Hành vi leo thang gây hấn của Trung Quốc trong vùng biển chủ quyền của Việt Nam khiến cho mọi tầng lớp người dân phẫn nộ. Nỗi lo âu về sự toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải và cả đối sách với nước láng giềng phương Bắc được dư luận phân tích mổ xẻ.
Trong tâm trạng xã hội phong phú và nhiều sắc thái ấy, có thể thấy tất cả đều có chung một biểu hiện- đó là lòng yêu nước. Thế nên, khi một đề thi tú tài mở ra cho hàng triệu thí sinh bày tỏ thái độ của mình trước thời cuộc, lập tức được dư luận xã hội đồng tình. Bởi qua đó ai cũng tìm thấy được sự đồng cảm “triệu trái tim, một tấm lòng” khi tổ quốc lâm nguy. Năng lượng ấy như tăng thêm, được cộng hưởng.
Cũng trong ngày thi tốt nghiệp vừa rồi, sau mộn văn thi bắt buộc, là môn sử được tự chọn . Hình ảnh một thí sinh “cô đơn” với cả chục giám thị ở những hội đồng thi khắp cả nước liên tục được xuất hiện trên các phương tiện truyền thông. Nếu như đề thi mở của môn văn được dư luận hồ hởi đón nhận, thì lại càng làm tô đậm sự èo uột của “tinh thần” môn sử. Nói gì thì nói, thi cử là một dịp để ngành giáo dục kiểm tra, sát hạch những kiến thức mà học sinh đã được trang bị trong suốt 12 năm ngồi ghế nhà trường. Nói gì thì nói, tinh thần yêu nước là yếu tố tự thân của mỗi người. Yếu tố ấy được tự trải nghiệm bằng kiến thức, bằng những rung động từ sự thật lịch sử dù hào hùng hay bi tráng của dân tộc. Vậy mà, thời gian qua, môn sử lại bị dư luận phê phán về cách dạy, cách học xơ cứng, không truyền được cảm hứng cho học sinh, chưa kể nhiều kiến thức về lịch sử biển đảo, hay những sự kiện lịch sử liên quan đến Trung Quốc vẫn chưa được đưa vào sách giáo khoa. Thế nên, để tinh thần yêu nước ấy của giới trẻ được lan tỏa với đầy đủ sức mạnh của nó thì rõ ràng rất cần được bồi đắp bằng những viên gạch kiến thức, hay lòng yêu nước trong suốt quá trình học tập chứ không chỉ là trong một sớm một chiều, thông qua một đề thi mở.
Vì vậy, sự hào hứng ấy, cũng cần được nhìn nhận mổ xẻ, nhất là trong bối cảnh một nền giáo dục nặng nề “tầm chương trích cú” như ở ta hiện nay.
Mấy hôm nay, dư luận lại “giật mình” bởi sau đề thi mở ấy là những gợi ý chấm bài từ barem của bộ GD&ĐT . Sự sáng tạo, “mở bung”, tinh thần tự luận về lòng yêu nước được gợi ý chấm điểm như sau:
"Hướng dẫn chấm thi" với định barem điểm từng câu.
“- Hành động sai trái của Trung Quốc khi xâm nhập, hạ đặt giàn khoan trái phép ở vùng đặc quyền kinh tế và quyền tài phán của Việt Nam, vi phạm chủ quyền của Việt Nam.
- Tình cảm yêu nước của người Việt Nam; sự quan tâm và ủng hộ của nhân dân tiến bộ trên thế giới.
- Kêu gọi nhân dân bình tĩnh, sáng suốt trong việc thể hiện lòng yêu nước”.
Cho dù, PGS TS Mai văn Trinh cục trưởng cục khảo thí và kiểm định chất lượng (bộ GD&ĐT) khẳng định trên báo chí, năm nay cùng với đề thi mở, bộ cũng thay đổi cách chấm điểm bằng cách mời các chuyên gia, giáo viên phổ thông cùng góp ý để hoàn thiện hướng dẫn chấm thi, thay vì ban đề thi của bộ làm trọn gói như những năm trước thì chắc chắn việc “đếm ý cho điểm” là điều không tránh khỏi. Bởi, cũng PSG TS Trinh dù mở cách mấy cũng phải có chuẩn, và ba tiêu chí chuẩn như trên liệu có phải là chuẩn của tinh thần yêu nước?
Đổi mới thi cử, mà thông qua cách ra đề cũng là một sáng kiến đáng ghi nhận, nhưng sáng kiến đề văn năm nay có một số phận tương đối đặc biệt vì nó cộng hưởng được với tâm trạng xã hội. Và hãy còn quá sớm để có thể đánh giá tác động mở của nó trong tư tưởng tình cảm học trò, bởi điều ấy còn phải căn cứ vào chất lượng làm bài của thí sinh. Sản phẩm của giáo dục là con người, là học sinh, do đó đổi mới nội dung thi cử cũng cần được các nhà quản lý cân nhắc trước tiên trên yêu cầu là thước đo chuẩn xác chất lượng dạy và học, chứ không phải tùy hứng “mở”, chạy theo cho kịp phong trào