Vét sạch nguồn cá
3h chiều, vựa CCB của ông Minh ở xóm Chụt (phường Vĩnh Nguyên, TP. Nha Trang) đang “đóng gói” cá để chuyển cho khách. Từng con khoang cổ đỏ, mú đỏ, cá quan họ, tôm bác sĩ đến những con cua bé xíu bằng đầu ngón tay được cho vào bịch nylon cùng một ít nước biển. Một người thợ bơm vào bịch bóng một ít ôxy rồi cột chặt miệng bằng dây thun và xếp vào thùng xốp.
Vớt bỏ hải quỳ chết.
Hôm nay, ông Minh giao cho khách hàng hơn 700 con CCB các loại. Công việc đang dang dở, điện thoại ông Minh liên tục reo. “Cứ để cá dưới biển, đừng đưa lên bờ vội yếu cá của anh, chờ chút xuống liền nhen…” - ông giả lả.
Gần đây, nguồn cá hút hàng, nhiều người chuyển vựa ra tận biển, lập bè tranh mua cá. Ai ai cũng phải chiều lòng thợ lặn mới mong có đủ cá giao cho khách hàng. Vơ cái xô nhựa, ông chủ vựa cá to béo chạy vội đi. Tôi cũng vội bám theo chủ vựa lớn nhất khu Chụt đến thẳng một bến tự phát, nằm sâu trong con hẻm nhỏ dẫn ra biển, nơi các con thuyền của thợ lặn trở về mỗi buổi chiều.
Ông Võ Văn Hải - chủ chiếc thuyền nhỏ vớt cá cảnh vào cái xô nhựa, vác vội lên bờ. Ở thuyền khác, các tay thợ lặn đang hì hục khiêng từng xô chứa hải quỳ lên bờ. Chọc tay vào thùng, ông Hải liên tục quấy nước chống ngợp cho cá, kể: Ba thầy trò ông ra vịnh Nha Trang từ sáng sớm, thay nhau lặn sâu hơn 10m mới bắt hơn hai chục con khoang cổ, 5 con cá dĩa và một chú mú đỏ, trị giá chưa tới 300.000 đồng.
Ông Hải làm nghề lặn bắt CCB đã hơn chục năm nay. Trước đây, còn nhiều cá quý, nghề này sống khỏe, nay nguồn cá cạn kiệt, chỉ loanh quanh mấy con cá rẻ tiền. “Cứ bắt kiểu này, rồi chẳng còn con nào” - ông Nguyễn Văn Hai, một thợ lặn già đã giải nghệ, đứng cạnh lên tiếng. Ông tỏ ra lo lắng với kiểu khai thác tận diệt của cánh thợ lặn ngày nay.
Trước đây, thợ lặn thường nhử cá về hang rồi dùng lưới vây bắt. Nay, nhu cầu tăng cao, lớp thợ trẻ dùng cả thuốc mê, thuốc tê. Cá “dính” thuốc lao ra khỏi hang, ngất, họ chỉ việc nhặt về, cũng vì vậy mà cá đem về nuôi rất nhanh chết. “Thời buổi này mà bắt kiểu mấy ổng thì chết đói. Ngày xưa cá đàn đàn, lũ lũ, nay họ thi nhau vét, không lẽ mình thua” - một thợ lặn tên Trường vặc lại.
Từ khi ra đời các Khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang, Rạn Trào (Vạn Ninh, Khánh Hòa) đã phần nào bảo vệ được các rạn san hô, ngôi nhà của CCB, nhưng tình trạng đánh bắt trái phép vẫn diễn ra thường nhật. Các thủy cung lớn ở Nha Trang hiện nay đều phải đặt hàng ngư dân đánh bắt xa bờ kết hợp khai thác CCB tận Trường Sa nhưng những loại cá quý như cá nemo, trước đây chỉ có ở Trường Sa nay cũng đã mất bóng.
Đào tận gốc, trốc tận rễ
Trong vai một du khách mới mày mò chơi CBB, tôi điện thoại cho ông chủ xin được “tham quan” một vựa CCB nổi tiếng ở đường Bắc Sơn (phường Vĩnh Hải, Nha Trang), nơi vừa buôn sỉ, xuất khẩu CCB và cung cấp các loại san hô, hải quỳ, đá sống… Mất điện, mọi máy sục khí của hơn hàng trăm bể chứa ngừng hoạt động, cả vựa cá rộng lớn nồng nặc mùi sinh vật biển phân hủy. Chủ vựa đi vắng, vài thợ giúp việc nhanh tay vớt bỏ những sinh vật đã chết. Bên góc phải, 4 công nhân sử dụng 4 dây bơm ôxy đang hoạt động hết công suất, “đóng gói” các loại CCB vào bịch bóng rồi xếp vào thùng xốp để kịp giao hàng.
Mong manh cơ hội phát triển
Từ năm 1999, Viện Hải dương học đã nghiên cứu thành công và hoàn thiện quy trình sản xuất giống và nuôi thương mại cá hề đỏ cà chua (cá nemo) cùng 6 loài cá ngựa và nuôi cấy thành công san hô. Theo đó, với 10 cặp cá bố mẹ, một năm sản xuất sẽ thu về 10.000 con cá thương phẩm, giá trị 188 triệu đồng, trừ chi phí, lợi nhuận thu được gần 100 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, nhiều năm trôi qua, phương án này vẫn chưa thành công, nhiều hộ bắt tay vào làm rồi thua lỗ vì tỷ lệ sống quá thấp.
Một nhóm thợ lặn đang xếp ra góc trại một đống san hô sống, san hô mềm và hải quỳ vừa được đưa vào từ biển, chờ chủ vựa thanh toán tiền. Một nhóm khác mới vào nghề đang “thọ giáo” cách dùng thuốc mê, cách đào san hô, bứng hải quỳ và cách nuôi sống chúng trước khi nhập vựa.
Việc khai thác và mua bán các loại san hô bị cấm nhưng ở đây, san hô các loại, ngôi nhà của CCB được mua bán công khai với số lượng lớn. Một người làm trong vựa cho biết, hàng ngày vựa xuất bán hàng trăm khối san hô đủ kích cỡ và bán cả ngàn con CCB cho hầu hết các thủy cung trong nước và xuất khẩu sang Đức, Canada, Pháp...
Theo tiến sĩ Hà Lê Thị Lộc (Viện Hải dương học Nha Trang), CCB và san hô trên thế giới cực kỳ đắt đỏ, một cục san hô bằng nắm tay có giá đến vài chục đô la Mỹ vì chúng được tạo ra từ cấy nhân tạo. San hô tự nhiên ở các nước bị cấm khai thác và mua bán.
Ở nước ta, dù cấm nhưng san hô vẫn bị khai thác vô tội vạ và bày bán với giá cực rẻ. Rạn san hô bị phá hủy, ngôi nhà, nơi ẩn nấp, nơi kiếm ăn của cá bị triệt phá, CCB ngày cạn kiệt là điều dễ hiểu.