Toàn bộ phần II của đề văn là những câu hỏi liên quan tới nhận thức của học sinh về chủ quyền dân tộc, những hiểu biết của học sinh về ý nghĩa thiêng liêng của việc bảo vệ chủ quyền của dân tộc, trước những thế lực ngoại xâm.
Câu 1 phần 2 đưa ra đoạn trích trong lệnh truyền của vua Quang Trung khẳng định việc “đất nào sao ấy, đều đã phân biệt rõ ràng” và kêu gọi những người có lương tri cùng hiệp lực để bảo vệ quyền chính đáng của dân tộc. Ngoài việc yêu cầu thí sinh trình bày hiểu biết của mình về đoạn trích, đề bài cũng yêu cầu học sinh chép các câu thơ có nội dung tương tự trong bài “Sông núi nước nam”.
Đặc biệt, câu cuối cùng của phần II là một câu hỏi mở đề nghị học sinh trình bày suy nghĩ về “hình ảnh của những người chiến sĩ ngày đêm bảo vệ biển đảo thiêng liêng của dân tộc”.
Em Phạm Ngọc Oanh, một thí sinh dự thi ở hội đồng THPT Phạm Hồng Thái cho biết: “Đề văn khó hơn so với đề thi các năm trước. Nhưng vấn đề “khẳng định chủ quyền dân tộc” cũng đã được các thầy cô dạy kĩ. Hơn nữa đây cũng đang là vấn đề thời sự, liên quan tới chủ quyền của đất nước nên em thấy thú vị”.
Tại hội đồng thi THPT Thăng Long, nhiều thí sinh cho biết đã “chém gió” thoải mái ở câu hỏi mở. Có những học sinh cho biết đã xúc động sâu sắc khi viết đoạn văn về hình ảnh người chiến sĩ bảo vệ biển đảo.
Cô giáo Phạm Thị Tú Anh, giáo viên trường THCS Đống Đa nhận xét: Đề văn năm nay không khó, chỉ có chút bất ngờ đối với giáo viên và học sinh nên có thể có những em lúng túng. Đây cũng là năm đầu tiên đề thi văn vào lớp 10 của Hà Nội có một câu hỏi mở, liên quan đến vấn đề thời sự đang được dư luận cả nước quan tâm. Bên cạnh đó, câu hỏi liên quan tới đoạn trích trong tác phẩm “Hoàng Lê nhất thống chí” cũng hướng học sinh tới suy nghĩ về chủ quyền đất nước. Đây cũng là câu hỏi mới mẻ so với dự đoán của nhiều người khi cho rằng thường đề văn ra cho học sinh THCS chỉ liên hệ với chủ đề gia đình, lòng biết ơn, lý tưởng sống. Tuy nhiên, với đề văn này, học sinh nắm chắc kiến thức cơ bản có thể đạt điểm khá.