Đây là đề thi học kỳ môn Ngữ văn lớp 10 của Trường THPT Anhxtanh Hà Nội diễn ra vào ngày 22/12.
Đề th môn Ngữ Văn của trường THPT Anhxtanh Hà Nội.
Đề thi gồm 4 câu hỏi với thời gian làm bài 60 phút. Trong đó, câu cuối cùng của đề thi (2 điểm) thu hút cộng đồng mạng với nội dung yêu cầu học sinh sửa câu chữ ngôn ngữ mạng để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.
Câu số 4 đưa ra một lời tâm sự của một cư dân mạng trong đó có sử dụng ngôn ngữ của cộng đồng như "mệt vãi", "ẻm"...
Câu số 4 gây hứng thú cho học sinh khi yêu cầu sửa ngôn ngữ cư dân mạng.
Đề thi như sau: Cư dân mạng (Netizen) tham gia vào cộng đồng trực tuyến với cách viết và cách hiểu tiếng Việt của riêng họ. Dưới đây là một ví dụ:
a) Bạn hãy sửa cho đúng chuẩn chính tả tiếng Việt và viết lại nội dung của dòng trạng thái trên bằng ngôn ngữ trong sáng và dễ hiểu với cả những người không tham gia cộng đồng mạng.
b) Nhiều ý kiến cho rằng ngôn ngữ của cư dân mạng là tất yếu bởi sự tiện lợi, nhanh chóng, trực tiếp và đôi khi hài hước. Nhưng cũng có người phê phán sự xuất hiện của thứ ngôn ngữ làm xấu xí tiếng Việt và người Việt. Quan điểm của bạn về vấn đề này như thế nào?
c) Bạn hãy viết một lời kêu gọi (khoảng 100 từ) để giữ gìn sự trong sáng và văn minh trong việc dùng tiếng Việt của cộng đồng mạng.
Trao đổi với chúng tôi, thầy Đào Tuấn Đạt – Hiệu trưởng Trường THPT Anhxtanh cho biết lý do ra đề này là bởi hiện nay học sinh sử dụng ngôn ngữ “cộng đồng mạng” rất nhiều.
Thậm chí nhiều em còn lạm dụng các từ đế, đệm, thậm chí tục bậy rõ ràng ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh của cá nhân người viết và cộng đồng nói chung.
Vì vậy, thông điệp của nhà trường: “Chúng tôi muốn nhắc nhở học sinh cẩn trọng và chú ý giữ gìn tiếng Việt. Đó không đơn thuần là câu chữ mà còn là tâm hồn và văn hóa”.
Thầy Đạt cho biết thêm, ý tưởng sâu xa của câu này từ chính câu thơ của nhà thơ Lưu Quang Vũ.
Tiếng tha thiết, nói thường nghe như hát/ Kể mọi điều bằng ríu rít âm thanh/ Như gió nước không thể nào nắm bắt/ Dấu huyền trầm, dấu ngã chênh vênh.
Ai phiêu bạt nơi chân trời góc biển/ Có gọi thầm tiếng Việt mỗi đêm khuya ?/ Ai ở phía bên kia cầm súng khác/ Cùng tôi trong tiếng Việt quay về.
“Thay vì bắt các em bình luận, nhận xét thì tốt nhất là để các em “xắn tay vào làm việc”! Sửa lại để tìm một cách nói đúng và hay hơn cái cũ tạo hứng thú cho các em hơn”, thầy hiệu trưởng chia sẻ.
Thầy hiệu trưởng cũng cho biết thêm, hiện nay giáo viên của trường đang tiến hành chấm bài thi của các em.
“Theo đánh giá sơ bộ, các em có nhiều cách sửa khác nhau, gây cười nhất là có em sửa lại theo một kiểu khác nhưng vẫn giữ nguyên ngôn ngữ teen đặc trưng của cộng đồng mạng, tức là dường như chưa sửa gì cả!”, thầy Đạt nói.
Hiệu trưởng của trường THPT Anhxtanh, thầy Đào Tuấn Đạt - là người nổi tiếng với nhiều đề thi dị, độc.
Nói về đề thi, thầy Nguyễn Phi Hùng – Tổ trưởng tổ Văn nhà trường cho biết: “Các giáo viên, học sinh trong trường đều sử dụng mạng xã hội đặc biệt là facebook. Tôi thấy đôi khi các em đều đang sử dụng cách hành văn chưa chính thống và trong sáng.
Vì vậy, với vai trò là giáo viên dạy văn chúng tôi cần định hướng việc sử dụng ngôn ngữ của các em. Đó như một lời nhắc nhở học trò giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt”.
Thầy Hùng cũng nói thêm rằng, câu số 4 giáo viên không hề định hướng mà chỉ là người đưa ra vấn đề và chính các em là người trong cuộc sẽ đưa ra quan điểm cá nhân của mình, bày tỏ chứng kiến tự do không gò ép.
Trước đó, Trường THPT Anhxtanh Hà Nội từng ra nhiều đề thi “lạ” đưa hình ảnh mèo Tom, chuột Micky; đề thi Vật lý lớp 10 có đề cập đến trò chơi Flappy Bird...