“Độ khó của đề thi ĐH dẫn đến điểm trung bình 3 môn thi của nhiều thí sinh (TS) thấp bất ngờ, vì vậy việc xác định điểm sàn là khó khăn” - tiến sĩ Nguyễn Kim Quang, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TPHCM), nhận định. Đại diện nhiều trường ĐH cho rằng thật khó lý giải khi sự chênh lệch giữa kết quả thi THPT và kết quả thi ĐH quá xa nhau, rất nhiều TS thi tốt nghiệp THPT đạt 7-8 điểm/môn nhưng thi ĐH chỉ 1-2 điểm/môn.
Phổ điểm quá thấp
Tại Trường ĐH Sài Gòn, trong số 143.023 TS dự thi ĐH năm 2012, có đến 1.075 bài thi đạt 0 điểm; 10.651 bài thi đạt 0-1 điểm, 25.637 bài thi đạt từ 0-2 điểm. Theo đó, có 218 TS đạt 4 điểm/3 môn, 2.129 TS đạt 6 điểm/3 môn và có đến 21.327 TS chỉ đạt 10 và dưới 10 điểm/3 môn. Trong đó, môn toán ở các khối có 340 TS đạt điểm 0; 6.814 TS đạt 0-1 điểm; 18.893 TS đạt 3 điểm trở xuống… Trong khi đó, số TS đạt điểm giỏi chỉ trên đầu ngón tay, cụ thể, có 6 TS đạt điểm 9; 2 TS đạt 8,75 điểm; 6 TS đạt 8,5 điểm môn toán.
Cũng môn thi toán, tại Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, theo thống kê có 211 TS đạt điểm 0, 3.805 TS đạt từ 0-1 điểm, có 15.115 TS dưới 4 điểm, trong khi chỉ có 4 điểm 9 và 36 TS đạt 8 điểm trở lên, 218 TS đạt 7 điểm trở lên. Tương tự ở môn lý, tại Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, trong số 14.966 TS dự thi khối A có đến 13.040 TS chỉ đạt dưới 5 điểm. Ở môn hóa, có đến 12.998 TS chỉ đạt 4,75 điểm trở xuống, trong khi chỉ có 2 TS đạt 8,5 điểm, 5 TS đạt 8 điểm và 8 TS đạt 7 điểm.
Ở khối C, lịch sử là môn thi có mức điểm thấp nhất. Tại Trường ĐH Sài Gòn, trong số 1.886 TS dự thi khối C, có đến 225 bài thi môn sử đạt 0-0,75 điểm; 688 bài đạt 2 điểm trở xuống và 1.625 TS đạt 4,75 điểm trở xuống. Như vậy, chỉ có 261 TS đạt 5 điểm trở lên và chỉ có 29 TS đạt 7 điểm trở lên ở môn lịch sử. Ở môn địa, kết quả cũng không mấy khả quan khi có đến 1.309 bài thi đạt 4,75 điểm trở xuống, chỉ có 74 TS đạt điểm 7 trở lên…
Tại sao thi ĐH nhiều TS lại đạt kết quả thấp như vậy? PGS-TS Đỗ Văn Xê, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ, cho rằng đề thi khó chính là nguyên nhân dẫn đến kết quả thi thấp. “Chúng ta vẫn đang phải làm theo lối suy nghĩ cũ, coi thi ĐH là kỳ thi tuyển chọn những TS xuất sắc, giỏi để đào tạo ra người tài. Thực ra, xu thế hiện nay, đào tạo ĐH là đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu xã hội, các quy định chất lượng ĐH không phải chỉ ở thi đầu vào mà chủ yếu là quá trình đào tạo, do đó cần phải xem lại việc ra đề thi ĐH phù hợp với thực tế hơn” - ông Xê nhấn mạnh.
Áp lực thi cử, học thêm
Tiến sĩ Nguyễn Kim Quang cho rằng các trường hiện vẫn tuyển TS từ mức điểm cao xuống thấp, do đó, đề thi khó kéo theo kết quả thi thấp và điểm sàn thấp là điều không hay. “Việc ra đề thi cần được cân nhắc để có được phổ điểm hợp lý. Ngoài mục tiêu tuyển chọn học sinh khá giỏi, đề thi cần đáp ứng mục đích học sinh học lực trung bình cũng có kết quả không quá kém” - tiến sĩ Quang nói.
Một số chuyên gia cho rằng Bộ GD-ĐT chủ trương đề thi ĐH kiến thức chủ yếu nằm trong chương trình phổ thông, tuy nhiên thực tế là với mức khó của các đề thi trong những năm gần đây, nếu không học thêm thì học sinh rất khó đạt được điểm cao. PGS-TS Đỗ Văn Xê cho rằng đề thi quá khó khiến TS phải đi luyện thi, tạo áp lực rất lớn cho gia đình, xã hội và bản thân TS. Trong khi đó, ở bậc ĐH, những kiến thức TS vất vả ôn luyện để đạt điểm cao lại không sử dụng tới, rất lãng phí. Ngoài ra, đề thi khó khiến nhiều TS có tiềm năng nhưng không thể vào được ĐH…
ThS Phan Thiện Danh, Khoa Toán - Tin Trường ĐH Sư phạm TPHCM, cho rằng có nhiều ngành ví dụ như kinh tế chẳng hạn, kiến thức về lý, hóa không cần đến nhiều, do đó đề thi nên ra dựa theo kiến thức cơ bản, không nên quá chuyên biệt để nhiều TS có thể làm bài được và những kiến thức này là nền tảng cho các em bước vào ĐH. Ông Danh nêu ví dụ đề thi toán năm 2012 có sự phân loại học sinh khá tốt, tuy nhiên vẫn có vài câu khó, đánh đố TS, do đó rất khó đạt được điểm cao.
Tiến sĩ Nguyễn Kim Quang cho rằng cần có bộ phận đánh giá, kiểm định đề thi và việc xây dựng đề thi phải dựa trên cơ sở khoa học. Kỳ thi ĐH chỉ mới là một phần xác định năng lực học tập của TS ở cấp độ THPT để đủ kiến thức vào học ĐH. Do đó, đề thi nên đề cao năng lực tư duy của TS hơn là đánh đố… Ngoài ra, việc tuyển sinh trong tương lai cần xây dựng theo hướng đánh giá được năng lực của TS cả trong quá trình học tập từ bậc THPT.