấy thực tế đã có nhiều vụ tai nạn xảy ra rất thương tâm và vụ xe khách lao xuống vực ở Lào Cai làm 13 người chết, 35 người bị thương là ví dụ minh chứng”, ông Thủy nói.
Theo ông Thủy, xe giường nằm không phù hợp với các loại đường ở Việt Nam. Bởi xe giường nằm gầm thấp, dài, nên trọng tâm xe cao dễ chòng chành. Trong khi đó, đường của Việt Nam nhỏ, hẹp, quanh co. Gương cầu lồi và biển báo dọc đường chỗ có chỗ không. Hệ thống hộ lan ở ven đường cũng hư hỏng.
Xe giường nằm chạy trên đoạn đường có đèo, đồi lại càng không phù hợp bởi vì đường hẹp, góc cua tay áo nhiều. Khi xe giường nằm lưu thông qua gặp phải ổ gà, góc cua tay áo thì dễ bị lật bởi vì lúc đó lực văng của xe lớn. Đặc biệt, xe giường nằm đi vào lúc đêm tối, nguy cơ tai nạn rất cao.
“Từ những phân tích trên, tôi đề nghị với Bộ GTVT, không nên chỉ cấm xe giường nằm lưu hành đường đồi núi mà phải cấm cả ở đường đồng bằng. Xe giường nằm phải được đưa về vị trí ban đầu, đó là xe ghế ngồi, đúng trọng tải, đúng ghế ngồi, đảm bảo an toàn cho hành khách”, ông Thủy nêu.
Ông Thủy cho hay, ông đã từng đi xe giường nằm từ Hà Nội vào Quảng Bình, khi lên xe ông thấy rất khó chịu vì phải nằm trên giường trong tư thế chật chội, co chân. Nhà vệ sinh trên xe không có, trong khi đó chủ xe thường xuyên nhồi nhét khách khiến không khí trên xe ngộp thở. Những lúc như vậy ông thấy đi xe không khác gì kiểu bị “hành hạ”.
“Cũng có nhiều doanh nghiệp lo ngại hoặc nói rằng nếu cấm xe giường nằm sẽ ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh, thậm chí có thể phá sản. Tôi cho rằng lý do đó chưa thuyết phục. Trước đây, xe giường nằm chở gấp đôi khách so với xe ghế ngồi, giờ bị cấm bắt buộc chủ xe phải hoán cải lại thành xe ghế ngồi. Lợi nhuận của doanh nghiệp có thể bị giảm, nhưng cái quan trọng vẫn phải đặt vấn đề an toàn cho hành khách lên đầu”, ông Thủy phân tích.
Thống kê của Cục Đăng kiểm (Bộ GTVT) cho thấy, cả nước có khoảng 4.500 xe giường nằm, trong đó có khoảng 1.000 xe mang biển số các tỉnh Tây Nguyên và miền núi phía Bắc. Như vậy, sẽ khoảng 3.000 xe loại xe giường nằm đang chạy đến các tỉnh vùng cao. Ông Thủy cho rằng, con số này là quá nhiều, bất hợp lý. Bộ GTVT cũng cần phải rà soát lại để quản lý số xe giường nằm được chặt hơn.
Ông Thủy đề xuất, song song với việc cấm xe giường nằm hoạt động trên tuyến đường đồi núi quanh co, hiểm trở, Bộ GTVT nên tăng thêm nhiều đuôi tàu hỏa để phục vụ nhu cầu của nhân dân. Như vậy, việc đảm bảo an toàn cho hành khách sẽ được tốt hơn.