Vì giáo dục hay… vì tiền?
Đề án SGK điện tử của Sở GDĐT TPHCM cùng các đơn vị phối hợp thực hiện đưa ra hàng loạt tính toán về kinh phí, cách thức tổ chức thực hiện... với nhiều chi tiết hết sức vô lý. Đơn cử như các giáo viên trực tiếp giảng dạy thì bồi dưỡng tại chỗ bằng nguồn kinh phí đầu tư trang thiết bị, còn các hiệu trưởng lại được bồi dưỡng tại các quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản trong 4 tuần với kinh phí 250 triệu đồng/người/khóa học.
Thêm vào đó, áp dụng SGK điện tử nhưng lại còn tổ chức bồi dưỡng thêm giáo viên dạy tiếng Anh trong nước theo hình thức mời giáo viên bản ngữ đào tạo thời hạn 3 tháng, chi phí 55 triệu đồng/người/giáo viên.
Còn có rất nhiều khoản được “đẻ” ra, như hỗ trợ giáo viên mỗi người 1 máy tính, trị giá hơn 16 triệu đồng, lắp camera quan sát lớp học, trang bị hệ thống âm thanh, mỗi trường đầu tư một phòng họp trực tuyến trị giá hơn 1 tỉ đồng... trong khi nhiều giáo viên cho là không cần thiết.
PGS-TS Nguyễn Thiện Tống băn khoăn với câu hỏi, liệu SGK điện tử có nâng cao được chất lượng giáo dục hơn là SGK và cách dạy học truyền thống hay không? Điều này không thấy những người soạn thảo đề án đưa ra. Không phải cứ chi nhiều tiền là sẽ nâng cao được chất lượng giáo dục.
Bên cạnh đó, nhiều trường vẫn còn đang “ôm” cục nợ hàng chục triệu đồng khi áp dụng bảng tương tác theo yêu cầu của Sở GDĐT, giờ lại ôm thêm nỗi lo khi phải đối mặt với khoản thu hàng tỉ đồng cho máy tính bảng, nếu đề án này được thực hiện.
Chưa lường hết nguy cơ đã định áp dụng?
Nhiều câu hỏi được dư luận đặt ra: Trẻ ở độ tuổi này đã nên sử dụng máy tính bảng hay chưa, trẻ sẽ chịu tác động và phụ thuộc vào công nghệ ra sao nếu bắt đầu sử dụng máy tính bảng từ 6 tuổi?
Hiệu trưởng một trường quốc tế tại TPHCM cho biết, ngay cả ở những nước có nền giáo dục tiên tiến, họ cũng không làm như vậy. Ở Singapore, Bộ GDĐT Singapore sẽ thẩm định, cấp phép nhiều bộ SGK, sau đó đưa lên mạng của bộ. Giáo viên biên soạn bài giảng theo từng chủ đề để truyền tải đến học sinh. Học sinh dựa vào chủ đề đó và dùng iPad như là công cụ hỗ trợ tìm dữ liệu để thuyết trình. Học sinh 8 tuổi trở lên mới được sử dụng vài giờ/ngày, còn học sinh lớp 1 hầu như không sử dụng.
Bà Nguyễn Thúy Uyên Phương - Giám đốc đào tạo Trường ngoại khóa Tomato - nêu quan điểm: Đề án chưa cho thấy được bước đột phá về hiệu quả giáo dục. Khi mà những thứ thuộc về phần “gốc” như SGK, chương trình học, phương pháp dạy và học... vẫn còn nhiều vấn đề bất cập và chưa được đổi mới thấu đáo, thì việc thay đổi phần “ngọn” (công cụ học tập) như vậy liệu có mang lại hiệu quả gì? Về cách thức triển khai, việc áp dụng cho học sinh ở đầu cấp tiểu học là không phù hợp.
Phần đông phụ huynh rất lo lắng về việc sử dụng các thiết bị công nghệ liên tục trong suốt cả ngày học sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ như thế nào. Một nghiên cứu ở Anh mới được công bố cho biết, việc sử dụng máy tính bảng trong nhà trường ảnh hưởng đến khả năng đọc sách của học sinh. Theo đó, những trẻ có sử dụng máy tính bảng thì khả năng đọc sách yếu hơn những trẻ không sử dụng thiết bị này.
Hội Nhi khoa Hoa Kỳ cho biết, để trẻ phát triển bình thường, dưới 2 tuổi thì không cho xem tivi, màn hình điện tử (0 giờ/ngày), 2 - 6 tuổi mỗi ngày được xem 1 giờ, 6 - 12 tuổi 2 giờ. Lứa tuổi mà Sở GDĐT TPHCM dự định triển khai SGK điện tử từ lớp 1 - 3 (tương đương từ 6 - 9 tuổi), rất khó kiềm chế với loại thiết bị thông minh, tiện dụng như máy tính bảng nên dễ sinh ra nghiện.
Một hiệu trưởng tiểu học bày tỏ sự lo lắng: “Chúng ta chưa lường hết được nguy cơ của việc thay đổi phương pháp dạy học theo hướng này ở trẻ em. Sẽ rất nguy hiểm khi triển khai trên diện rộng rồi sau đó mới đánh giá, vì lúc đó cả một thế hệ trẻ tiểu học trở thành nạn nhân của thí nghiệm".